Chăm lo sự nghiệp “trồng người”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/2/2010 | 9:21:18 AM

YBĐT - Kỷ niệm 45 năm thành lập huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên có quyền tự hào với biết bao kỳ tích đã giành được trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội… Trong đó phải kể đến kỳ tích về sự nghiệp “trồng người” suốt trong 45 năm qua của huyện!

Giờ học môn Tin học của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội huyện Văn Yên.
Giờ học môn Tin học của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội huyện Văn Yên.

Trong cuốn Kỷ yếu “Giáo dục Văn Yên 40 năm xây dựng và phát triển 1965- 2005”, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Bảng- nguyên Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện viết: “ Ngày ấy, mới qua 10 năm hoà bình và xây dựng, còn bộn bề khó khăn thiếu thốn, lại phải đương đầu với một cuộc chiến tranh phá hoại vô cùng ác liệt. Trong hoàn cảnh đó, sự nghiệp giáo dục Văn Yên không một ngày ngừng trệ, được Đảng bộ, chính quyền quan tâm, nhân dân hết lòng giúp đỡ, ngành giáo dục Văn Yên đã đứng vững và phát triển”.

Nhìn lại năm đầu thành lập huyện, đội ngũ giáo viên chưa đầy 100 người, trong đó có 10 giáo viên cấp II, còn lại là giáo viên cấp I và vỡ lòng, công tác ở 13 trường cấp I và 2 trường cấp II, với gần 2.000 sinh. Đây là thời kỳ hết sức khó khăn đối với những người làm công tác giáo dục ở Văn Yên, vì cơ sở vật chất thiếu thốn, trường, lớp học chủ yếu là nhà tranh, vách nứa, với động lực là tinh thần yêu nước và ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy thật tốt- học thật tốt”, thầy và trò ở các trường trong huyện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trong suốt 10 năm chống chiến tranh, với biết bao gian khổ và nguy hiểm, thế nhưng sự nghiệp giáo dục của huyện vẫn có bước phát triển quan trọng. Đến năm học 1975- 1976, số học sinh các cấp trong huyện đã lên đến 13.000 em, tăng gấp 6 lần so với năm đầu thành lập. Từ năm 1975 đến nay, đất nước hoà bình thống nhất, sự nghiệp giáo dục - đào tạo thường xuyên được quan tâm chăm lo, củng cố ở tất cả các ngành học, cấp học, từ nhà trẻ mẫu giáo đến phổ thông, bổ túc văn hoá… Đội ngũ cán bộ, giáo viên được quan tâm đào tạo, tăng cường; cơ sở vật chất, trường, lớp học, trang thiết bị dạy học đã được đầu tư đồng bộ ở 27 xã, thị trấn.

Hiện nay, toàn ngành giáo dục- đào tạo huyện có 1.613 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 100% giáo viên trong ngành đạt chuẩn và đã có 36,8% giáo viên trên chuẩn. Năm học 2009 - 2010, toàn huyện có 81 trường, 932 nhóm, lớp, với 23.812 trẻ mầm non, học sinh, học viên. Hệ thống trường, lớp học được đầu tư khá khang trang từ huyện đến tất cả các xã, thị trấn. Toàn huyện hiện có 708 phòng học, trong đó có 405 phòng đã được xây dựng kiên cố, 215 phòng bán kiên cố, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,6%.

Cùng với sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, huyện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường học không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông. Nhờ sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện và sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành, năm 1997 huyện Văn Yên được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ- phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH).

Đặc biệt năm 2000, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị trấn Mậu A) được công nhận là trường chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh. Đến năm 2005, huyện đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm học 2009 - 2010, toàn huyện có 26/27 xã, thị trấn đạt PCGDTH đúng độ tuổi, huyện đủ điều kiện công nhận huyện đạt PCGDTH đúng độ tuổi.

Công tác khuyến học, khuyến tài được chú trọng quan tâm. Đến năm 2009, 27 xã, thị trấn trong huyện đã thành lập hội khuyến học với trên 11.280 hội viên; 265/312 khu phố, thôn bản có chi hội khuyến học; 81/81 trường có chi hội khuyến học. Từ năm 2002 đến năm 2009, Hội Khuyến học huyện đã trao thưởng cho 350 học sinh giỏi các cấp, học sinh năng khiếu, hoạt động tài năng và giáo viên đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua với tổng số tiền thưởng trên 152 triệu đồng… Bằng sự động viên, khích lệ kịp thời của các cấp hội khuyến học, nhiều học sinh và giáo viên đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn vươn lên trong học tập và công tác, giành được kết quả cao.

Tự hào với những kết quả đạt được trong suốt chặng đường 45 năm qua, năm học 2009- 2010, thầy và trò ở các trường trong huyện tích cực thi đua “Dạy thật tốt- học thật tốt”, góp phần xây dựng huyện Văn Yên trở thành huyện giàu mạnh của tỉnh Yên Bái.

Minh Hằng

Các tin khác

YBĐT - Với 1.262 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đang sinh hoạt tại 49 cơ sở đoàn trực thuộc, những năm qua, tuổi trẻ Đoàn khối cơ quan Dân chính Đảng tỉnh (CQDCĐ) luôn phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, nêu cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, năng động sáng tạo làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2009.

Ngày 25/2, Bộ GD-ĐT chính thức công bố Thông tư sửa đổi Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2010. Theo đó, về cơ bản Quy chế vẫn giữ như năm trước và bổ sung, sửa đổi một số điểm trong hội nghị thi và tuyển sinh 2010 đã bàn cho phù hợp với thực tế.

YBĐT - Khi thời khắc chia tay năm cũ được tính từng ngày, chúng tôi đến thăm gia đình bà Vũ Thị Lượng, thôn Nà Pan, xã Tô Mậu (Lục Yên) - một trong 100 gia đình được hỗ trợ làm nhà sàn 3 gian nền được láng sạch sẽ.

Cán bộ Trạm y tế xã Đại Phác (Văn Yên) chăm sóc vườn thuốc nam.

YBĐT - Trong nhiều năm qua, cán bộ, y, bác sỹ Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Yên Bái đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện làm việc để phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, được nhân dân tin yêu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục