Yên Bái: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tạo tiền đề nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nhân dịp đón nhận cờ của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) công nhận tỉnh Yên Bái đạt chuẩn PCGDTHCS, phóng viên (PV) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chống mù chữ (CMC)-PCGD tỉnh Yên Bái.

Cô và trò học sinh Trường THCS xã Y Can (Trấn Yên) trong giờ học lịch sử.
Cô và trò học sinh Trường THCS xã Y Can (Trấn Yên) trong giờ học lịch sử.

Xin đồng chí cho biết quá trình triển khai công tác PCGDTHCS của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua?

- PCGDTHCS là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Thực hiện Nghị quyết số 41/2000/QH ngày 9/12/2000 của Quốc hội khoá X, Chỉ thị số 61- CT/TW  ngày 28/12/2000 của Bộ Chính trị, Nghị định số 88/2001/NĐ-CP ngày 22/11/2001 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD& ĐT, những năm qua, Ban chỉ đạo chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học(CMC-PCGDTH), PCGDTHCS tỉnh Yên Bái đã được quan tâm kiện toàn.

Với kinh nghiệm đã có của giai đoạn thực hiện mục tiêu CMC-PCGDTH, Yên Bái đã vận dụng hợp lý vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng hàng năm thống nhất chỉ đạo các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể tích cực triển khai đồng bộ nhiệm vụ PCGDTHCS trên phạm vi toàn tỉnh. Trong chỉ đạo không nôn nóng, Yên Bái đã tuân thủ quy trình một cách bài bản, đúng quy trình và thực chất. Tỉnh quan tâm chỉ đạo các yếu tố cần và đủ cho việc thực hiện mục tiêu PCGDTHCS. Đối với những huyện có nhiều xã khó khăn và đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, tỉnh đã tập trung chỉ đạo bằng nhiều giải pháp tích cực. Ban chỉ đạo luôn tăng cường kiểm tra, đánh giá công nhận kết quả thực hiện mục tiêu PCGDTHCS của các địa phương, chú trọng kiểm tra công tác duy trì phổ cập đối với những đơn vị đã đạt chuẩn phổ cập.

Riêng năm 2007, Ban chỉ đạo đã tổ chức kiểm tra 180/180 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Cùng với đó là không ngừng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức trong cộng đồng dân cư về mục tiêu PCGDTHCS, qua đó đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tích cực thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục.

Sau 7 năm phấn đấu kiên trì với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đến thời điểm tháng 12/2007, Yên Bái đã đủ điều kiện để Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn PCGDTHCS.

Tuy đã được công nhận đạt chuẩn PCGDTHCS nhưng để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập, Yên Bái vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Vậy, theo đồng chí, khó khăn lớn nhất mà Yên Bái phải vượt qua trong công tác này là gì ?

 - Vào thời điểm 31/12/2007, tỉnh Yên Bái đã có 95,56% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTHCS nhưng chỉ có huyện Trấn Yên, Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ là 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn, huyện Yên Bình và Lục Yên có từ 95,8% đến 96% còn 4 đơn vị là thành phố Yên Bái, các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải mới có từ 90 đến 92,9% đơn vị đạt chuẩn. Kết quả trên cho thấy, vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới là phải duy trì và nâng cao chất lượng công tác PCGDTHCS.

Học sinh người Mông Trường phổ thông Dân tộc nội trú số 1 Mù Cang Chải thực hành môn Tin học.
(Ảnh: Thanh Miền)

Việc duy trì PCGDTHCS vẫn còn thách thức rất lớn, đó là điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn kém phát triển, lại là tỉnh miền núi có nhiều vùng miền khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên việc tạo điều kiện cho con em đến trường cũng như nhận thức về công tác giáo dục trong một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Mặt khác, việc công nhận đạt chuẩn PCGDTHCS phải tiến hành hàng năm với yêu cầu đánh giá đúng thực trạng chất lượng giáo dục, mỗi đơn vị cấp xã, cấp huyện nếu không tập trung chỉ đạo thì cũng dễ dẫn đến mất chuẩn hoặc giảm tỷ lệ đạt chuẩn.

Thưa đồng chí, trước những khó khăn vốn có của một tỉnh miền núi, muốn duy trì và nâng cao kết quả PCGDTHCS, chúng ta cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề gì ?

- Với Yên Bái, kết quả PCGDTHCS có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu một mốc son cho quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của sự nghiệp giáo dục - đào tạo tỉnh nhà, là thành tựu to lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2005 - 2010. Để giữ vững kết quả đã đạt được, trước hết, cấp uỷ, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố không được chủ quan, thỏa mãn, không coi việc được công nhận đạt chuẩn PCGDTHCS là đã hoàn thành nhiệm vụ.

Từng đơn vị cần tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao kết quả PCGDTH - CMC và phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục đúng độ tuổi trong thời gian gần nhất, tạo tiền đề PCGDTHCS một cách bền vững; quan tâm phát triển giáo dục tiểu học và trung học cơ sở ; tăng cường kinh phí cho công tác phổ cập giáo dục, kinh phí hỗ trợ học sinh bán trú, học sinh nội trú dân nuôi ; quan tâm đầu tư xây dựng nhà bán trú và nội trú dân nuôi cho các trường thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Đồng thời với việc thực hiện mục tiêu PCGDTHCS, cần coi trọng hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ở cấp xã, tăng cường phổ biến khoa học, đưa công nghệ mới vào thôn bản, vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với nâng cao dân trí, nâng cao đời sống văn hoá cho nhân dân từ cơ sở.

Cần tuyên truyền sâu rộng kết quả đạt được để tiếp tục nâng cao nhận thức về phổ cập giáo dục trong nhân dân; tiếp tục củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo CMC-PCGDTH, PCGDTHCS các cấp nhằm huy động các lực lượng xã hội tích cực tham gia vào sự  nghiệp giáo dục và công tác phổ cập giáo dục của tỉnh.

Hằng năm, phải tiến hành điều tra, vận động các đối tượng phổ cập đến lớp, thực hiện nghiêm túc công tác thống kê, xử lý số liệu, lưu trữ hồ sơ để đảm bảo hệ thống, chính xác và tính pháp lý của hồ sơ. Cần quan tâm đầu tư hơn nữa để phát triển giáo dục mầm non ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc để tất cả học sinh vào lớp 1 đều được học mẫu giáo, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học; phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đồng thời phải củng cố, mở rộng đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục thường xuyên để vừa tăng số người đi học, vừa nâng cao chất lượng đích thực, phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Các cấp quản lý giáo dục phải tích cực tham mưu với các cấp uỷ, chính tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học, cơ sở giáo dục theo định hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá; xây dựng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; kiện toàn đội ngũ giáo viên đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá, nâng cao năng lực sử dụng thiết bị dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội (khoá X), quyết tâm phấn đấu đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển toàn diện.

Xin cảm ơn đồng chí!

Khánh Linh

Các tin khác
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, tối 9-11 bão số 9 đã đổi hướng di chuyển xuống phía nam và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực bắc biển Đông (cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía đông). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.

GS. TS Dương Thiệu Tống

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Nguyễn Thiện Nhân, vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 10 năm 2008.

Theo lộ trình cải cách tiền lương, tháng 1/1009 sẽ tăng lương tối thiểu chung. Tuy nhiên, do thu ngân sách nhà nước giảm nên lộ trình này phải thay đổi.

Theo nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 được Quốc hội thông qua chiều 8/11, dự toán chi ngân sách trung ương được điều chỉnh giảm. Trong đó, chi cho cải cách tiền lương giảm từ 43.600 tỷ đồng xuống 36.600 tỷ đồng.

Chiều 6-11, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 7652/VPCP/KG truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc khẩn trương thực hiện việc xử lý sữa và các sản phẩm sữa nhiễm melamine.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục