Tỷ lệ ly hôn tăng cao trong giới trẻ - đâu là lời giải?
- Cập nhật: Thứ năm, 20/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Có lẽ đối với mỗi người niềm hạnh phúc thiêng liêng nhất là ngày được dựng vợ gả chồng, được bắt đầu một cuộc sống mới với người mà mình yêu thương, để được cùng nhau vun đắp những ước mơ... Song không phải cặp vợ chồng nào hạnh phúc cũng tròn đầy, nhiều tổ ấm đã tan vỡ, chia lìa sau ít năm chung sống... Có muôn vàn lý do để họ đưa nhau ra toà. Đằng sau mỗi vụ ly hôn là cuộc sống thiệt thòi của con trẻ, thậm chí là bi kịch khi các em không được quan tâm, dạy dỗ đầy đủ và bị đẩy vào đời quá sớm.
Ảnh minh họa.
|
Thực trạng ly hôn từ một số toà án
Tìm hiểu về án ly hôn ở một số toà án trên địa bàn tỉnh càng khẳng định hơn thực trạng đáng báo động về tỷ lệ ly hôn trong xã hội. Thực tế các toà án phải giải quyết các án về hôn nhân gia đình ngày một tăng cao. Chánh án Toà án nhân dân (TAND) huyện Trấn Yên Trần Bình Trọng cho biết: Năm 2008, Toà thụ lý 115 vụ án về hôn nhân gia đình, 6 tháng đầu năm 2009 thụ lý 60 vụ, trong số đó có đến trên 60% số vụ ly hôn là các cặp vợ chồng trẻ dưới 30 tuổi và hầu hết đều có con ở tuổi vị thành niên. Trung bình ở Trấn Yên cứ khoảng 7 cặp vợ chồng kết hôn thì có 1 cặp ly hôn, tỷ lệ này có thấp hơn so với điều tra chung trên cả nước song cũng đã là một con số đáng quan tâm.
Tuy nhiên tỷ lệ này với thành phố Yên Bái lại khác, ông Phan Văn Tiến - Chánh án TAND thành phố Yên Bái cho biết: Năm 2008, TAND thành phố Yên Bái đã thụ lý 189 vụ án về hôn nhân gia đình; riêng trong 6 tháng đầu năm 2009, Toà đã thụ lý 133 vụ, phần lớn các vụ ly hôn là các trường hợp độ tuổi 30 trở xuống. Trong khi đó năm 2008 toàn thành phố Yên Bái có 481 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn, 9 tháng đầu năm 2009 có 303 cặp.
Như vậy, trung bình chưa được 3 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn thì có một cặp ly hôn. Theo số liệu từ Sở Tư pháp, năm 2008 trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng trên 3.316 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn, trong khi đó báo cáo tại kỳ họp 14, HĐND tỉnh khoá XVI của TAND tỉnh thì số vụ ly hôn TAND các cấp đã thụ lý năm 2008 là 714 vụ (trong đó số vợ chồng từ 18 đến 30 tuổi là 284 vụ, số vụ có con chưa thành niên là 383 vụ) như vậy tỷ lệ trung bình là gần 5 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn thì có một cặp chia tay. Kéo theo đằng sau thực trạng ly hôn còn là hàng trăm đứa trẻ thiếu đi bàn tay chăm sóc của cha hoặc mẹ khiến các em phát triển không toàn diện, hơn thế, nhiều em phải bươn chải kiếm sống, bỏ bê học hành. Không ít em bị ảnh hưởng bởi những điều không tốt đẹp từ mâu thuẫn của cha mẹ, dẫn đến suy nghĩ tiêu cực trở thành những đứa trẻ hư, sớm mắc vào các tệ nạn xã hội...
Ngàn lẻ một lý do dẫn đến hôn nhân tan vỡ
Có hàng ngàn lý do khiến các cặp vợ chồng đâm đơn ra toà, song chủ yếu vẫn là do mâu thuẫn gia đình, bị đánh đập, ngược đãi, do nghiện ma tuý, rượu chè, cờ bạc, do ngoại tình... Các cặp vợ chồng khi đã có đơn gửi toà án mặc dù đều được vận động hoà giải song số quay lại đoàn tụ chiếm tỷ lệ rất thấp. Tỷ lệ phụ nữ đâm đơn chiếm nhiều hơn nam giới.
Tìm hiểu qua một số vụ ly hôn mà TAND huyện Trấn Yên đã giải quyết thì hầu hết đứng đơn ly hôn đều xuất phát từ phía người vợ. Vợ chồng chị Lê Thị Th sinh năm 1980, anh Phan Tiến H sinh năm 1979 hai vợ chồng đăng ký kết hôn ở xã Tân Đồng, năm đầu anh chị sống rất hạnh phúc, song sau do chồng chơi bời, cờ bạc phá hết tài sản, vợ chồng bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Năm 2005, chị Hà đã có đơn ra toà xin ly hôn sau đó đã rút đơn về đoàn tụ nhưng do không cải thiện được tình hình, thậm chí anh H còn đánh và đuổi chị ra khỏi nhà, hai người đã sống ly thân từ cuối năm 2007. Vì sự không tu tỉnh, ăn năn của anh H, chị Th tiếp tục nộp đơn và kiên quyết xin ly hôn.
Chánh án Trần Bình Trọng cho biết thêm, trước đây hầu như không có trường hợp ly hôn là người dân tộc Mông nhưng trong một, hai năm trở lại đây đã có. Cầm bản án xét xử vụ án ly hôn giữa chị Giàng Thị Dở, sinh năm 1980 và anh Sùng A Ly, sinh năm 1977 ở Khuôn Bổ xã Hồng Ca lại là trường hợp khác. Chị Dở và anh Ly không đăng ký kết hôn mà chỉ tổ chức cưới theo phong tục người Mông. Hai vợ chồng chung sống từ khoảng năm 1995. Những năm đầu, vợ chồng sống hoà thuận nhưng sau đó thường xuyên cãi nhau và đã ly thân. Chị Dở xin ly hôn với lý do chồng không chịu lao động mà thường uống rượu say rồi về đánh đập vợ con. Hai vợ chồng đã có 4 con, đến thời điểm toà giải quyết ly hôn, (tháng 5/2008) đứa lớn nhất mới 13 tuổi và nhỏ nhất là 6 tuổi.
Đó cũng chỉ là hai trong số rất nhiều cặp vợ chồng đã chọn giải pháp ly hôn sau một thời gian chung sống. Ngoài ra, có những lý do không được bày tỏ, chẳng hạn thất vọng về nhau, do sự thay lòng đổi dạ, mắc tệ nạn xã hội hay do kinh tế gia đình khó khăn... mà nảy sinh mâu thuẫn. Trong số đó chiếm phần lớn là các đôi vợ chồng trẻ khi mà ở họ việc trang bị kỹ năng sống trước hôn nhân chưa được coi trọng.
Đi tìm lời giải
Kỹ năng sống trước khi kết hôn có lẽ là đòi hỏi quan trọng đối với mỗi cặp vợ chồng trước khi kết hôn. Có ai đó đã nói, nếu như sự nhàm chán là bóng ma của các cuộc hôn nhân “có tuổi” thì sự hiếu thắng, sĩ diện, thiếu thực tế và cái “tôi” quá lớn là kẻ thù số một của các gia đình trẻ. Ngày nay nhiều cặp vợ chồng kết hôn vội vàng, không ngoại trừ nguyên nhân nhiều đôi bạn trẻ đã chung sống trước hôn nhân chính vì thế họ thiếu kỹ năng làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Việc bắt buộc phải làm quen với cuộc sống mới, phải đảm đương lo toan cho gia đình, cho con cái... trở thành gánh nặng quá sức với những bạn trẻ chưa được chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý, tất cả những đòi hỏi đặt ra của cuộc sống gia đình đã khiến nhiều bạn trẻ bị “quá tải” trước những lo toan thực tế.
Hiện nay tình trạng ly hôn trên cả nước đã tăng theo cấp số nhân trong vòng 10 năm qua. Theo kết quả nghiên cứu của Tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa (Trường Đại học KHXH và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) thì tỷ lệ ly hôn trên cả nước chiếm từ 31 - 40% trên số kết hôn. Điều đó có nghĩa cứ 3 cặp kết hôn thì sẽ có 1 cặp chia tay, 60% trong số này là lớp người trẻ (từ 20 - 30 tuổi).
Sự bỡ ngỡ trước cuộc sống gia đình sẽ vượt qua được khi cả hai vợ chồng cùng biết lo toan, chăm chút, biết điều chỉnh để vun đắp cho tổ ấm. Ngược lại nó sẽ bị đảo lộn khi cả hai không tìm được tiếng nói chung. Chính vì thế khi kết hôn đòi hỏi sự chín chắn, trưởng thành từ cả hai phía. Mỗi người cần nêu cao trách nhiệm của mình trong gia đình, dẹp bỏ bớt cái “tôi” rèn luyện kỹ năng sống biết chia sẻ, nhường nhịn, tự điều chỉnh để vợ chồng hoà hợp. Các cụ ta đã dạy “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”.
Đã có nghiên cứu cho rằng: mỗi cặp vợ chồng vượt qua được những khó khăn trong khoảng từ 3 - 5 năm đầu chung sống thì tỷ lệ thành công và bền vững sẽ cao. Ngoài ra, các cặp vợ chồng, nhất là vợ chồng trẻ còn rất cần sự cảm thông, chia sẻ với người thân trong gia đình; các tổ chức đoàn thể cơ sở kịp thời, góp ý, phân tích phải trái khi hai người có mâu thuẫn, không để đẩy mâu thuẫn đến mức phải đâm đơn ra toà.
Tỷ lệ ly hôn đang ngày một tăng cao đã kéo theo nhiều hệ luỵ cho xã hội. Ngoài việc giảm sút về chất lượng gia đình, hậu ly hôn còn là gánh nặng cho mỗi gia đình và cộng đồng xã hội, là thiệt thòi cho hàng trăm trẻ em còn đang ở tuổi vị thành niên... Hơn hết, vấn đề ly hôn trong xã hội cần sự nhìn nhận nghiêm túc từ mỗi gia đình, để gia đình thực sự là một tổ ấm, là nơi nương náu tìm về của mỗi thành viên, để tiếng cười trẻ thơ luôn được trong trẻo và để mỗi gia đình thực sự là một tế bào của xã hội.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Bệnh viện Y học cổ truyền Yên Bái được thành lập tháng 12 năm 1989. Trải qua gần 20 xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ vì người bệnh.
YBĐT - Được thành lập với mục đích nâng cao nhận thức về phòng chống HIV/AIDS; hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống lây nhiễm và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, giảm bớt sự kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội với những người nhiễm HIV/AIDS, mô hình Câu lạc bộ (CLB) Đồng cảm do Trung tâm SUDECOM thành lập tại phường Yên Thịnh đã trở thành ngôi nhà chung. Ở đó, họ được sống trong sự cảm thông, được quan tâm và chia sẻ.
YBĐT - Hiện nay ngành giáo dục huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đang quản lý 13 trường mầm non công lập tại 12 xã , thị trấn, hàng năm thu hút gần hai nghìn trẻ từ 2 - 5 tuổi đến trường. Hệ thống các trường mầm non được đầu tư cải tạo, nâng cấp đã cơ bản đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục.
YBĐT - Vào những ngày này, đại dịch cúm A/H1N1 ở người đang diễn biến hết sức phức tạp cả trên thế giới và trong nước. Dịch đã xâm nhập vào trường học ở Hà Nội trở thành tâm điểm lo lắng của người dân. Nhưng tại Yên Bái, nhiều trường học ở huyện Văn Chấn vẫn cứ “bình chân như vại”.