Yên Bái: Hoàn thiện, phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề - yêu cầu từ thực tế
- Cập nhật: Thứ tư, 13/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hiện nay, mạng lưới các cơ sở dạy nghề của tỉnh Yên Bái đã có bước phát triển mạnh mẽ so với trước. Thời điểm năm 2001, toàn tỉnh mới có một cơ sở thì nay đã phát triển thành 23 cơ sở dạy nghề và có tham gia dạy nghề, đã có trường dạy nghề đào tạo trình độ cao đẳng và các trung tâm dạy nghề tại 9/9 huyện, thị, thành phố, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động.
Các trung tâm dạy nghề tại các huyện đã đáp ứng nhu cầu cho người lao động.
|
Hiện nay, mạng lưới các cơ sở dạy nghề của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ so với trước. Thời điểm năm 2001, toàn tỉnh mới có một cơ sở thì nay đã phát triển thành 23 cơ sở dạy nghề và có tham gia dạy nghề, đã có trường dạy nghề đào tạo trình độ cao đẳng và các trung tâm dạy nghề tại 9/9 huyện, thị, thành phố, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động.
Trường Trung cấp Nghề Yên Bái hàng năm tuyển mới khoảng 600 học sinh trình độ trung cấp, 1.500 học sinh trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên. Các trung tâm dạy nghề tại các huyện, thị, thành phố bình quân mỗi năm đào tạo cho trên 1.000 người, nhiều lao động khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, học sinh dân tộc thiểu số nội trú, người tàn tật đã có cơ hội được học ngay tại địa phương. Ngoài ra còn có 2 trường trung cấp chuyên nghiệp tham gia dạy nghề, mỗi năm đào tạo khoảng 150 học sinh.
Các trung tâm khác của các đoàn thể, cơ quan cũng tham gia dạy nghề như Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trung tâm Thuỷ sản, Khuyến nông... mỗi trung tâm đào tạo nghề cho khoảng 100 đến 500 lao động mỗi năm, chủ yếu là trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên. Ngoài các cơ sở công lập, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 cơ sở dạy nghề tư thục, chiếm 18% tổng số. Năm 2008, đã thành lập Trường cao đẳng Nghề Âu Lạc, Trung tâm Dạy nghề Phú Hưng thuộc Công ty cổ phần Đào tạo Đồng Tâm tham gia hoạt động đào tạo nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên.
Trường cao đẳng Nghề Âu Lạc và Trung tâm Dạy nghề Phú Hưng được thành lập đã có kế hoạch liên kết với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin đào tạo công nhân kỹ thuật của tỉnh thuộc các lĩnh vực ngành nghề để cung cấp cho Nhà máy Luyện gang thép Cửu Long tại xã Văn Phú, thành phố Yên Bái. Năm 2008, Công ty đã đào tạo cho gần 800 người. Ngoài ra, có 2 cơ sở dạy nghề tư nhân hiện đang tham gia hoạt động dạy nghề, tuy nhiên quy mô đào tạo thấp, chỉ khoảng 50 học sinh/năm. Tính hết năm 2008, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh đạt 13,88%.
Mặc dù tỉ lệ lao động được đào tạo nghề ngày càng tăng song chất lượng nguồn lao động của tỉnh hiện nay nhìn chung chưa cao, cơ cấu lao động đã được đào tạo chưa cân đối trên cả hai phương diện ngành nghề và trình độ. Lực lượng lao động của tỉnh lớn và có độ tuổi trẻ nhưng lại thiếu lao động được đào tạo có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, lao động được đào tạo ở những ngành nghề mũi nhọn.
Đào tạo dài hạn (trung cấp nghề) còn thấp, đào tạo ngắn hạn (sơ cấp nghề) còn chiếm tỷ lệ cao so với tổng số lao động đã qua đào tạo. Tỉ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp toàn tỉnh chiếm tới 74% và đa số chưa qua đào tạo nghề. Số lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chưa qua đào tạo nghề đa số mới được đào tạo theo hình thức kèm cặp, truyền nghề để tham gia vào sản xuất, do đó, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao.
Qua khảo sát tại các công ty xây dựng, giao thông thì lực lượng lao động trực tiếp chỉ có 20% đã qua đào tạo, còn lại là thợ truyền nghề, lao động phổ thông theo mùa vụ, nhiều cơ sở sản xuất chè, 100% công nhân chưa qua đào tạo. Số lao động được đào tạo chính quy ở trình độ trung cấp nghề còn rất hạn chế do từ năm 2008 trở về trước tỉnh chỉ có duy nhất một trường trung cấp nghề.
Lực lượng lao động này rất cần được khảo sát, đánh giá trình độ tay nghề để từ đó có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng với yêu cầu sử dụng trong sản xuất kinh doanh. Mặt khác, theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2006-2010 của tỉnh, dự báo đến năm 2010, cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 65%, đến năm 2015 chiếm còn 55%, còn lại là các lĩnh vực công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ.
Thực tế về tình hình lao động cũng như cân đối về cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế theo dự báo như trên đòi hỏi cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện, phát triển các cơ sở dạy nghề.
Hệ thống mạng lưới các cơ sở dạy nghề công lập hiện đang chiếm tỷ lệ 82%. Vì vậy, trong những năm tới ngoài việc củng cố phát triển loại hình cơ sở dạy nghề ngoài công lập, tỉnh cần phải ưu tiên tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cho các trung tâm dạy nghề công lập để hình thành hệ thống cơ sở dạy nghề chủ đạo, hiện đạ,i có đủ khả năng đảm nhận các nhiệm vụ đào tạo gắn với phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm nhận các đơn đặt hàng về dạy nghề của Nhà nước đồng thời thực hiện tốt các chính sách dạy nghề cho các đối tượng khó khăn như lao động nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số nội trú, người nghèo, người tàn tật.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Đến nay, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) có 931 hộ sử dụng nước máy, nước sạch tự chảy bằng (28% số hộ) và có 1.527 hộ dùng nước giếng chủ động trong sinh hoạt của gia đình (bằng 46%).
YBĐT - Đến đầu tháng 5/2009, Yên Bái tiếp tục duy trì được mức giảm sinh và đã hạn chế tốc độ gia tăng dân số. Tỷ suất sinh thô từ 20,36%o (2001) giảm xuống 19,51%o (2008); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 15,8% (2001) giảm xuống 13,5% (2008).
YBĐT - Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh huyện Văn Yên và cơ sở hội tại địa phương có tù tha đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vận động bà con lối xóm cho các đối tượng vay gần 50 triệu đồng, 300 con giống, hàng ngàn cây giống để phát triển kinh tế gia đình.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhân thức, phát triển, duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức các cơ sở Hội nên công tác khuyến học trên địa bàn tiếp tục được phát triển rộng khắp.