Rất cần sự nỗ lực của cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Các báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra sự kỳ thị, phân biệt đối xử làm hạn chế sự tiến bộ của người khuyết tật (NKT). Còn yêu cầu cấp thiết của NKT hiện nay là phải thay đổi thái độ tiêu cực trong xã hội.

Theo kết quả khảo sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tiến hành với 720 NKT ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh: 7% NKT bị đối xử tệ bạc hơn những thành viên khác trong gia đình, 13% bị cộng đồng đối xử tệ. NKT bị người thân coi là gánh nặng dễ bị lăng mạ thậm chí bị bỏ rơi, không chăm sóc. Nhiều trường học không muốn nhận học sinh khuyết tật vì sợ ảnh hưởng đến thành tích và "bộ mặt" của nhà trường.

Nhiều báo cáo khác cũng chỉ ra trẻ khuyết tật thường bị nhà trường xa lánh, trở thành mục tiêu chế nhạo hoặc cô lập của những học sinh bình thường. ở cơ sở sản xuất, chủ sử dụng lao động không muốn đối mặt với "nguy cơ" thuê nhân công khuyết tật, bởi lo ngại phải thay đổi trang thiết bị, đóng bảo hiểm nhiều hơn. Nhiều sinh viên khuyết tật sau khi tốt nghiệp, không thể tìm được việc làm phù hợp với ngành học, khả năng của mình. Chính vì vậy, NKT đã thiệt thòi vì sự thiếu hụt một phần cơ thể lại bị sự kỳ thị tước đi cơ hội được thụ hưởng các quyền học tập, đi lại, làm việc và tham gia các hoạt động xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự kỳ thị NKT, nhưng điều cơ bản là nhận thức thấp của cộng đồng. Nhiều người cho rằng: Khuyết tật là vấn đề sức khỏe của một nhóm người bị thiệt thòi làm giảm khả năng đóng góp của họ, mà không hiểu rằng khuyết tật là sản phẩm của xã hội, xã hội nào cũng có NKT, bất kỳ ai cũng có thể bị khuyết tật do ảnh hưởng của bệnh tật, tai nạn giao thông, di chứng chiến tranh... Những người có khác biệt về thể chất, tâm lý, trí tuệ so với chuẩn mực chung sẽ không dẫn đến khuyết tật nếu xã hội có thể giúp đỡ và coi họ như một bộ phận bình thường của cộng đồng.

Vì thế, cần phải có thái độ công bằng, tích cực hơn, không đánh giá thấp chất lượng cuộc sống và tiềm năng của NKT; tăng cường trợ giúp xã hội để giảm bớt những rào cản gây trở ngại cho NKT trong quá trình hòa nhập, cung cấp thêm thông tin, tăng khả năng tiếp cận cho NKT. Nâng cao nhận thức, tạo cơ hội cho NKT thực hiện bình đẳng các quyền, giảm thiểu khoảng cách giữa NKT và người không khuyết tật chính là chìa khóa để giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử với NKT. NKT là một bộ phận của xã hội. Nếu được bình đẳng về cơ hội, giáo dục, đào tạo, việc làm, NKT sẽ có điều kiện phát triển, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng, xã hội.

Hơn lúc nào hết, NKT rất mong mỏi Luật Người tàn tật ra đời sẽ cụ thể hóa những chế tài nhằm ngăn chặn các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, mở đường cho NKT được hưởng quyền bình đẳng. Vì vậy, để thay đổi thái độ và nếp nghĩ cũ trong xã hội, đòi hỏi sự nỗ lực từ tất cả các thành phần của xã hội, nhất là các nhà hoạch định chính sách.

Các tin khác
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã khẳng định như vậy trước thông tin sẽ lùi thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân đến 1/7/2009. Theo ông Tuấn, Bộ Tài chính mới đang nghiên cứu trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét giảm, giãn thuế cho một số đối tượng…

YBĐT - Sáng 2/12, được sự tạo điều kiện hỗ trợ của bệnh viện E và bệnh viện Bạch Mai - Trung ương, Sở y tế Yên Bái đã tổ chức hội nghị khoa học thực hành bệnh viện năm 2008.

Đường đi và vị trí của áp thấp nhiệt đới.

Theo Trung Tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng sớm 2/12 (2/12), một vùng áp thấp trên khu vực Nam Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Khoảng thứ 5, nhiệt độ có thể giảm 2-3 độ so với hiện nay.

Ba ngày đầu tuần, miền Bắc và Bắc Trung Bộ vẫn nằm sâu trong khối không khí lạnh khô đang suy yếu dần. Thứ năm (4/12), khu vực này sẽ đón thêm đợt không khí lạnh cường độ mạnh, gây mưa nhỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục