Hội Nông dân Yên Bái - Nòng cốt của phong trào nông dân trong thời kỳ mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cùng với giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, các cấp hội và hội viên nông dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nguyện đoàn kết, vững bước tiến lên, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Cán bộ ngành nông nghiệp huyện Lục Yên trao đổi kinh nghiệm phát triển cây đỗ tương với nhân dân các xã vùng cao.
Cán bộ ngành nông nghiệp huyện Lục Yên trao đổi kinh nghiệm phát triển cây đỗ tương với nhân dân các xã vùng cao.

Trải qua 79 năm, Hội Nông dân Việt Nam đã tập hợp rộng rãi giai cấp nông dân xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và chung sức xây dựng đất nước. Cùng với tổ chức hội nông dân trong cả nước, hội nông dân các cấp tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam; tích cực vận động nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đời sống của nông dân ngày càng được cải thiện đáng kể. Sự phát triển của hội nông dân các cấp thể hiện cả ở bề rộng lẫn chiều sâu, cả về tổ chức bộ máy, cán bộ, phương thức hoạt động với phương châm và khẩu hiệu: “Ở đâu có nông dân, ở đó có tổ chức hội”.

Từ khi Đảng bộ tỉnh Yên Bái thành lập (30/6/1945), các tổ chức đoàn thể quần chúng, trong đó có Hội Nông dân Cứu quốc được thành lập tại nhiều xã ở phủ Trấn Yên, Yên Bình, châu Văn Chấn, châu Lục Yên... Cho đến nay, 9/9 huyện, thị, thành phố và 180/180 xã, phường, thị trấn của tỉnh Yên Bái có tổ chức hội nông dân với tổng số 89.646 hội viên, chiếm trên 71% số hộ nông dân và đang sinh hoạt ở 1.831 chi hội.

Kế thừa, phát huy truyền thống cũng như những thành quả, kinh nghiệm trong hoạt động công tác, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức chỉ đạo thực hiện sâu rộng nhiều cuộc vận động, 3 phong trào thi đua lớn do Trung ương Hội phát động. Hội nông dân các cấp đã, đang tiếp tục đổi mới phương thức và nội dung hoạt động, hướng toàn bộ hoạt động vào việc tập trung kiện toàn, củng cố, phát triển tổ chức hội; mở rộng liên kết, phối hợp, xây dựng các chương trình, dự án, mô hình với các ngành, doanh nghiệp, tạo ra nguồn lực để giải quyết các vấn đề về vốn, vật tư công nghệ; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân phát triển sản xuất, thực hiện liên kết “4 nhà”; phát triển ngành nghề nông thôn, trang trại, tổ hợp tác, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, tập trung xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên; từng bước nâng cao vị thế của hội và thực hiện vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào ở nông thôn và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với từng vùng sinh thái, vùng nông sản hàng hóa qui mô lớn; diện tích, sản lượng cây trồng, vật nuôi chất lượng cao ngày càng được các hộ nông dân quan tâm và đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường cũng như nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Giá trị sản xuất 1 héc-ta canh tác đạt 50 - 70 triệu đồng, đặc biệt có hộ đạt 150 - 200 triệu đồng/năm; tốc độ tăng trưởng về nông - lâm nghiệp đạt bình quân 5,5% - 6%/năm. Nhiều địa phương đã phát triển mạnh các trang trại trồng rừng, chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm v.v... Hoạt động lâm nghiệp có nhiều đổi mới về cơ chế tổ chức, quản lí nhằm mục đích giữ rừng và phát triển vốn rừng, chuyển từ hoạt động lâm nghiệp truyền thống sang hoạt động lâm nghiệp xã hội. Hiện nay, độ che phủ rừng đạt 60%, tăng so với năm 2005 là 12,34%.

Kinh tế hợp tác trong nông nghiệp được củng cố và phát triển theo hướng phát huy kinh tế hộ, kinh tế trang trại và đổi mới kinh tế hợp tác, đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 294 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, có 439 trang trại sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp kinh doanh tổng hợp. Nhiều HTX bước đầu phát triển, kinh doanh có hiệu quả, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã và đang thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia hưởng ứng và xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến. Có thể khẳng định, hiện nay, ở đâu cũng có mô hình làm kinh tế giỏi, những gương làm giàu bằng nhiều cách khác nhau. Họ là những nhân tố tích cực, lực lượng nòng cốt trên mặt trận sản xuất nông - lâm nghiệp và phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Chăn nuôi lợn có quy mô lớn đang được phát triển ở vùng nông thôn tỉnh Yên Bái.

Trong tình hình kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái cũng bị ảnh hưởng song lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã và đang khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế của địa phương thông qua các chính sách đầu tư kích cầu cho nông dân, giữ vững và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhằm thúc đẩy phong trào phát triển cả chiều rộng và bề sâu, các cấp hội có nhiều biện pháp thiết thực để tư vấn, hỗ trợ, hoạt động dịch vụ giúp đỡ hội viên như:

Về kiến thức khoa học kỹ thuật: Năm 2009, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII, khóa X của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Hội chủ động ký kết chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, đào tạo nghề ngắn hạn, xây dựng mô hình khảo nghiệm. Kết quả, các cấp hội đã tổ chức 879 lớp cho 34.706 lượt hội viên nông dân tham gia.

Với sự giúp đỡ của Trung ương Hội, các doanh nghiệp, Hội đã xây dựng một số mô hình trình diễn và khảo nghiệm như: chăn nuôi bò cái sinh sản ở Trạm Tấu, trồng mía giống mới ở xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái), chăn nuôi lợn đen địa phương tại xã Khao Mang (Mù Cang Chải), các mô hình khảo nghiệm phân bón của Công ty Supe phốt phát & Hóa chất Lâm Thao, Apatít Lào Cai, phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty Chế biến thức ăn gia súc Con Heo Vàng v.v...

Về vốn: Nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội, vốn 120 giúp hội viên nông dân có vốn sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, số dư nợ từ các nguồn do Hội Nông dân quản lý là trên 500 tỷ đồng với 41.821 hộ hội viên. Hàng năm, các cấp hội liên kết với các công ty phân bón để tín chấp cho nông dân từ 4.000 – 6.000 tấn phân bón trả chậm, trị giá hàng chục tỷ đồng giúp nông dân sản xuất kịp thời vụ.

Trong phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào bảo đảm quốc phòng - an ninh, hội nông dân các cấp phối hợp với chính quyền, các ngành, các cấp, với lực lượng công an, quân đội, tích cực tham gia xây dựng gia đình, thôn, bản văn hóa, vận động nông dân xây dựng nếp sống mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trật tự ở nông thôn... thu hút đông đảo nông dân tham gia.

Mặt khác, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề: “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự  Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ cơ sở; tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quyền dân chủ thực sự về chính trị, kinh tế, xã hội của nông dân.

Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước mà công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn là một trọng điểm, trong đó nông dân là chủ thể, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái tiếp tục đổi mới để vươn lên, xứng đáng với vai trò trung tâm, nòng cốt của phong trào nông dân trong thời kỳ mới. Hội tiếp tục xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ cả về chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp vận động quần chúng: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và có đủ năng lực tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành, Mặt trận, các đoàn thể thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ mà Đại hội V Hội Nông dân Việt Nam, Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII đã đề ra.

Cùng với giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, các cấp hội và hội viên nông dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nguyện đoàn kết, vững bước tiến lên, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Phạm Thị Tuyết Nga - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái

 Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới

Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị Ban chấp hành kỳ họp thứ 3 (mở rộng) đánh giá công tác Hội 9 tháng, triển khai nhiệm vụ quý IV và củng cố công tác tổ chức.

9 tháng qua, trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã có 49.463 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất giỏi theo tiêu chí mới của Trung ương Hội Nông dân, 2.500 hộ được giúp đỡ xoá nghèo.

Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân phối hợp mở 897 lớp tập huấn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT cho 43.297 lượt hội viên.Tỉnh hội đã xây dựng kế hoạch vận động, tổ chức cho hội viên tham gia chương trình chăn nuôi của tỉnh năm 2009 và đã vận động 1.000 hội viên đăng ký thực hiện mô hình chăn nuôi gà thả vườn, đồi quy mô 200 con/lứa; tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hội viên vay vốn sản xuất…

Cùng với đó, phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới cũng được các cấp hội đẩy mạnh, nông dân đóng góp 141.330 ngày công tham gia xây dựng 158 công trình hạ tầng nông thôn. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư” được phát động và tổ chức với 60.162 hộ hội viên đăng ký. Các cấp hội còn vận động hội viên thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh…

Bên cạnh đó, các cấp hội đã phối hợp với công an, quân đội, đoàn thể tuyên truyền vận động thanh niên thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự, đạt 100% chỉ tiêu nhập ngũ; thực hiện tốt Nghị quyết 32/CP về an toàn giao thông, tham gia giữ gìn an ninh trật tự thôn bản…; phối hợp tổ chức được 1.878 buổi tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng cho 10.997 lượt cán bộ. Nhờ đó, đến nay Hội đã kết nạp 2.679 hội viên mới, đạt 40,7% kế hoạch, kiện toàn 28 cơ sở, 161 chi hội.

Tại Hội nghị, Hội Nông dân tỉnh đã bầu bổ sung đồng chí Vương Thị Thoan làm Phó chủ tịch Hội khoá VII, nhiệm kỳ 2008 - 2013; 18 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “Vì giai cấp công nhân Việt Nam” và 1 tập thể được tặng cờ thi đua của T.Ư Hội.

 Hoài Thu

Các tin khác
Cô bé này đang nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau bão lũ để tiếp tục đến trường.

Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội vừa quyết định trích 500 triệu đồng từ Quỹ bảo trợ trẻ em để mua quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho trẻ thuộc các gia đình bị thiệt hại do bão Ketsana (bão số 9).

Đường đi và vị trí cơn bão.

19g ngày 12-10, vị trí tâm bão số 10 cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Hà Tĩnh khoảng 380km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (62-88km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Ngày 12-10, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã ghi nhận thêm 10 ca nhiễm cúm A/H1N1, nâng tổng số ca nhiễm lên 10.031 trường hợp, 23 ca tử vong.

Kiểm tra việc cấp sổ cho người lao động ở BHXH Yên Bái.

YBĐT - Ngày 12/10/2009, tại tỉnh Yên Bái, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra năm 2009 cho các cơ quan Bảo hiểm xã hội khu vực phía Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục