Nghĩa An xây dựng, quản lý nhà văn hóa: Năng động, sáng tạo, hiệu quả
- Cập nhật: Thứ ba, 23/3/2010 | 8:54:16 AM
YBĐT - Từ những năm 2005 trở về trước, khi các thôn, bản của xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) chưa có nhà văn hóa thì mọi hoạt động như sinh hoạt chi bộ, họp thôn, bản, sinh hoạt của các đoàn thể, thậm chí là bầu cử hội đồng nhân dân... đều phải mượn địa điểm nhờ nhà dân.
Sinh hoạt văn hóa tại nhà sàn văn hóa xã Nghĩa An.
|
Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai, bàn bạc, thảo luận các công việc, nhất là những việc có tính chất nội bộ, hay đơn giản như niêm yết công khai các giấy tờ, trưng bày các loại bằng khen, giấy khen, sách báo... cũng hết sức khó khăn.
Xuất phát từ thực trạng này cũng như tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, ngay sau khi thị xã triển khai Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn bản, UBND xã Nghĩa An đã chủ động, nhanh chóng hoàn thiện việc quy hoạch và bố trí đất đai để xây dựng các nhà văn hóa thôn, bản.
Với sự đồng thuận cao, việc giải phóng và huy động sức dân san gạt mặt bằng xây dựng nhà văn hóa tiến hành nhanh gọn. Thời điểm này, nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho mỗi nhà văn hóa ở mức 5 triệu đồng. Trên cơ sở điều kiện thực tế của xã và ý kiến từ các thôn, bản, xã đã tính toán để huy động sức đóng góp của người dân cho việc xây dựng nhà văn hóa một cách hợp lý.
Là xã thuần nông, bình quân mỗi thôn có từ 60 - 80 hộ gia đình, có thôn chỉ 35 hộ nên nếu nhân dân mỗi thôn tự đóng góp xây dựng nhà văn hóa thì có thôn sẽ gặp khó khăn không nhỏ. Vì vậy, việc huy động nhân dân toàn xã cùng đóng góp để xây dựng nhà văn hóa cho từng thôn mà xã đưa ra được người dân hoàn toàn ủng hộ. 500 hộ gia đình toàn xã có khả năng đóng góp đã đóng làm ba kỳ theo mùa vụ để làm ba nhà văn hóa. Trung bình 75.000 đồng/hộ, xã đã huy động được 37,5 triệu đồng từ đóng góp của người dân, cộng với 15 triệu đồng do thị xã hỗ trợ thì mỗi nhà văn hóa được đầu tư 17 triệu đồng.
Mặt khác, xã đã huy động tối đa sức dân từ tham gia tạo mặt bằng, vận chuyển vật liệu, khai thác cát sỏi, xây dựng... cùng nguồn lực được đầu tư để bảo đảm xây dựng nhà văn hóa đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Trong năm 2006, ba nhà văn hóa thôn, bản đã hoàn thành, đạt 100% chỉ tiêu giao.
Ngoài ra, tranh thủ sự đầu tư, giúp đỡ của các doanh nghiệp và các cấp, các ngành, xã đã xây dựng được thêm hai nhà văn hóa nữa. Cho đến nay, cơ bản các khu lẻ, xa trung tâm, dân cư sống rải rác đã có nhà văn hóa. Còn lại bốn thôn gần trung tâm xã chủ yếu sinh hoạt tại nhà văn hóa trung tâm.
Quá trình sử dụng, trong điều kiện thu ngân sách thấp, nguồn chi không có phân bổ chi cho nhà văn hóa thì việc quản lý hoạt động nhà văn hóa là khó khăn chung. Tranh thủ sự đầu tư từ các cấp, Đảng ủy, UBND xã đã lãnh đạo, chỉ đạo Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Nghĩa An trích một phần kinh phí từ quỹ phúc lợi chung để hỗ trợ các nhà văn hóa mua sắm trang thiết bị, lắp điện, xây bể nước, xây dựng công trình vệ sinh, mua bàn ghế...
Xã cũng hướng dẫn các thôn, bản chọn cử người quản lý, bảo vệ nhà văn hóa. Kinh phí chi trả, hỗ trợ trông coi trích từ nguồn quỹ của thôn, bản. Đồng thời huy động dân đóng góp tre, nứa làm hàng rào để quản lý, bảo vệ các nhà văn hóa. Các thôn, bản cũng đã xây dựng quy chế hoạt động của nhà văn hóa, xây dựng lịch phân công các tổ chức đoàn thể trong thôn, bản giữ vệ sinh cho nhà văn hóa.
Một số nhà văn hóa như Nhà văn hóa Nậm Đông 2, Nhà văn hóa trung tâm quy mô rộng đã được đưa vào trưng bày, kinh doanh các sản phẩm và bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tổ chức dịch vụ ẩm thực dân tộc... trở thành điểm đến của nhiều du khách khi đến Mường Lò.
Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn song xã Nghĩa An đã vận dụng sáng tạo và linh hoạt việc xây dựng, quản lý nhà văn hóa phù hợp với địa phương. Nhà văn hóa được xây dựng bảo đảm chất lượng, đưa vào sử dụng, hoạt động và quản lý có hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng xã Nghĩa An văn hóa.
Thu Hạnh
Các tin khác
Theo nhận định của ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2010, Việt Nam sẽ chịu khoảng từ 6 đến 7 cơn bão, cao hơn trung bình mọi năm.
Từ ngày 21 - 25/3/2010, tại Đại học Quốc gia HN gần 100 nhà khoa học hàng đầu từ 25 nước trên thế giới bàn luận về biến đổi khí hậu với chủ đề: "Quản lý rủi ro các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu".
Sáng 22-3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh lùn sọc đen (LSĐ) (Bộ NN&PTNT) đã họp đánh giá tình hình dịch bệnh tại các địa phương và biện pháp phòng, chữa.
YBĐT - Được tiếp thu các nội dung của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại huyện, Đảng bộ xã Chế Tạo, Mù Cang Chải (Yên Bái)đã khẩn trương phát động cuộc vận động trên địa bàn xã, đồng thời xây dựng chương trình hành động với các mục tiêu cụ thể.