Sẵn sàng nộp phạt để đẻ!
- Cập nhật: Thứ năm, 24/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nó thật không may mắn, sinh đứa thứ 6 là con trai, nhưng thằng nhỏ chưa đầy 3 tháng tuổi thì chết. Nó vẫn phải sinh tiếp thôi! Xin chính quyền cho nó đẻ thêm một thằng cu, dù có phải nộp tiền cũng sẵn sàng! Nó ở với tôi, không có con trai, tài sản này nó không được hưởng! Nó đang chán lắm - ông Khang Sênh Chu, bố đẻ của Khang A Ninh thôn Tà Chơ, xã Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải) nói vậy.
Kinh tế khó khăn lại sinh đẻ nhiều nên trẻ em vùng cao không được gia đình chăm sóc tốt. (Ảnh: minh họa)
|
Đường lên Tà Chơ khá xa. Anh Súa - cán bộ văn hóa xã Chế Cu Nha nhiệt tình đưa chúng tôi đến với từng hộ gia đình ở thôn Tà Chơ, mặc dù, không phải là cán bộ kiêm nhiệm về công tác dân số, cũng không phải địa bàn xã mình quản lý. Anh thương đồng bào mình lắm, nhất là đám trẻ con ngày ngày vất vả, kiếm cái ăn. Sinh ra và lớn lên trên đỉnh Chống Tống, xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải), tuổi thơ anh chìm trong nheo nhóc, đói nghèo. Luôn tự hứa với bản thân dù khó khăn, vất vả cũng gắng lấy được cái chữ về giúp đỡ bà con dân bản. “Nhà báo có muốn đi hết các thôn, bản ở Mù Cang Chải mình cũng xin sẵn sàng, miễn sao họ hiểu được đông con sẽ nghèo đói và thất học là mình vui rồi!”.
Anh Súa đưa chúng tôi đến nhà chị Giàng Thị Sông - Trưởng thôn Tà Chơ. Với 6 năm làm công tác dân số vùng cao, chị Sông thẳng thắn: “Mình dám chắc, người dân nơi đây họ đều hiểu về các quy định trong Pháp lệnh Dân số, tuy nhiên họ không thực hiện theo đâu! Cứ bảo sinh con thứ 3 phạt tiền họ sợ, nhưng không phải vậy! Họ sẵn sàng sinh con và nộp phạt. Cái khó nhất trong quá trình tuyên truyền, vận động là họ hiểu nhưng không thực hiện. Chúng tôi cũng không biết phải làm sao. Trường hợp của gia đình Khang A Ninh vừa rồi sinh được con trai nhưng không chăm sóc tốt nên chưa đầy 3 tháng tuổi thì chết. Chúng tôi đến gia đình chia buồn, động viên nhưng xem chừng họ vẫn ý định đẻ thêm!”.
Tìm đến với gia đình Khang A Ninh đã hơn 11 giờ trưa, vợ chồng Ninh đi làm nương chưa về, trong nhà chỉ có bố mẹ và 5 đứa con gái quây quần bên bếp củi. Đứa trẻ mới mất nên không khí gia đình trở lên yên ắng và ảm đạm. Nỗi niềm đó được hằn lên từ ánh mắt mờ đục của bố mẹ Ninh.
- Sao cháu bé mất? Tôi hỏi.
- Nó ốm, chúng tôi đã mời thầy cúng về nhưng không khỏi. Ba hôm sau đưa xuống trạm xá thì nó mất – mẹ Ninh rơm rớm nước mắt phân trần.
- Đẻ nhiều quá! Không thuốc men, cộng với thể trạng của cháu yếu dẫn đến vậy! Thôi dừng lại ở 5 cháu thôi! Con nào mà chẳng là con - anh Súa động viên.
- Không được đâu! Nó phải đẻ được con trai thì thôi!
- Không sợ vi phạm chính sách của Đảng và Nhà nước à? anh Súa hỏi.
- Sợ lắm! Nhưng không có con trai thì biết làm thế nào?
Ông Khang Sênh Chu nài nỉ: “Xin chính quyền cho nó đẻ thêm một thằng con trai, dù có phải nộp tiền cũng sẵn sàng. Nó ở với tôi, không có con trai, tài sản này nó không được hưởng. Nó đang chán lắm!”.
Đến thời điểm hiện tại, cả huyện Mù Cảng Chải có 583 trẻ sinh ra, tăng 87 cháu so với cùng kỳ năm trước, trong đó, có 135 trường hợp sinh con thứ 3, chiếm 23%. Riêng tháng 8 năm 2009, đã có 26 trường hợp sinh con thứ 3. Với việc gia tăng dân số tự nhiên, đặc biệt là tình trạng sinh con thứ 3 vẫn tiếp diễn đang là một thực trạng báo động của sự tiếp diễn cảnh nheo nhóc, đói nghèo nơi đây.
Sợ nhưng vẫn làm và cũng sẵn sàng nộp phạt để có thêm con trai nối dõi tông đường. Cái lý của những hộ gia đình sinh con một bề là vậy! Còn đối với các hộ đã có đủ trai và gái thì cho đủ “cặp lạt”. Nghiễm nhiên việc sinh con thứ 3 vẫn gia tăng và thực trạng đói ăn từ 4 đến 6 tháng trong năm là chuyện thường ở nơi vùng cao này. Thôn Tà Chơ có 53 hộ dân với 310 khẩu, 100% là đồng bào Mông sinh sống, hầu như gia đình nào cũng sinh con thứ 3. Chị Sông tính nhẩm: “Từ đầu năm 2009 đến nay, cũng phải có 4 đến 5 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, đó là chưa kể những cặp vợ chồng đang mang thai.”. Đúng như lời chị Sông, nơi đây, bình quân gia đình nào cũng có từ 4 đến 5 con, nhiều hộ còn lên tới 7, thậm chí là 10. Họ chỉ nghĩ đơn thuần càng đông con thì càng có nhiều lao động và khi được hỗ trợ gạo nghèo thì khẩu đông lại được thêm...
Ngược dốc dựng đứng, chúng tôi hướng về thôn Háng Chua Mua và Chống Tông thuộc xã Chế Cu Nha, qua chặng đường dài leo dốc, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được nhà anh Hờ A Lư - cán bộ chuyên trách dân số xã Chế Cu Nha. Thật không may, đang mùa thu hoạch thảo quả nên mãi tối mịt anh mới về. Sự im lặng cộng với tiếng thở dài thườn thượt của anh Súa, bởi những con số mà anh Lư cung cấp. Xã Chế Cu Nha có 6 thôn gồm: Chế Cu Nha, Chống Tông, Háng Chua Mua, Háng Tàu Dê, Thào Chua Chải, Dề Thàng với 338 hộ và hơn 2.700 khẩu, tỷ lệ đói nghèo là trên 70%.
Trong khi đó, năm 2008 có 18 trường hợp sinh con thứ 3 và từ đầu năm 2009 đến nay đã có 7 trường hợp, đó là chưa kể 18 trường hợp đang mang thai đứa thứ 3. Anh Lư chia xẻ: “Công tác dân số ở đây còn gặp nhiều khó khăn lắm. Địa bàn rộng, dân ở không tập trung, nhận thức hạn chế, có khi vận động họ đặt vòng được 2 đến 3 năm rồi lại tự tháo ra. Muốn đến các hộ gia đình có nguy cơ sinh đẻ cao cũng phải mất cả ngày đi bộ. Trong khi đó, cán bộ chuyên trách được có 350.000 đồng/tháng, cộng tác viên gần 100.000 đồng/ tháng. Quả thật người làm công tác dân số ở vùng cao gặp phải rất nhiều khó khăn! Tôi nói thật, không chỉ riêng Chế Cu Nha mà nhà báo đến bất cứ thôn, bản vùng cao nào cũng vậy thôi!”.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Trong căn nhà trống tềnh trống toàng không một thứ gì đáng giá, chị Lê Thị L xã Tân Thịnh (TP Yên Bái) đang ngồi ru đứa con út ngủ. Mới ngoài 30 mà nom chị như đã “ngũ tuần”. Chị L tâm sự: “Tôi lấy chồng từ năm 21 tuổi. Hơn 11 năm chung sống nhưng có tới 10 năm tôi và các con bị chồng hành hạ, đánh đập.
YBĐT - Vào thời điểm này, Trường trung cấp Y tế Yên Bái đang thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng là tham mưu, lập kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế có trình độ trung, sơ cấp; đồng thời chuẩn bị đủ điều kiện để nâng cấp thành Trường cao đẳng Y tế.
YBĐT - Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được ông Phạm Đình Nhượng - Giám đốc Công ty TNHH Sơn dẻo nhiệt SYNTHETIC, hội viên Hội Người người cao tuổi phố Yên Ninh, phường Nguyễn Thái Học. Trong căn nhà khang trang, vừa là nơi ở vừa là trụ sở chính của Công ty, ông Nhượng vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và công việc làm ăn của mình.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), một hiệp ước toàn cầu chú trọng vào những vấn đề chống đánh bắt cá trái phép, lần đầu tiên sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Lương thực thế giới của tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) vào giữa tháng 11 tới.