Phụ nữ Trạm Tấu: Chữ “rụng” trên nương

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhiều phụ nữ ở Trạm Tấu(Yên Bái) tái mù chữ và chưa biết chữ, chúng tôi đã đến hai xã Xà Hồ và Bản Mù.

Chị Hảng Thị Ninh (phải) - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Mù vận động chị em chưa biết chữ đi học xóa mù.
Chị Hảng Thị Ninh (phải) - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Mù vận động chị em chưa biết chữ đi học xóa mù.

Từ năm 2000 đến nay, Hội Phụ nữ huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và ngành giáo dục - đào tạo huyện đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền 11 xã và các tổ chức trong, ngoài nước mở được hàng trăm lớp xoá mù chữ, trên 3.265 chị em độ tuổi từ 15 - 40 tham gia. Đây là kết quá đáng ghi nhận song do điều kiện kinh tế ở vùng cao rất khó khăn cộng với tâm lý “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại trong đồng bào Mông, vẫn quan niệm “phụ nữ là lao động chính trong gia đình” nên nhiều chị em đã học các lớp xoá mù chữ, nhưng khi về nhà ít có điều kiện ôn luyện sử dụng, hàng ngày lại phải “cõng” “cái chữ” lên nương nên rất nhiều chị đã và đang tái mù.

Chị Hoàng Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện trao đổi: “Để giúp chị em nhanh thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, nhiều năm qua, Hội đã phối hợp với ngành giáo dục- đào tạo huyện và cấp uỷ, chính quyền các xã mở nhiều lớp xoá mù cho chị em trong độ tuổi từ 15- 40. Có học “cái chữ” thì trình độ của chị em mới được nâng lên. “Cái chữ” là phương tiện tốt nhất để chuyển giao khoa học- kỹ thuật giúp chị em áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi và nâng cao dân trí, dần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu tồn tại nhiều đời nay”.

Từ năm 2000- 2005, Hội đã phối hợp với ngành giáo dục- đào tạo huyện và các tổ chức trong, ngoài nước mở được 123 lớp xoá mù cho 2.439 chị độ tuổi từ 15- 40 mù chữ và tái mù chữ. Từ năm 2006- 2009, 80 lớp xoá mù được mở ở các xã Làng Nhì, Xà Hồ, Hát Lừu, Bản Công, Trạm Tấu, Pá Hu... cho 1.427 học viên, trong đó có 826 nữ. Như vậy từ năm 2000- 2009, toàn huyện Trạm Tấu đã có 3.265 chị em tham gia các lớp xoá mù chữ, trong đó nhiều chị tái mù đi học lại. Tuy nhiên, chất lượng các lớp xoá mù còn nhiều vấn đề phải bàn!

Chị Thuỷ cũng cho biết : “Theo khảo sát chưa đầy đủ mới đây của Hội Phụ nữ huyện, hiện toàn huyện có 754 phụ nữ tái mù, trong đó, nhiều chị em đã học xoá mù lại từ 2- 3 lần mà vẫn không đọc, không viết được, chưa kể còn 652 chị em là hội viên độ tuổi từ 18- 40 không biết chữ (chủ yếu ở các xã Làng Nhì, Bản Mù, Túc Đán, Xà Hồ). Mặc dù Hội Phụ nữ huyện và xã đã nhiều lần đến gia đình vận động nhưng do điều kiện kinh tế quá khó khăn nên thời gian các chị phải dành đi nương, một số chị thì không thuyết phục được chồng cho đi cũng đành chịu”.

Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhiều phụ nữ ở Trạm Tấu tái mù chữ và chưa biết chữ, chúng tôi đã đến hai xã Xà Hồ và Bản Mù. Từ thị trấn huyện Trạm Tấu vượt qua quãng đường gập ghềnh khoảng gần 10 km là đến trung tâm xã Xà Hồ. Nhờ thông tin trước cho chị Chớ Thị Mỷ- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chúng tôi mới tiếp cận được với một số chị em trong xã. Ngồi trong căn nhà khá khang trang nhưng hơi thiếu ánh sáng (vì phong tục của người Mông thường làm nhà và cửa rất thấp), chị Mỷ- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã giới thiệu: “Đây là nhà của chị Thào Thị Mỷ (Mỷ B), chồng làm Trưởng thôn Đầu Cầu đang đi học đại học tại chức ở Yên Bái, còn kia là chị Thào Thị Mỷ (Mỷ A). Hai chị này học lớp xoá mù chữ cuối năm 2007 tại Trường PTCS Xã Hồ, khi học xong đều đã biết viết, biết đọc, nhưng hiện nay chị Mỷ A không viết, không đọc được một chữ nào nữa, chị Mỷ B thì còn biết một tý”.

Chị Mỷ- Chủ tịch Hội  vừa ngừng lời, tôi lấy tờ giấy trắng và cây bút bảo chị Mỷ A viết thử tên mình, chị cũng chẳng hiểu tôi nói gì cả, phải đợi khi chị Mỷ- Chủ tịch Hội phiên dịch mới hiểu, nhưng cầm mãi cây bút và tờ giấy trong tay đến 20 phút chị Mỷ A cũng không thể viết ra được một nét chữ. Tôi lại quay sang hỏi chị Mỷ B:

- Chị sinh năm nào?

- Không biết. Chỉ nhớ năm nay 28 tuổi thôi, mình lấy chồng năm 1999, năm nay con trai lớn được 9 tuổi rồi.

- Mỗi năm gia đình chị thu hoạch được bao nhiêu thóc, bao nhiêu ngô?

- Không tính được. Chỉ biết được hơn 50 bao thóc và hơn 40 bao ngô thôi (khoảng 2,5 tấn thóc và 2 tấn ngô).

Ở Xà Hồ còn rất nhiều chị em mù chữ và tái mù. Chị Mỷ- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, Hội có 359 hội viên, trong đó 200 hội viên không biết chữ và trên 100 chị đã tái mù không đọc, không viết được nữa. Nguyên nhân là do chị em phải lao động vất vả nên không có thời gian ôn luyện, sử dụng: “7 giờ sáng đã lên nương, 6 giờ chiều mới về, nấu cơm ăn xong là 9 giờ đêm, khâu váy đến 11 giờ đi ngủ, không có thời gian đọc, viết nên chỉ sau 1- 2 năm là quên hết”.

Chị Thào Thị Mỷ (Mỷ A) (bên phải) học lớp xóa mù chữ năm 2007, đến nay không đọc và viết được tên mình.

Rời Xà Hồ, theo con đường đất lẫn đá cuội trơn như đổ mỡ do ảnh hưởng của trận mưa sau bão số 8, chúng tôi vượt lên xã Bản Mù tìm gặp chị  Hảng Thị Ninh- Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Thật  may, chị Ninh và chị Sùng Thị Bầu- Phó chủ tịch Hội đều đang làm việc tại trụ sở xã. Vừa rót nước mời khách, chị Ninh vừa nói: “Hôm qua mình nhận được thông tin là hôm nay có nhà báo lên làm việc nên hai chị em ra trụ sở chờ từ sáng sớm”.

- Ở Bản Mù có chị em nào tái mù chữ không?   

- Nhiều chứ. Hội Phụ nữ có 557 hội viên thì có 70% chị em không biết chữ.

- Thế đã có ai được học xoá mù chưa?

- Có đấy, nhưng mình không nhớ rõ, chỉ biết năm 2003 có 13 chị em đi học xoá mù chữ đến nay 10 chị đã tái mù rồi, năm 2004 có 20 chị đi học nay cũng chỉ còn 3 chị biết biết một tý. Chị em tái mù chữ vì nhà nó “mèo” (nghèo) quá phải đi làm suốt ngày không có thời gian đi học, người được đi học về không sử dụng thường xuyên cũng quên hết rồi…

Câu chuyện nhiều phụ nữ không biết chữ, không biết nói tiếng phổ thông và tái mù chữ ở Trạm Tấu là điều dễ hiểu, bởi thực tế đời sống đồng bào vùng cao còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, quanh năm lao động lo cái ăn chưa đủ nghĩ sao đến học chữ! Mà “học ít, đói nhiều”, đói lại “mất chữ” trở thành vòng luẩn quẩn chưa biết bao giờ mới thoát ra? Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của huyện thì hiện nay Trạm Tấu có 26.426 nhâu khẩu, trong đó có 11.307 người biết đọc, biết viết và 10.551 người (từ 7 tuổi trở lên) không biết đọc, biết viết, trong đó có rất nhiều phụ nữ. Hy vọng trong giai đoạn 2010- 2020, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Trạm Tấu sẽ có chiến lược dài hơi để diệt “giặc dốt”. Có như vậy, công cuộc xoá đói giảm nghèo ở Trạm Tấu mới bền vững.

 Minh Hằng

Các tin khác

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn để cho Tổng Công ty Lương thực Miền Nam vay thu mua tạm trữ 500.000 tấn lương thực trong vụ hè thu năm 2009. Việc cho vay được thực hiện theo quy định hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Đến 7 giờ sáng 14/10, bão số 10 chỉ còn cách vài chục km nữa là vào Quảng Ninh - Thanh Hóa.

7 giờ sáng ngày 14/10, bão số 10 cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Thanh Hoá khoảng 60 km về phía Đông, dự báo 12 giờ tới bão sẽ di chuyển 5km/giờ.

Bà con nông dân xã Liễu Đô chăm sóc lạc.
(Ảnh: Văn Tuấn)

YBĐT - Hội Nông dân (HND) xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái) có 11 chi hội với 597 hội viên. Mặc dù còn khó khăn, song phong trào Hội vẫn không ngừng phát triển, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

YBĐT - Để đáp ứng nhu cầu văn hoá, thể thao, 100% các làng văn hoá đều có đội văn nghệ, đội thể thao thường xuyên hoạt động. Các đội văn nghệ của làng văn hoá đều vận động được các nghệ nhân, các tầng lớp nhân dân,tham gia truyền lại hoạt động văn hoá dân gian cho thế hệ trẻ. Hiện nay, Lục Yên (Yên Bái) có 41 làng, bản có nhà văn hoá, nhiều nhà văn hoá 100% vốn do nhân dân đóng góp xây dựng như: thôn Đồng Tâm xã Liễu Đô, thôn Làng Già xã Yên Thắng, thôn Túc 2 xã Phúc Lợi...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục