Động lực quan trọng trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở Yên Bái những năm qua luôn đạt được những kết quả hết sức đáng mừng. Hàng nghìn hộ dân ở hầu khắp các xã phường, huyện thị trong tỉnh đã ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, vươn lên ấm no. Có nhiều nguyên nhân để “cuộc chiến” chống đói nghèo thu được những thắng lợi như vậy, trong đó có một nguyên nhân cơ bản là, người nghèo đã tiếp cận được với đồng vốn chính sách của Chính phủ, do những cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Yên Bái mang tới.

Giải ngân cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Giải ngân cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Trần Văn Tỳ - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh là một người gắn bó lâu năm với công tác xoá đói giảm nghèo tâm sự: “Năm 2008, công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở Yên Bái khó khăn hơn bởi rét đậm, rét hại, bởi lũ lụt thiên tai, cùng với đó là sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong bối cảnh ấy, NH CSXH nhận thêm trách nhiệm nặng nề, phải tăng cường vốn cho các đối tượng chính sách với nhiều chương trình, dự án khác nhau.

Khó khăn, vất vả nhưng may mắn là hoạt động của hệ thống ngân hàng CSXH luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự đồng hành của nhiều tổ chức chính trị, xã hội nên đã vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vốn của Ngân hàng CSXH trở thành một kênh tín dụng quan trọng, là động lực chính trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo”. Đến nay, hệ thống Ngân hàng CSXH đã được hoàn thiện cả về bộ máy tổ chức lẫn trang thiết bị phục vụ. Đặc biệt là hơn một trăm điểm giao dịch tại trụ sở các xã từ bản người Mông ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, bản người Thái - Văn Chấn, bản người Dao ở Văn Yên đến bản người Tày - Yên Bình, Lục Yên… đâu đâu cùng có tấm biển xanh thân quen và in dấu bước chân của người cán bộ tín dụng.

Năm 2008, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH là 707,56 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2007. Tăng thêm 254 tỷ đồng là hàng vạn nông hộ có thêm cơ hội thoát nghèo nhưng cũng tăng thêm “gánh nặng” trách nhiệm, nghĩa vụ của người cán bộ ngân hàng. Với số vốn trong tay, Ngân hàng CSXH đã tham mưu cho tỉnh và phối hợp với các tổ chức chính trị trong việc uỷ thác; bám sát vào các chương trình kinh tế của tỉnh để đầu tư cho vay như: cho vay hộ nghèo; cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vay đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường…

Kết thúc năm 2008, hệ thống ngân hàng CSXH đã cho vay  được 372,9 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ lên 703,56 tỷ đồng, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ bám sát các chương trình cho vay thông thường mà ngay sau khi lũ lụt xảy ra trên địa bàn Yên Bái do ảnh hưởng của cơn bão số 4, cán bộ của Ngân hàng CSXH Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên (những địa phương bị thiệt hại lớn nhất) đã toả về vùng lũ thăm hỏi, tặng quà người dân, thống kê thiệt hại của các khách hàng đồng thời giúp chính quyền và người dân tiếp cận được với nguồn vốn khắc phục thiên tai của Chính phủ.

Ông Triệu Kim Thành, người dân tộc Dao ở xã Yên Thành (huyện Yên Bình) tâm sự: “Ngay sau lũ cán bộ Ngân hàng CSXH huyện đã đến thăm hỏi, rồi cán bộ cho vay tiền làm lại nhà, mua trâu… Dân đang tay trắng mà được Ngân hàng tin tưởng cho vay tiền làm nhà ở và khôi phục sản xuất, dân biết ơn Chính phủ, biết ơn cán bộ lắm”. Suy nghĩ của ông Thành cũng là suy nghĩ chung của 3.520 hộ dân vùng lũ đã được Ngân hàng cho vay với tổng số tiền 31 tỷ đồng trong chương trình cho vay khắc phục hậu quả bão lũ vừa qua.

Một mùa xuân nữa đang về trên quê hương Yên Bái, vẫn biết xuân này, tết này còn bộn bề khó khăn nhưng hàng vạn hộ dân có nhà mới, có gạo, có thịt, có ruộng đồng tốt tươi, có trâu bò, gà lợn đầy chuồng là nhờ được vay những đồng vốn ưu đãi của Chính phủ do Ngân hàng CSXH mang tới.

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Mù Cang Chải Là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế của nhân dân còn nghèo. Trên địa bàn huyện còn tồn tại phong tục tập quán lạc hậu như tảo hôn, sinh con thứ 3, ăn ở không vệ sinh. Bên cạnh đó, một số nơi cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thường xuyên quan tâm đến công tác y tế, cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy gậy là môn thể thao truyền thống đặc sắc của người Mông trong hội “Gầu tào”.

YBĐT - Khi tiếng khèn lá réo rắt trên những nẻo đường vùng cao, từng cơn gió se lạnh mang theo những hạt mưa li ti rắc trên những cánh rừng thông thì cũng là lúc tết cổ truyền của người Mông đã đến. Miền sơn cước nô nức hơn bởi bước chân đồng bào xuống phố huyện sắm tết, các cơ quan, ban ngành cũng tất bật chuẩn bị cùng đồng bào Mông vui tết đón xuân.

Ngày 24.12, Bộ GDĐT cho biết, Chính phủ đã thông qua đề án đổi mới cơ chế tài chính trong GDĐT và đã trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ phê duyệt để triển khai.

Nhờ sinh ít con mà gia đình chị Hằng có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình.

YBĐT - Đây là gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh, thôn 3 Lương Thịnh, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái. Nhìn bề ngoài không có gì nổi bật hơn những hộ công giáo khác trong thôn, song để có được cơ ngơi như bây giờ một phần chính là nhờ anh chị đã thực hiện sinh đẻ có kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục