Tự chủ về biên chế trong trường học ở Văn Chấn: Nguy cơ chất xám chảy về xuôi

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ 1/7/2009, tất cả các trường học ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái thực hiện tự chủ về tài chính và năm học mới này sẽ chính thức thực hiện tự chủ về tổ chức. Dù tự chủ về biên chế mới được thực hiện, song đã bắt đầu nảy sinh bất cập.

Năm học này, Văn Chấn có 89 trường gồm tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông cơ sở, mầm non; có 1.727/1.742 người trong biên chế. Sở dĩ số giáo viên giảm hơn so với năm học trước do một số nghỉ hưu chưa tuyển bù. Trình độ giáo viên, xét về bằng cấp đều đạt chuẩn, trừ một số ít  thuộc thế hệ trước, năng lực chưa cập so với yêu cầu đều được các trường chuyển làm việc khác. Mọi công việc chuẩn bị cho năm học mới đều suôn sẻ.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định 43/CP của Chính phủ và Hướng dẫn số 435 của Sở Nội vụ Yên Bái về công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức và biên chế còn gặp khó khăn. Phòng Nội vụ huyện Văn Chấn đã triển khai tới các trường thực hiện tự chủ về tổ chức, hợp đồng, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ giáo viên. Nhưng qua thực tế cho thấy có không ít cán bộ, giáo viên ở các trường học và ngành giáo dục băn khoăn lo lắng.

Cán bộ, giáo viên và các thầy, cô giáo không phủ nhận mặt tốt của việc các trường tự chủ về tổ chức, được lựa chọn cán bộ, giáo viên tốt, nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng bên cạnh đó, các trường tự chọn, tuyển hợp đồng giáo viên tốt sẽ tạo ra sự bất hợp lý giữa các trường ở vùng thấp với vùng cao.

Tình trạng vùng thấp thừa và vùng cao thiếu giáo viên sẽ có nguy cơ ngày càng nghiêm trọng. Tất yếu khi các trường hợp đồng giáo viên, trường vùng thấp sẽ lựa chọn những người có trình độ khá, tốt, giỏi để tuyển lựa về trường mình. Như vậy, chắc chắn các trường vùng thấp sẽ là trường có nhiều giáo viên giỏi và chất lượng giảng dạy ngày một tốt hơn và ngược lại, giáo viên giỏi vùng cao sẽ đổ về vùng thấp nên chất lượng giảng dạy ở vùng cao vốn đã kém lại càng kém hơn.

Tình trạng giáo viên xin chuyển công tác từ trường này sang trường khác, từ vùng cao xuống vùng thấp đang là nỗi lo lớn cho các trường cũng như phòng giáo dục các huyện. Nhưng, nỗi lo lớn hơn là giáo viên giỏi sẽ có điều kiện thuận lợi khi xin chuyển ra thành phố và huyện khác.

Cùng với những băn khoăn nảy sinh đáng lo lắng cho chất lượng giáo dục ở các trường vùng cao sau khi thực hiện tự chủ về tổ chức và biên chế, ông Hà Kim Nhăng - Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Văn Chấn chưa hết băn khoăn đặt câu hỏi: “Vậy khi đã thực hiện tự chủ về tổ chức và biên chế có còn thực hiện chế độ luân chuyển trong ngành giáo dục? (nữ sau 3 năm, nam sau 5 năm công tác ở vùng cao được chuyển về vùng thấp)” như trước nữa hay không? Mọi chế độ chính sách khi đi vào cuộc sống đều không tránh khỏi những khiếm khuyết, bất cập, nhưng nếu nó được bổ sung sẽ trở nên hợp lý và hoàn thiện.

Thực trạng này sẽ không chỉ xảy ra riêng với các trường ở huyện Văn Chấn mà diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh. Để thực hiện hiệu quả và công bằng công tác tự chủ về tổ chức và biên chế trong các trường học từ vùng thấp đến vùng cao không thể đánh đồng. Ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái cần kiến nghị để Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ nên có giải pháp chỉ đạo thực hiện tự chủ về tổ chức và biên chế đối với các trường vùng thấp. Còn các trường vùng cao nên giữ nguyên.

Bên cạnh việc áp dụng các chế độ khuyến khích giáo viên lên công tác vùng cao, tiếp tục thực hiện chế độ luân chuyển với giáo viên nam và nữ đã công tác ở vùng cao đủ thời gian theo qui định, có vậy mới mong chất xám không chảy về xuôi.

Đào Minh 

Các tin khác
Bão số 8 đã mạnh lên cấp 12, giật cấp 13, 14 và đang có xu hướng tiến gần các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta.

Đúng như dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 8 đã mạnh thêm 4 cấp trong quá trình di chuyển (từ cấp 8 lên cấp 12).

Đến 14/9, Việt Nam ghi nhận 4.902 trường hợp dương tính, trong đó có 6 ca tử vong. Trong khi đó, nhiều ổ cúm A/H1N1 được phát hiện tại các trường học.

Năm học 2009-2010 cần tạo bước đột phá về dạy nghề, trong đó coi trọng vấn đề chất lượng, để tạo ra đủ lực lượng công nhân kỹ thuật lành nghề, có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường lao động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và xuất khẩu lao động. Đó là nội dung của chỉ thị về tăng cường công tác dạy và học nghề trong năm học 2009-2010 của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ngày 15-9, các trường ĐH bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển NV3. NV3 có thể coi là cơ hội cuối cùng cho các thí sinh trên chặng đua vào giảng đường ĐH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục