Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo: Nền tảng giảm nghèo hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/2/2010 | 3:11:08 PM

YBĐT - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010 đến nay đã qua bốn năm triển khai thực hiện, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào công tác giảm nghèo nói chung của tỉnh.

Hơn 1.770 người nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề.
Trong ảnh: Dạy nghề cho lao động nông thôn tại Trung tâm Dạy nghề Văn Yên.
Hơn 1.770 người nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề. Trong ảnh: Dạy nghề cho lao động nông thôn tại Trung tâm Dạy nghề Văn Yên.

Những kết quả tích cực

Giảm 4% hộ nghèo toàn tỉnh, tương ứng giảm 6.000 hộ nghèo mỗi năm là mục tiêu căn bản đặt ra của chương trình, nhằm đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 34,71% năm 2006 xuống còn 14,7% vào cuối năm 2010. Đề án thực hiện chương trình này đã đặt ra chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể của từng huyện, thị, thành phố và đề ra hai nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện chương trình đó là: nhóm giải pháp chỉ đạo và nhóm giải pháp huy động nguồn lực với dự kiến trong cả giai đoạn 2006 - 2010 huy động khoảng 1.400 tỷ đồng cho các chính sách, dự án hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, người nghèo.

Thực hiện Chương trình Giảm nghèo, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tổ chức kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp để đảm bảo hiệu lực chỉ đạo, điều hành và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chính sách, dự án với chính quyền địa phương được hưởng lợi; xây dựng cơ chế quản lý phù hợp để cơ quan thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo và các cơ quan quản lý các chính sách, dự án của Đề án ở các cấp có đủ thẩm quyền, đủ năng lực và điều kiện để quản lý, khắc phục tình trạng trách nhiệm không đi đôi với thẩm quyền, nâng cao năng lực quản lý, điều hành Đề án của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ xã, phường, thôn, bản.

Đồng thời UBND tỉnh đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành, các địa phương và tăng cường sự phối hợp hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tham gia thực hiện các chính sách, dự án, chương trình thuộc Đề án; đề xuất cơ chế phối hợp để các tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo.

Với việc tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo, qua bốn năm triển khai thực hiện Yên Bái đã huy động được nguồn lực giảm nghèo đạt trên 2.000 tỷ đồng, đạt 150% kế hoạch huy động vốn cả giai đoạn. Nguồn lực này tập trung thực hiện ba nhóm chính sách, dự án giảm nghèo cơ bản: nhóm chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thu nhập bền vững, nâng cao năng lực cán bộ giảm nghèo; nhóm dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng các xã nghèo, vùng nghèo và nhóm dự án hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo phát triển bền vững. Đồng thời, lồng ghép Chương trình 135 vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, đến nay, tổng số vốn đầu tư trong 4 năm đạt trên 288,64 tỷ đồng với 126 xã đặc biệt khó khăn được đầu tư, mức hỗ trợ bình quân 2,3 tỷ đồng/xã/năm.

Nhờ áp dụng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách giải pháp giảm nghèo, công tác giảm nghèo đã đạt và vượt mục tiêu đặt ra. Từ đầu năm 2006 đến hết năm 2009, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 54.140 hộ xuống còn 28.152 hộ, tương ứng tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,71% xuống còn 15,74%, vượt gần 3% so với kế hoạch giảm nghèo cả giai đoạn đặt ra tới năm 2009.

Đặc biệt, năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh với mức giảm 5,57%, vượt 1,57% so với mục tiêu giảm 4% hộ nghèo hàng năm. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo tiếp tục được nâng lên, cơ sở hạ tầng ở vùng cao, vùng sâu tiếp tục được cải thiện, tạo ra sự chuyển biến tích cực ở nông thôn miền núi, bước đầu có nhiều cách làm giàu, thoát nghèo đang được nông dân thực hiện và được phổ biến trong nhân dân...

Hạn chế cần khắc phục

Có thể nói, trong 4 năm qua, các chính sách, dự án giảm nghèo đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số chính sách vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Trong đó, chính sách hỗ trợ giáo dục cho học sinh, sinh viên nghèo tuy được bổ sung, hoàn thiện nhưng việc triển khai còn bộc lộ nhiều hạn chế như: thủ tục được miễn, giảm học phí cho sinh viên ở các trường công lập còn rườm rà, chưa phân cấp mạnh; việc thực hiện chính sách không thống nhất, thậm chí không được thực hiện ở một số trường công lập; mặc dù được hỗ trợ, song có nơi tình trạng trẻ em nghèo bỏ học vẫn chiếm tỷ lệ khá cao.

Công tác tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo chưa sâu rộng, năng lực cán bộ cơ sở còn có nhiều mặt hạn chế, dẫn đến một số chính sách ở lĩnh vực này triển khai chậm như chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn theo Quyết định 32/QĐ-TTg. Cùng đó, nhiều mô hình giảm nghèo có hiệu quả như mô hình ngân hàng bò, mô hình trồng đỗ tương trên đất dốc... chậm được tuyên truyền, đầu tư nhân rộng. Các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo Trung ương giai đoạn 2006 - 2010 không được bố trí kinh phí hoặc bố trí không đầy đủ cũng đã làm ảnh hưởng tới hiệu quả của Chương trình giảm nghèo.

Mặt khác, khâu chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp cũng bộc lộ một số hạn chế cần sớm khắc phục như chưa thường xuyên, liên tục trong kiểm tra, giám sát các hoạt động giảm nghèo. Do đó, những yếu kém trong chỉ đạo, điều hành Chương trình giảm nghèo chậm được phát hiện, uốn nắn. Chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục triệt để bệnh quan liêu, hình thức trong chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác giảm nghèo đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Qua kiểm tra một số xã cho thấy, cấp xã khi xây dựng kế hoạch giảm nghèo cũng đề ra tỷ lệ giảm nghèo chung chung như huyện và tỉnh, không chỉ ra địa chỉ cụ thể hộ nghèo nào cần tập trung giúp đỡ thoát nghèo trong năm, không phân công cá nhân, đoàn thể trực tiếp giúp đỡ hộ nghèo. Ban chỉ đạo giảm nghèo của nhiều xã buông lỏng chức năng quản lý Nhà nước về chính sách đối với hộ nghèo, không tham gia xét duyệt danh sách hộ nghèo đề nghị vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn cho vay người nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, dẫn đến vốn cho vay hộ nghèo giải ngân nhiều nhưng bản thân người nghèo được vay vốn tín dụng lại ít. Việc không bố trí được cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo cấp xã cũng đã hạn chế việc triển khai chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo.

Ngoài những tồn tại từ chủ quan thì còn một số điều kiện khách quan tác động đến công tác giảm nghèo. Trong đó phải nói đến việc giá cả vật tư sản xuất, hàng hoá tiêu dùng thiết yếu đều tăng cao; dịch bệnh, thiên tai xảy ra với tần suất và quy mô ngày càng lớn (đợt rét đậm rét hại kéo dài ở vùng cao đầu năm 2008 và thiệt hại do bão số 4 gây ra cuối năm 2008 là những ví dụ điển hình).

Hậu quả của nó lại thường tập trung ở những vùng nghèo, những hộ có hoàn cảnh khó khăn, gây thiệt hại lớn về tài sản, sản xuất và nhà ở, làm cho đời sống của nhân dân nhất là hộ nghèo ngay lập tức trở nên vô cùng khó khăn. Khả năng phục hồi sau rủi ro rất hạn chế, đặc biệt là ở những hộ nghèo, những cộng đồng dân cư có mức sống thấp. Trong khi đó, phương thức hỗ trợ tại chỗ của cộng đồng (như Quỹ hỗ trợ cộng đồng) chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Mặt khác, nhìn chung đại bộ phận nhân dân ở nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vốn đã thường có thu nhập thấp, chỉ đạt trên chuẩn nghèo từ 5 - 10%, nguy cơ tái nghèo cao. Vì vậy, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh liên tục giảm trong những năm qua nhưng công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững.

Trên cơ sở hiệu quả và những tồn tại hạn chế trong công tác giảm nghèo bốn năm qua, trong năm 2010 - năm cuối triển khai Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh giai đoan 2006 - 2010, mục tiêu giảm 4% hộ nghèo tương ứng với trên 72.000 hộ thoát nghèo tiếp tục được đặt ra, phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,74% vào cuối năm 2010.

Bốn nhóm chính sách bao gồm: nhóm chính sách nhằm nâng cao năng lực khả năng của người nghèo; nhóm chính sách nhằm tạo cơ hội cho người nghèo; nhóm chính sách đẩy mạnh hoạt động dịch vụ công và nhóm chính sách tạo ra sự an toàn cho người nghèo sẽ là những chính sách, dự án cơ bản được tập trung nguồn lực thực hiện trong Chương trình giảm nghèo năm nay.

Thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, bốn năm qua, nhóm chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thu nhập bền vững, nâng cao năng lực cán bộ giảm nghèo đã tổ chức dạy nghề cho hơn 1.770 người nghèo, tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 3.200 cán bộ làm công tác giảm nghèo, hướng dẫn cách làm ăn và phát triển sản xuất cho trên 363.000 lượt hộ nghèo.

Nhóm dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo, vùng nghèo đã đầu tư trên 192,5 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã nghèo ngoài vùng 135, hỗ trợ phát triển 23 xã nghèo với mức bình quân 5,7 tỷ đồng/xã, Dự án giảm nghèo WB trong hai năm 2006 - 2007 đầu tư 50 tỷ đồng/năm xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ khuyến nông, lâm, ngư, giáo dục cho các xã nghèo.

Nhóm dự án hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo phát triển bền vững đã cho trên 59.100 lượt hộ nghèo vay vốn ưu đãi với mức bình quân 8 triệu đồng/hộ, hỗ trợ 9.190 hộ làm mới và sửa chữa nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất cho gần 7.660 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho gần 1.100 lượt người nghèo, hỗ trợ trên 760.000 lượt học sinh nghèo trong giáo dục, hỗ trợ nước sinh hoạt cho trên 27.500 hộ dân, trợ giúp pháp lý cho trên 1.300 người nghèo và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 369 hộ nghèo được hưởng lợi.  

H.M

Các tin khác

Các loại thuốc chủ yếu thuộc nhóm bệnh ung thư, tiêu chảy, chống viêm, thần kinh… Bộ Y tế vừa ký quyết định bổ sung 63 loại thuốc vào danh mục thuốc điều trị cho trẻ em dưới 6 tuổi được bảo hiểm y tế thanh toán.

Lưỡi áp cao lạnh lục địa chi phối thời tiết các tỉnh miền Bắc tiếp tục suy yếu và di chuyển ra phía Đông, tạo điều kiện cho áp thấp phía Tây có xu hướng phát triển và mở rộng dần về phía Đông Nam.

Ngày 23-2, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo thông tư quy định cụ thể một số điều kiện, hồ sơ mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Yên Bái, luôn chú trọng công tác giới thiệu ngành nghề cho người đến tìm kiếm việc làm. (Ảnh: Văn Thông)

YBĐT - Huyện Mù Cang Chải là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, cộng với thiên nhiên khắc nghiệt (mùa mưa lũ kéo dài tới 5 tháng trong một năm và mùa đông nhiệt độ rất thấp). Do đó, đời sống mọi mặt đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục