Các địa phương nỗ lực bảo đảm đủ nước cho vụ đông xuân
- Cập nhật: Thứ năm, 25/3/2010 | 8:24:25 AM
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, ngày 23-3, một vùng áp thấp ngoài khơi Thái Bình Dương đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNÐ). Vị trí tâm ATNÐ ở vào khoảng 10,2 độ vĩ bắc, 138,4 độ kinh đông, cách miền trung Phi-li-pin khoảng 1.000 km về phía đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNÐ mạnh cấp 7, giật cấp 8 - cấp 9.
Nước Sông Hồng ở Hà Nội xuống mức rất thấp,
làm khan hiếm nguồn nước tưới cho vụ xuân.
|
Dự báo trong 1-2 ngày tới, ATNÐ di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Trong khi đó, một đợt giómùa đông bắc sẽ tràn xuống Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, gây mưa, mưa rào và dông rải rác, trời chuyển lạnh, vùng núi chuyển rét. Các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên tiếp tục nắng nóng.
Thực hiện Chỉ thị số 298/CT-TTg ngày 1-3 của Thủ tướng Chính phủ và công văn đề nghị ngày 23-3 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ 9 giờ ngày 24-3, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam bắt đầu tăng lượng nước xả qua phát điện để các địa phương vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ lấy nước dưỡng lúa đông xuân và tích trữ vào hệ thống kênh mương, ao, đầm, vùng trũng. Ðợt xả nước này sẽ kéo dài đến ngày 26-3, với mức nước sông Hồng tại Hà Nội là 2 m. Do thời gian xả nước ngắn và mức nước ở các hồ thủy điện đã xuống thấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, các công ty khai thác công trình thủy lợi và địa phương khẩn trương tập trung huy động mọi nhân lực, phương tiện và bằng mọi biện pháp tổ chức lấy nước từ sông và hệ thống kênh trục và phân phối, điều tiết dẫn nước vào ruộng, đồng thời tiếp tục tích trữ vào hệ thống kênh, ao, đầm và vùng trũng thấp. Tiếp tục khơi thông dòng chảy, giải tỏa ách tắc trên hệ thống dẫn nước, đặc biệt là tuyến vào cửa sông và bể hút các trạm bơm. Bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra các bờ vùng, bờ thửa và quản lý chặt chẽ nguồn nước, không để nước rò rỉ hoặc mất nước.
Tỉnh Yên Bái đã trích ngân sách 1,861 tỷ đồng hỗ trợ tiền bơm nước tưới chống hạn cho lúa xuân; trước mắt hỗ trợ 946,386 triệu đồng cứu những diện tích lúa bị hạn nặng. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, hiện có hơn 1.472 ha lúa bị hạn nặng, nếu từ nay đến ngày 30-4, trời không mưa, sẽ có thêm 1.525 ha ruộng nguy cơ bị hạn, tập trung ở các huyện Văn Yên, Văn Chấn, TP Yên Bái.
Công ty Thủy nông Nam sông Mã (Thanh Hóa) đã hoàn thành phương án ngăn sông Mã để lấy nước chống hạn cho vụ đông xuân 2010. Vị trí ngăn sông được thực hiện tại trạm bơm Nam sông Mã thuộc xã Yên Phong, huyện Yên Ðịnh. Công ty đã đổ đá, nối dài mỏ kè 30-100 m, đánh chìm một xà-lan cát và sử dụng một tàu đổ đầy cát neo đậu trên mặt sông. Như vậy, mực nước sông Mã tại đây đã dâng lên hơn 3,2m, đủ để năm máy bơm công suất 7.000 m3/giờ vận hành, bơm nước chống hạn.
Ðến nay, tỉnh Ðồng Tháp đã xây dựng được hơn 700 trạm bơm điện, phục vụ tưới tiêu đáp ứng 53% diện tích canh tác của toàn tỉnh. Do địa hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh phần lớn là vùng trũng nên luôn phải tiêu úng trong mùa lũ, nhưng mùa khô lại rất thiếu nước, cho nên chỉ có bơm điện mới giải quyết được việc tiêu úng và chống hạn cho sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, tỉnh quyết định đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng thêm 56 trạm bơm điện, nâng tổng diện tích được tưới bằng bơm điện lên hơn 133.000 ha.
Huyện Nho Quan (Ninh Bình) triển khai nhiều biện pháp cấp bách, chủ động phòng, chống cháy rừng (PCCR), hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Nho Quan có hơn 17.400 ha rừng, nhưng hầu hết các khu rừng ở xa nguồn nước, rất khó khăn trong việc chữa cháy rừng. Ban chỉ huy PCCR của huyện xác định rõ bốn vùng rừng trọng điểm cần đặc biệt quan tâm; trong đó có khu rừng trồng thông nhựa (các xã Quảng Lạc, Quỳnh Lưu và Phú Long), vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương (rừng khoanh nuôi trên núi đá), khu vực rừng thông hồ Ðồng Chương và vùng trồng thông nhựa lớn, rừng giẻ tái sinh ở các xã Thạch Bình, Xích Thổ.
Ðể chủ động phòng và dập tắt kịp thời mọi vụ cháy rừng, tất cả các đơn vị chủ rừng, địa phương trong tỉnh Lâm Ðồng đều xây dựng phương án PCCR theo phương châm 4 tại chỗ, với tổng mức đầu tư lên đến 18,5 tỷ đồng. Các đơn vị đã xử lý trước thực bì, vật liệu cháy trên diện tích 2.145 ha ở những khu vực có nguy cơ cháy cao nhất, xây hơn 100 chòi canh lửa, mua sắm nhiều thiết bị chữa cháy rừng... Ðồng thời huy động lực lượng thường trực canh rừng hơn 1.000 người trực 24/24 giờ để phát hiện, kịp thời dập tắt mọi vụ cháy.
Do nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) nguy cơ cháy đang ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Hiện rừng tràm U Minh Hạ có tổng diện tích gần 70.000 ha, trong đó gần 40.000 ha đất có rừng; đáng chú ý là rừng Quốc gia U Minh Hạ với diện tích 8.000 ha vừa được công nhận khu sinh quyển thế giới. Chính quyền các cấp trong tỉnh đang kết hợp đồng bộ các biện pháp, nỗ lực để giữ rừng.
Ban quản lý khu di tích Xẻo Quít (Ðồng Tháp) đang thực hiện phương châm 4 tại chỗ; đồng thời huy động hơn 50 người thường xuyên túc trực trong công tác PCCR quyết tâm bảo vệ 50 ha rừng đặc dụng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiến hành nạo vét hơn 2 km kênh mương trong rừng và 16 km kênh mương chung quanh bìa rừng được khơi thông dòng chảy và bơm đầy nước trong các kênh, ao, hồ trong rừng; đồng thời phun thuốc diệt cỏ tạo tuyến vành đai trắng, vành đai xanh, tạo đường băng cản lửa an toàn 16 km đường bộ bao quanh rừng.
Hồi 17 giờ ngày 23-3, tại huyện Tri Tôn (An Giang) đã có mưa lớn, sau gần ba tháng nắng nóng gay gắt. Cơn mưa không chỉ giải hạn cho gần 10.000 ha rừng huyện Tri Tôn và khu vực giáp ranh thuộc huyện Tịnh Biên mà còn góp phần giải quyết nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh đang chỉ đạo các huyện có rừng tiếp tục theo dõi, quản lý nghiêm ngặt đối với việc đốt nương làm rẫy, nghiêm cấm hoạt động đốt dọn thực bì và kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang, hiện nay hơn 4.500 ha rừng tràm ở khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và Vườn tràm Vị Thủy đang bị khô hạn nghiêm trọng và có nguy cơ cháy rất cao. Lực lượng kiểm lâm tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét các đối tượng lén lút vào rừng đốt ong, săn bắt động, thực vật, lấn chiếm đất rừng nhằm ngăn ngừa các vụ cháy xảy ra. Ðồng thời phối hợp các chủ rừng tổ chức nhiều đợt kiểm tra về công tác PCCR ở các khu vực.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Ngày 24-3, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã tổ chức hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) năm 2009 và triển khai kế hoạch năm 2010.
Ngày 22/4 tới đây, kênh truyềnhình chuyên biệt về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ chính thức phát sóng trên kênh VTC 16.
YBĐT - Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 135).
YBĐT - Trong năm 2009, Hội Nông dân xã Báo Đáp, Trấn Yên (Yên Bái) đã giúp 17 hội viên thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 0,68 %. Kết quả đó đã phần nào nói lên những cố gắng và thành công của Hội trong quá trình giúp hội viên thoát nghèo, phát triển kinh tế.