Nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hoá thôn, bản ở Trấn Yên: Khi cuộc vận động đi vào cuộc sống
- Cập nhật: Thứ năm, 10/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hệ thống nhà văn hoá thôn bản luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng gìn giữ, bảo lưu, kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống, tiếp cận các giá trị văn hoá hiện đại, tạo nên sự hài hoà trong tổng thể một nền văn hoá địa phương. Huyện Trấn Yên (Yên Bái) là một trong những địa phương trong tỉnh hiện đang phát huy được thế mạnh của hệ thống nhà văn hoá. Đặc biệt, thế mạnh đó hình thành nên từ chính nhân dân, khi họ tiếp thu được đầy đủ, đúng đắn về ý nghĩa của các cuộc vận động để dần thay đổi tư duy, hành động.
Hội đồng làng văn hóa thôn 8, xã Minh Quán giới thiệu cho cán bộ văn hóa bộ trống phục vụ các hoạt động văn hóa của thôn.
|
Những người thế chấp sổ đỏ để xây nhà văn hoá thôn
Có lẽ hiếm có nơi nào như huyện Trấn Yên, đội ngũ cộng tác viên văn hoá mà chủ yếu là các hội đồng làng các thôn, bản lại nhiệt tình, sâu sát chăm lo cho đời sống tinh thần của nhân dân đến thế. Thường ở các thôn, bản, trưởng thôn là người được giữ chức chủ tịch hội đồng làng (hưởng phụ cấp 230 nghìn đồng/tháng), còn lại từ cấp phó trở xuống thì làm theo tinh thần “nhiệt tình là chính” chứ không có lợi ích vật chất gì. Ấy thế mà lần này về tìm hiểu ở huyện, chúng tôi được giới thiệu xuống thăm thôn 10, xã Việt Thành - nơi đã xây dựng được một ngôi nhà văn hoá thôn rất khang trang (được nhiều người đánh giá là “to nhất huyện”) và được nghe câu chuyện về những người “Tình nguyện thế chấp sổ đỏ để vay tiền làm nhà văn hoá thôn”. Nghe thì có vẻ buồn cười và nhiều người sẽ nghĩ rằng quá vô lý, nhưng đó lại là chuyện có thật 100% ở nơi này.
Bác Đàm Văn Tám - Trưởng thôn kể lại: “Trước đây khi chưa có nhà văn hoá, mọi cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ và hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao... đều phải làm nhờ ở nhà các hộ dân, vất vả lắm! Đầu năm 2007, nghe nói làm nhà văn hoá thôn sẽ được Nhà nước hỗ trợ theo chính sách “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thế là chúng tôi cùng nhau bàn bạc, xin ý kiến của nhân dân và thống nhất là phải làm nhanh để có “chỗ ra, chỗ vào”. Và rồi, nhận được lòng nhiệt tâm của một người con sinh ra và trưởng thành tại thôn ủng hộ 5 vạn gạch và 1 tấn xi măng, tháng 2/2007, nhà văn hoá thôn 10 bắt đầu được khởi công và hoàn thành 2 tháng sau đó.
Kinh phí xây dựng do 100% đóng góp của 46 hộ dân (174 nhân khẩu) với mức 200 nghìn đồng/nhân khẩu (trừ những người tàn tật, già yếu), số còn lại sẽ tính toán vận động trả dần. Tuy nhiên, do trượt giá và đơn vị thi công yêu cầu trả tiền ngay nên kế hoạch gần như “phá sản”. Khi nhà văn hoá thôn xây dựng xong, toàn bộ kinh phí lên tới gần 115 triệu đồng. Lúc này, có 3 hộ gia đình là anh Hoàng Quốc Liên, Hoàng Quốc Hiệp và Nguyễn Thế Ngữ đã tình nguyện thay mặt nhân dân trong thôn đứng ra cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện lấy 30 triệu đồng. Tiếp đến 3 hộ gia đình khác vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để sản xuất kinh doanh nhưng chưa đến hạn trả nợ cũng tình nguyện ứng cho thôn vay 12 triệu đồng.
Anh Hoàng Quốc Vinh và chị Bùi Thị Nam cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng và cho các hộ gia đình khác vay tiền để thanh toán. Khó khăn tạm qua, nhà văn hóa thôn 10 đã được đưa vào sử dụng, phục vụ các hoạt động liên quan đến sinh hoạt cộng đồng và thực sự trở thành niềm vui của bà con nhân dân trong thôn. Nhưng rồi khi Nghị quyết 11 HĐND tỉnh khoá IX quy định về việc hỗ trợ của Nhà nước đối với từng vùng và mức đóng góp của các hộ dân trong việc xây dựng nhà văn hóa thôn, bản được ban hành thì nhà văn hoá thôn 10 xã Việt Thành đã làm xong (không được nằm trong diện hỗ trợ theo Nghị quyết). Vậy là toàn bộ kinh phí xây dựng nhà văn hoá thôn và các khoản nợ đọng lại đè lên vai các hộ gia đình trong thôn...
Khi chúng tôi đến thăm, bác Nguyễn Thế Ngữ - Chủ tịch Hội đồng làng (một trong 3 người tình nguyện cầm cố sổ đỏ) tâm sự: “Khi biết nhà văn hoá thôn mình không nằm trong diện nhận được hỗ trợ của Nhà nước thì chúng tôi buồn lắm! Biết là mình làm nhanh quá, làm khi chưa có chính sách nên cũng không dám đòi hỏi ai. Nhiều lúc nghĩ tủi thân, ra đường chỉ ngại người ta cho mình là “vác tù và hàng tổng”. Thôi thì biết sai mà còn có chỗ níu để sửa thì tốt quá! Mong sao các cấp chính quyền có sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí hoặc can thiệp với ngân hàng họ cho giãn nợ, khoanh nợ để chúng tôi giảm bớt khó khăn chứ tình trạng này thì bí quá, hạn trả lãi lẫn gốc sắp đến mất rồi mà bà con thì chủ yếu làm kinh tế nông nghiệp, biết lấy đâu mà trả đây!”.
Lời tâm sự của bác Ngữ quả thực khiến chúng tôi cảm thấy bùi ngùi. Đành rằng các bác vội vàng quá, nhưng cái vội vàng này xuất phát từ một thiện chí to lớn và một tấm lòng vì nhân dân chứ chẳng vì vụ lợi cá nhân. Thôi thì cũng đành chia sẻ với khó khăn của thôn 10 qua bài viết này vậy!
Khi cuộc vận động đi vào cuộc sống
Nói đến việc đẩy mạnh các phong trào văn hoá, nâng cao nhận thức của người dân trong việc hưởng thụ các giá trị văn hoá thì có lẽ hiếm ở nơi nào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và “Nâng cao chất lượng các thiết chế văn hoá cơ sở” lại được tuyên truyền mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực từ phía nhân dân như ở huyện Trấn Yên. Hầu như tại tất cả 22 xã, thị trấn, đến đâu người ta cũng thấy bà con nhiệt tình tham gia xây dựng các phong trào văn hoá cơ sở.
Điển hình có những xã tổ chức các đội tuyển thể thao (bóng đá, bóng chuyền...), đội văn nghệ xung kích (đoàn viên đoàn thanh niên tham gia tuyên truyền ca khúc cách mạng), đội dưỡng sinh của người cao tuổi... thường xuyên, đều đặn hàng ngày lấy nhà văn hoá thôn làm trụ sở tập luyện, thi đấu. Rồi việc đội ngũ cán bộ văn hoá xã đến từng hộ, động viên các thành viên trong gia đình lựa chọn tham gia một hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng phù hợp. Hàng tháng, dù ở xã xa hay gần trung tâm huyện, dù nắng hay mưa, họ đều tập trung họp giao ban tại Phòng Văn hoá - Thông tin huyện để kịp thời phản ánh tình hình cơ sở mình phụ trách, phản ánh những khó khăn thực tế để cùng nhau bàn biện pháp tháo gỡ...
Chị Phạm Thị Thu Hằng - cán bộ văn hóa xã Minh Quán bày tỏ: “Phong trào là của chung, nhưng thực hiện được phong trào hay không còn do ý thức của từng cá nhân. Qua các cuộc giao ban, chúng tôi đều thấy bà con rất có ý thức xây dựng, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể cũng rất tốt, vì thế phong trào luôn được duy trì, đạt hiệu quả”. Được biết, toàn bộ 230 thôn bản trên địa bàn huyện Trấn Yên đều đã ra mắt xây dựng làng văn hoá, hiện có 142 nhà văn hoá thôn, bản đã được xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Hiệu quả của việc xây dựng hệ thống nhà văn hoá thôn bản đã và đang thực sự được phát huy trong đời sống nhân dân tại mỗi cơ sở, có vai trò quan trọng thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cũng như ý thức xây dựng gia đình văn hóa - hạt nhân của phong trào.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện cho biết: “Ra mắt xây dựng thì đều ra mắt cả để mỗi cơ sở có động lực phấn đấu. Còn quan điểm của chúng tôi là phải nâng cao chất lượng, vì thế sẽ có những bước kiểm tra, đánh giá chặt chẽ, bình xét một cách minh bạch, đúng đối tượng, đúng yêu cầu nhằm tránh tình trạng công nhận dễ dãi làm giảm sút chất lượng phong trào. Đặc biệt, để có được những cơ sở văn hoá thực sự, chúng tôi sẽ chú trọng vào việc tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, xây dựng, phát huy thế mạnh của các thiết chế văn hóa cơ sở, khai thác hiệu quả hoạt động của hệ thống nhà văn hoá”.
Các giá trị văn hoá luôn là nền tảng, là cơ sở để đánh giá sự phát triển của mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân cư, thậm chí của cả một xã hội. Nó cũng chính là động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng... Và có thể khẳng định, ở đâu các giá trị văn hoá được coi trọng thì ở đó nhân tố con người được nâng tầm. Với huyện Trấn Yên, những gì họ đã, đang và sẽ làm là không hề nhỏ.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Dịp khai giảng năm học mới vừa qua, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Tổ chức khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” đã trao học bổng Odon Vallet cho các học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học 2008 – 2009.
Với tốc độ di chuyển 15 km mỗi giờ, cơn bão số 7 đang nhanh chóng hướng về Vịnh Bắc Bộ gây gió mạnh cấp 7 từ đêm 11/9. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió giật cấp 8. Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ có mưa to.
Bắt đầu từ năm học 2009, tất cả các cơ sở giáo dục mầm non sẽ không thực hiện chương trình 36 buổi dành cho trẻ 5 tuổi và tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo.
Bệnh nhi này là bé trai 9 tuổi, tử vong trên nền viêm não và có dương tính với cúm A/H1N1.