Giảm nghèo ở Suối Bu: Cần phát huy nội lực
- Cập nhật: Thứ tư, 14/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tới Suối Bu, huyện Văn Chấn (Yên Bái), không khó để có thể nhận ra sự “lam lũ” của một xã vùng cao. Con đường vào xã được nâng cấp từ lâu nhưng chỉ là tuyến độc đạo, muốn tiến sâu hơn nữa chỉ gặp đồi và núi... Vẫn biết là phải từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua những trở ngại, nhưng việc thoát nghèo ở Suối Bu còn xa tít, khó hơn vượt đỉnh Bu Cao. Làm thế nào để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân quả là không mấy dễ dàng đối với Đảng bộ, chính quyền địa phương!
Đường vào Suối Bu đã thuận nhưng việc giảm nghèo còn nan giải.
|
Thực tế và qua các con số thống kê các năm cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở Suối Bu hàng năm có giảm đáng kể nhưng tỷ lệ tái nghèo phát sinh không nhỏ. Đầu năm 2008, xã có 184 hộ nghèo, chiếm 55%, qua khảo sát đến nay số hộ nghèo đã tăng lên 227 hộ, bằng 1.143 khẩu, chiếm 67,8%. Điều này chứng tỏ công tác giảm nghèo ở Suối Bu chưa thực sự bền vững, nghèo nàn - lạc hậu vẫn luôn song hành. Xã chưa tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế địa phương.
Dịp tết, dịp giáp hạt hàng năm, Suối Bu vẫn thuộc diện phải cấp gạo cứu đói. Chương trình 134, 135 của Chính phủ đã đầu tư rất nhiều cho xã, nào là xây dựng công trình giao thông, thuỷ lợi, đường điện, nào là hỗ trợ giống, cây, con, phân bón... Như đợt đầu năm, các thôn được hỗ trợ trên 9 tấn gạo cứu đói giáp hạt, rồi hỗ trợ tiền tết cho 140 hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ 890 kg giống đậu tương, 286 kg ngô VN10, 500 kg thóc giống, 500 kg phân NPK.
Hiện quá nửa số hộ thôn Làng Hua được dùng điện lưới quốc gia, đường trong thôn cũng đã được khảo sát thiết kế để cứng hoá, trị giá cả tỉ đồng. Đầu tư, hỗ trợ cho vùng cao Suối Bu là vậy, nhưng thực tế nhiều hộ chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đất làm 2 vụ lúa rất ít, toàn xã có 26 ha, bình quân mỗi hộ chỉ khoảng vài chục mét vuông ruộng. Lãnh đạo xã, thôn phân trần: Để tập trung phát triển chăn nuôi gia súc thì hạn chế nhất là không có bãi chăn thả nên hiện nay mỗi hộ cũng chỉ duy trì nhiều lắm được vài ba con gia súc như trâu, bò, lợn. Trong khi khó khăn luôn kề cận thì không ít hộ còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa tích cực lao động sản xuất; có hộ đông con nhưng đều lít nhít, thiếu lao động trầm trọng nên sự nghèo vẫn đeo bám người dân Suối Bu.
Xã Suối Bu tuy có ít thôn và số hộ trong 4 thôn, 350 hộ, 1.626 khẩu nhưng các thôn cách trở, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm tới 70%, phong tục tập quán vẫn nhiều lạc hậu. Chuyện 43 hộ tái nghèo ở vùng cao Suối Bu cũng không phải là lớn, nhưng điều đó cũng đáng để Đảng bộ, chính quyền xã phải trăn trở. Thế nhưng, Bí thư Đảng uỷ xã Vàng Sái Tùng vẫn ngậm ngùi: “Xã chưa có giải pháp tối ưu nhằm tháo gỡ vấn đề hộ nghèo và tái nghèo.
Ngoài thôn Bu Thấp có nhiều thuận lợi, các hộ ở đây chủ yếu là cán bộ có lương hưu, đời sống nhiều hộ tương đối ổn định, các thôn còn lại như: Bu Cao, Ba Cầu, Làng Hua vẫn gặp nhiều khó khăn lắm!”. Đánh giá như vậy, nhưng cũng không thể phủ nhận những cố gắng mà Đảng bộ, chính quyền xã đã thực hiện. Nhiều năm qua, đồng bào trong xã luôn phát huy được truyền thống đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Nhân dân đồng tình, tin tưởng của vào sự đổi mới của Đảng, đặc biệt là chủ trương về phát triển kinh tế- xã hội miền núi, những chính sách của Đảng, nghị quyết của Đảng bộ trong thực hiện triển khai các nhiệm vụ ở địa phương.
Năm 2006, Đảng bộ thực hiện củng cố, tách lập thành 6 chi bộ với 82 đảng viên. Các chi bộ nông thôn đã tích cực hoạt động và đi vào nề nếp, tích cực vận động nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Năm 2005, tuyến đường đi thôn Bu Cao bị sạt lở do mưa bão, được huyện hỗ trợ và sự vận động tích cực của cán bộ, đảng viên trong thôn và xã, 61 hộ đồng bào Mông đã hạ sơn về khu tái định cư. Đồng bào ở đây đều cho rằng, nhờ hạ sơn nên cuộc sống có ổn định hơn, việc đi lại cũng đã thuận tiện nhiều.
Thực tế mấy năm qua, đồng bào đã tận dụng hết diện tích đất có khả năng khai thác ruộng nước, rồi sản xuất lúa vụ 2 thêm được khoảng 120 tấn thóc cũng chỉ giải quyết phần nào đói giáp hạt. Xã chỉ đạo các thôn vận động đồng bào thâm canh tăng vụ, tập trung vào một số cây xoá đói giảm nghèo của địa phương như: ngô, sắn và tăng gia rau màu các loại. Năm 2009, các hộ trồng được 183 ha ngô xuân và hè thu, 50 ha sắn, 15 ha đậu tương, 4 ha gừng. Xác định chè vẫn là cây công nghiệp chính của địa phương, nên diện tích chè hiện vẫn ổn định trên 140 ha, trong đó có 110 ha chè Shan, sản lượng búp tươi vụ xuân đạt 45 tấn. Nhiều hộ đã chú trọng trồng rừng kinh tế và năm nay toàn xã đã trồng mới được 63 ha keo, bồ đề... Những nỗ lực đó rõ ràng chưa thấm vào đâu so với công cuộc xoá đói giảm nghèo ở Suối Bu.
Chúng tôi cùng thống nhất quan điểm với lãnh đạo xã: đối với một xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Suối Bu, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền cần có bước đột phá, những quyết sách phù hợp với địa phương. Mỗi cán bộ, đảng viên phải có sự đổi mới từ nhận thức đến hành động, đi đầu trong phát triển kinh tế, xã hội để nâng dần mức sống trong từng hộ gia đình, từng thôn bản. Điều cần nhất đối với Suối Bu vẫn là phải phát huy tốt nội lực trong xoá đói giảm nghèo.
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Năm học 2009 - 2010, Trường Tiểu học - Trung học cơ sở (TH - THCS) Sùng Đô có 21 lớp, trong đó, bậc tiểu học có 15 lớp với 271 học sinh, THCS 6 lớp 155 học sinh. Toàn trường có 32 cán bộ, giáo viên, trong đó có 8 giáo viên có trình độ đại học.
YBĐT - Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhiều phụ nữ ở Trạm Tấu(Yên Bái) tái mù chữ và chưa biết chữ, chúng tôi đã đến hai xã Xà Hồ và Bản Mù.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn để cho Tổng Công ty Lương thực Miền Nam vay thu mua tạm trữ 500.000 tấn lương thực trong vụ hè thu năm 2009. Việc cho vay được thực hiện theo quy định hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
7 giờ sáng ngày 14/10, bão số 10 cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Thanh Hoá khoảng 60 km về phía Đông, dự báo 12 giờ tới bão sẽ di chuyển 5km/giờ.