Nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường: Học luật từ khi học đánh vần

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/12/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trước tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm pháp luật nghiêm trọng ngày càng gia tăng, việc để các em sớm tiếp cận với các quy định của pháp luật là một việc làm cần thiết, giúp các em có được những hiểu biết nhất định các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân, nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật ngay từ khi còn nhỏ.

Học luật từ thuở còn thơ!
Ảnh: Học sinh tiểu học làm quen với các kiến thức về Luật Giao thông đường bộ trên mô hình trực quan.
Học luật từ thuở còn thơ! Ảnh: Học sinh tiểu học làm quen với các kiến thức về Luật Giao thông đường bộ trên mô hình trực quan.

Đề án “Nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường giai đoạn 2009 – 2012” vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành là một trong những giải pháp cấp bách để hạn chế bớt tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội.

Thực trạng đáng buồn

Cứ đến giờ chuẩn bị vào học hay giờ tan trường, trên đoạn đường Yên Ninh – thành phố Yên Bái, lại thấy các em học sinh đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn thong dong trên đường vừa cười đùa, vừa xô đẩy nhau, không quan tâm đến những người tham gia giao thông khác. Có những học sinh đeo phù hiệu Trường THPT Nguyễn Huệ, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Trường THCS Võ Thị Sáu... Thậm chí khi đến ngã tư, đèn tín hiệu giao thông đã báo đỏ, nhưng một số em vẫn nhàn nhã sóng đôi, sóng ba đạp xe vượt đèn đỏ như không hề có chuyện gì xảy ra.

Có một điều chắc chắn là các em đã không chỉ vi phạm pháp luật mà còn không có cả ý thức công dân, bởi trong khi mọi người đều dừng lại thì các em lại cố tình đi qua, khiến cho những người tham gia giao thông khác cảm thấy rất bực mình. Tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật hình sự càng ngày càng nhiều đang là nỗi lo chung của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Liên tục những thông tin về các vụ giết người, cướp của, trộm cắp, lừa đảo mà thủ phạm là những học sinh “miệng còn hơi sữa”.

Mới đây nhất là vụ Phạm Đức Huy (SN 1992, trú tập thể Hồ Quỳnh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Bùi Hồng Ngọc (SN 1994, ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) cùng phạm tội giết người, cướp tài sản của công dân. Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà thủ phạm là những sát thủ tuổi vị thành niên đã ra tay sát hại nạn nhân là anh Phạm Đức T. (SN 1969, quê Thái Bình), kế toán trưởng một công ty tại Hà Nội. Vụ án lại là hồi chuông gióng lên sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.

Việc dạy và học kiến thức pháp luật trong nhà trường

Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, thị trấn Yên Thế, Lục Yên cho biết: “Việc dạy môn Đạo đức ở cấp tiểu học được bắt đầu đối với học sinh lớp 1. Mỗi tuần các em học 1 tiết với 35 phút. Bài học đạo đức cho học sinh tiểu học mới dừng lại ở việc giúp các em có được nhận thức về tình yêu quê hương, đất nước nói chung, chứ chưa có những bài giảng về một lĩnh vực pháp luật cụ thể. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai tiếp giai đoạn 2 của chương trình phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật thuế trong trường học và tùy theo trình độ của các em mà lồng ghép việc tìm hiểu kiến thức pháp luật về thuế cho phù hợp”.

Hiện nay, việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường chủ yếu thông qua hình thức dạy và học bộ môn Đạo đức và Giáo dục công dân. Đây là hình thức chủ yếu để thầy cô chuyển tải các kiến thức pháp luật phổ thông đến học sinh của mình. Tuy nhiên, so với các môn học khác, môn Đạo đức và Giáo dục công dân do ngành giáo dục biên soạn lại có phần khô khan, cứng nhắc, phần lớn là giới thiệu bám sát các quy định của pháp luật, chưa có sự mở rộng kiến thức hay dẫn chứng minh họa, sinh động.

Các thầy cô giảng dạy bộ môn này hầu hết chưa được bồi dưỡng về kiến thức pháp lý cơ bản, việc đào tạo giáo viên dạy môn giáo dục công dân ở trường sư phạm còn ít đổi mới. Chính điều này khiến nhiều giáo viên chưa có sự đam mê với bộ môn, dẫn đến việc thầy cô không có nhiều sự truyền cảm trong việc giảng dạy kiến thức pháp luật cũng như ít viện dẫn các ví dụ, thực tế vi phạm pháp luật trong cuộc sống. Hơn nữa, môn Giáo dục công dân thường “được” không chỉ các em học sinh mà ngay cả thầy cô và phụ huynh đều coi là môn học phụ, không thi tốt nghiệp, học tốt cũng được, mà điểm thấp cũng không sao. Vì thế, các quy định pháp luật lại càng trở nên khó học, khó tiếp thu với học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tỵ - Hiệu phó Trường mầm non Minh Dương, Minh Xuân, Lục Yên tâm sự: “Thực ra, độ tuổi mầm non là độ tuổi các em rất dễ tiếp cận và làm quen với những hiện tượng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Sắp tới, việc triển khai lồng ghép các kiến thức pháp luật một cách đơn giản, dễ hiểu vào các trò chơi chính khóa, ngoại khóa ở cấp học mầm non theo Đề án của Chính phủ sẽ là một trong những  giải pháp thiết thực giúp các em có cơ hội tiếp xúc với quy định pháp luật và có ý thức tôn trọng pháp luật ngay từ khi còn nhỏ. Thông qua chơi các trò chơi, tôi hy vọng các em sẽ có được những hiểu biết nhất định về pháp luật, góp phần quan trọng hình thành nên nhân cách sau này”.
 
“Thực tế hóa” các bài giảng

Tiết học nhận biết và bảo vệ các loài cây xanh của học sinh Trường mầm non Minh Huệ (TP Yên Bái).

Với Đề án “Nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường giai đoạn 2009 – 2012” của Thủ tướng Chính phủ, ngành giáo dục đứng trước nhiệm vụ quan trọng là cần phải thay đổi biện pháp, hình thức đào tạo và truyền thụ kiến thức pháp luật cho các em học sinh. Theo đó, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ được triển khai ở tất cả cấp học từ mầm non, phổ thông đến đại học.

Ở cấp học mầm non, việc học các kiến thức pháp luật sẽ được thể hiện dưới hình thức thông qua các trò chơi có lồng ghép việc tìm hiểu các kiến thức pháp luật sơ đẳng, đơn giản nhất. Những trò chơi phải dễ nhớ, dễ hiểu và đem lại hào hứng cho các em. Việc học kiến thức pháp luật ở cấp học phổ thông vẫn thông qua các môn học Giáo dục công dân, Đạo đức nhưng việc dạy và học sẽ được nâng cao chất lượng; thay đổi phương thức cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học sinh trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong những lĩnh vực pháp luật gắn với đời sống và học tập, tạo hứng thú mới cho học sinh trong việc tiếp thu bài giảng.

Ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp phải bảo đảm cho sinh viên khi tốt nghiệp nắm được lý luận cơ bản về pháp luật. Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo phải tiến hành rà soát, hoàn thiện thống nhất chương trình giáo dục đạo đức, giáo dục công dân (giáo dục phổ thông), chương trình môn học pháp luật (giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp).

Bên cạnh đó, để thực hiện Đề án có hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; nhà trường, gia đình và xã hội. Cần xác định hai môn học Giáo dục công dân, Đạo đức là các môn học quan trọng, tránh hiện tượng xem nhẹ, coi thường. Đồng thời, ngành giáo dục cần phối hợp với các ngành chức năng tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cả những văn bản như Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Luật Hôn nhân – gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hình sự, Luật Bảo vệ môi trường…

Phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục, thực hiện đồng bộ các giải pháp và trên nhiều lĩnh vực của đời sống, chứ không nên chỉ tập trung tuyên truyền một số văn bản như Luật Giao thông đường bộ, pháp luật về thuế và theo đợt như thời gian vừa qua. Cách phổ biến, giáo dục tập trung dưới các hình thức như thành lập các câu lạc bộ pháp luật sinh hoạt định kỳ; động viên, khuyến khích các em sáng tạo ra những trò chơi tìm hiểu kiến thức pháp luật, sáng tác các tiểu phẩm có nội dung dễ nhớ, dễ thuộc có nội dung pháp luật liên quan đến cuộc sống hàng ngày tức là “thực tế hóa” các bài giảng để các em dễ tiếp thu.

Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ góp phần tích cực cải thiện và nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, góp phần giảm bớt tình trạng vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên, học sinh.

 Tân Nhân

Các tin khác
Học sinh Trường tiểu học Kim Đồng (TP Yên Bái) được học tập trong một môi trường lý tưởng với cơ sở vật chất đảm bảo và chất lượng cao.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học bằng hỗ trợ của Chính phủ cho mô hình học cả ngày trong các trường tiểu học, sẽ cần đầu tư 181,4 triệu USD.

Ông Lưu Minh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai - nhận định, đợt rét đậm sẽ bắt đầu từ ngày 15-12 tới và kết thúc sau 5-7 ngày. Sau đó, đến cuối tháng 12-2009, đặc biệt là dịp lễ Noel, cả miền Bắc và miền Trung sẽ có rét đậm, rét hại.

Công trình nhà công vụ giáo viên của Trường tiểu học và THCS xã Chế Cu Nha đang được khẩn trương thi công.

YBĐT - Năm 2008, huyện Mù Cang Chải được tỉnh Yên Bái phê duyệt kiên cố hoá 15 công trình trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên, với tổng mức đầu tư được duyệt trên 18 tỷ 879 triệu đồng. Đến ngày 15/11/2009, huyện vẫn còn nhiều công trình mới hoàn thành được 50 - 55% khối lượng. Sự chậm trễ trong việc khởi công xây dựng và thi công các công trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên trên địa bàn huyện không chỉ gây thiệt thòi cho học sinh và giáo viên, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ kiên cố hoá của cả giai đoạn (2008 - 2012).

Giảm 50% học phí cho học sinh chọn trường nghề.

Theo dự thảo Quy định cơ chế thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2010 - 2015, học sinh theo học các trường nghề, các chuyên ngành "hiếm" hoặc chuyên ngành nặng nhọc, độc hại sẽ được giảm học phí từ 50 - 70%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục