Đề nghị tăng học phí đại học lên 230.000đ/tháng
- Cập nhật: Thứ năm, 14/5/2009 | 12:00:00 AM
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD - ĐT, Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý với quan điểm đề xuất lùi thời gian thực hiện Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 1 năm. Tuy nhiên, ông đề nghị tăng học phí ĐH năm 2009 lên 230.000đ/tháng.
|
Chiều 13/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008 - 2012.
Trình bày tờ trình về Đề án tại buổi làm việc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, trong khi nền kinh tế nước ta đã chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN được 20 năm thì cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo thực tế vẫn chưa có thay đổi về chất so với thời kì kinh tế kế hoạch hoá, tập trung, bao cấp.
Cũng theo ông Nhân, chế độ học phí xây dựng từ 11 năm trước chưa thay đổi, trong khi đó từ năm 2000 đến năm 2008, mức giá tiêu dùng bình quân đã tăng 1,62 lần…
6% thu nhập vẫn là cao
Đề án đổi mới cơ chế tài chính lần này của Chính phủ đã đề cập nhiều vấn đề, trong đó vấn đề nhận được nhiều ý kiến nhất là học phí.
Theo Đề án, đối với chương trình đại trà, học phí ở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông thu theo nguyên tắc chung là học phí và các chi phí học tập cần thiết khác cho việc học tập không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình theo từng địa phương (trong một tỉnh có thể có các mức học phí khác nhau).
“Phản biện” đề xuất này Thường trực UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, 6% là mức chi trả khá cao trong nhóm các nước mới phát triển, còn ở các nước phát triển, con số này là từ 2- 10%. Đối với nước ta, nếu lấy 6% sẽ là quá cao vì thực tế thu nhập của các hộ dân hiện nay còn thấp, đa số học sinh, sinh viên là con em các hộ nông dân còn rất nghèo và khó khăn.
Đề án bao gồm khung học phí đại học giai đoạn 2008 - 2012 theo 7 nhóm ngành khác nhau, trong đó nhóm ngành Sư phạm có khung học phí thấp nhất (từ 200.000 - 500.000đ/tháng) và cao nhất là nhóm ngành Y dược (290.000 - 800.000đ/tháng).
Cụ thể, có phải một số năm nữa, người học sẽ không còn hưởng phúc lợi giáo dục từ ngân sách nhà nước? Vấn đề này theo Thường trực UB cần được cân nhắc thận trọng hơn vì ngay ở các nước khác, kể cả những nước “thương mại hoá” giáo dục nghề nghiệp như Hoa Kỳ, nhà nước vẫn gánh vác một tỉ lệ đáng kể trong chi phí đào tạo của các cơ sở đào tạo công lập.
Thường trực UB cũng đánh giá, khung học phí của các chương trình đào tạo, các cấp học, chương trình đào tạo nghề nghiệp trong Đề án có biên độ rất rộng và đề nghị chia thành các mức nhỏ hơn tương ứng với các mức chất lượng khác nhau, đồng thời chỉ cho phép các cơ sở giáo dục đào tạo được thu học phí ở mức tương ứng với chất lượng đã được kiểm định công nhận.
Trong đề án dự kiến đến năm 2012, học phí của khối đào tạo nghề nghiệp bảo đảm 44,7% tổng chi thường xuyên là khá cao so với mặt bằng thu nhập của nhân dân, cần cân nhắc hợp lí để bảo đảm tính khả thi của đề án.
“Quan điểm của tôi là cần phải bao cấp mạnh mẽ cho giáo dục, y tế”, ông Thuận nhấn mạnh. Ông cho biết, quá trình tiếp xúc cử tri tại miền Tây Quảng Nam, các đại biểu nhận thấy, có những nơi đồng bào còn rất khó khăn, lo cho ăn uống đã khó, chưa nói đến chuyện học.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đề cập đến phương án miễn học phí cho học sinh THCS ở nông thôn. Thêm nữa, theo ông Hiển, mảng học nghề rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh nhiều hộ nông dân bị thu hồi đất nên đề án cần nhấn mạnh đến hỗ trợ học phí cho con em nông dân.
Bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm UB Tư pháp chia sẻ, học sinh lựa chọn Trung học nghề có thể do năng lực học, nhưng chủ yếu do khó khăn về tài chính. Với bậc học này, không thể tính học phí cao như dự thảo, cần có hỗ trợ từ nhà nước nhiều hơn.
Về học phí bậc Đại học, ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc cần phải tăng, bởi mức học phí 180.000/tháng chỉ bằng 1/3 giá trị so với năm bắt đầu thực hiện (2000). Tuy nhiên, theo ông Minh, nếu tăng ngay sẽ gây sốc nên cần tăng dần trong 3-4 năm.
“Chốt” lại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, năm 2009, 2010 kinh tế trong nước theo dự báo vẫn còn khó khăn, cần cân nhắc quãng thời gian thực hiện Đề án cho phù hợp. Theo ông Kiên, có thể chọn ra những khâu có thể làm trước để thực hiện.
Với vấn đề học phí, phải tính toán có lộ trình, có nhiều phương án và học phí được điều chỉnh phải gắn với chất lượng đào tạo… Đồng thời, cần duy trì chế độ học bổng, nhất là với các sinh viên nghèo học giỏi.
Ông Kiên đề nghị các cơ quan có trách nhiệm cố gắng hoàn thiện đề án để Quốc hội có thể ra Nghị quyết về vấn đề này tại kì họp tới đây.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Trong giai đoạn 2009-2010, Việt Nam thí điểm đưa 10.000 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài.
Ngày 13/5, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, dịch cúm gia cầm, dịch heo tai xanh lại tiếp tục xuất hiện tại tỉnh Đồng Tháp và Bắc Giang. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm tại hai tỉnh Quảng Ngãi và Thanh Hóa chưa qua 21 ngày.
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, ấp, bản, buôn, làng, sóc (gọi chung là thôn, bản). Theo đó, từ ngày 1-7-2009, mức phụ cấp hàng tháng bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương tối thiểu chung.
YBĐT - Những năm qua, MTTQ xã Đại Sơn (Văn Yên - Yên Bái) luôn phối hợp hoạt động chặt chẽ nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo".