751 ngư dân đang bị bắt giữ ở nước ngoài!

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/3/2010 | 8:01:35 AM

Trước tình hình nước ngoài bắt giữ tàu cá của Việt Nam (VN) ngày càng gia tăng, hôm qua 30.3, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị khẩn cấp bàn về vấn đề này.

Bên cạnh những bất trắc do thiên nhiên, giờ đây ngư dân ra khơi còn đối mặt với nguy cơ bị nước ngoài bắt giữ.
Bên cạnh những bất trắc do thiên nhiên, giờ đây ngư dân ra khơi còn đối mặt với nguy cơ bị nước ngoài bắt giữ.

Theo Bộ NN-PTNT, thời gian qua tình hình tàu cá VN bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt khi đang hoạt động trên biển diễn ra hết sức phức tạp và ngày càng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của ngư dân và quan hệ ngoại giao giữa VN và các nước trong khu vực.

Bắt giữ, phạt tiền, tịch thu tài sản và phương tiện

Từ đầu năm 2010 đến nay đã có 18 vụ bắt giữ tàu cá và 208 ngư dân VN. Các biện pháp áp chế đối với ngư dân VN khi bị bắt giữ là tịch thu tàu, xử phạt hành chính và phạt tù đối với thuyền trưởng, máy trưởng. Theo thống kê chưa đầy đủ, số ngư dân của ta còn bị nước ngoài tạm giữ đến nay là 751 người, trong đó Indonesia giam giữ khoảng 280 người, Malaysia giam giữ khoảng 450 người, Philippines giữ 21 người.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2009, toàn tỉnh có 45 tàu và 599 ngư dân bị các nước khác bắt giữ, phạt tiền, tịch thu tài sản và phương tiện. Cụ thể, Trung Quốc đã bắt giữ 33 tàu và 433 ngư dân, trong đó có 4 tàu và 48 ngư dân bị giam giữ ở đảo Phú Lâm, 6 tàu và 32 ngư dân phải nộp phạt từ 50.000-70.000 nhân dân tệ để được thả về. Số còn lại phía Trung Quốc tịch thu toàn bộ tài sản, phương tiện, hải sản, nhiên liệu rồi đuổi ra khỏi quần đảo Hoàng Sa. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn 23 tàu và 141 ngư dân bị nước ngoài giam giữ.

Bộ NN-PTNT cho rằng, số vụ nước ngoài bắt giữ ngư dân VN gia tăng cũng xuất phát từ một số hành vi vi phạm mới, nhất là đối với vùng biển phía Nam. Đó là một số đơn vị, cá nhân tự ý tổ chức đưa người và tàu VN ra nước ngoài hoạt động khi chưa được phép của cơ quan thẩm quyền. Một số người tổ chức đưa ngư dân VN sang Indonesia bằng hộ chiếu phổ thông rồi đưa lên tàu cá nhỏ của Indonesia để làm nghề lặn, khai thác san hô đen, hải sâm… Hình phạt đưa ra đối với hành vi này khá nghiêm khắc: phạt tù từ 5-7 năm, phạt tiền đến 3 triệu rupiah.

Thế nhưng địa phương có số tàu cá bị bắt giữ, xử phạt nhiều nhất là Kiên Giang. Từ năm 2009 đến nay tại tỉnh Kiên Giang có tổng cộng 277 ngư dân bị các nước bắt giữ. Trong đó có 189 ngư dân được trả về qua đường ngoại giao, 57 ngư dân được trả qua thỏa thuận trên biển. Hiện vẫn còn 31 ngư dân của Kiên Giang bị giam giữ, 10 tàu bị tịch thu.

Nỗ lực hỗ trợ ngư dân

Phân tích nguyên nhân của tình trạng gia tăng các trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, các cơ quan chức năng cho rằng Trung Quốc gần đây đã tăng cường mở rộng phạm vi, tần suất tuần tra, kiểm soát vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa, các nước lân cận phản đối việc Trung Quốc công bố bản đồ “hình lưỡi bò” nên cũng đã gia tăng tần suất kiểm tra và áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với tàu cá nước ngoài, trong đó có VN.

Ông Trần Kim Dương - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, cho biết: “Ngư dân Bình Định có truyền thống đánh cá nổi (câu cá ngừ đại dương, câu cá mập, lưới vây, lưới cản, lưới rê khơi...) nên thường xuyên di chuyển ngư trường, đánh bắt xa bờ và dài ngày. Trong khi đó trên biển cả khó phân biệt được vùng chồng lấn, vùng giáp ranh. Hơn nữa tàu cá của ta chưa được trang bị các thiết bị kỹ thuật hiện đại, nhiều khi gặp lý do bất khả kháng, đang đánh bắt ở hải phận VN thì gặp gió hoặc bão hoặc dòng chảy của biển cuốn sang hải phận nước khác. Cũng không loại trừ trường hợp do đuổi theo đàn cá nên không để ý và vượt qua vùng giáp ranh. Đây là do rủi ro nghề nghiệp chứ không phải ngư dân của ta cố ý xâm phạm lãnh hải nước khác”.

Theo ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, phương hướng triển khai các biện pháp hỗ trợ ngư dân trong thời gian tới là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ngư dân tuân thủ các quy định của pháp luật VN, tổ chức ngư dân đi khai thác vùng biển xa bờ theo mô hình tổ đội để hỗ trợ nhau trên biển, các địa phương có thể xem xét các khoản ngân sách để lập quỹ hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ các trường hợp ngư dân không cố tình vi phạm nhưng bị nước ngoài bắt giữ và xử phạt; củng cố và phát triển lực lượng tuần tra trên biển, thường xuyên có mặt tại các vùng biển trọng điểm hoặc tranh chấp để bảo vệ, hỗ trợ ngư dân ta. Đặc biệt tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các tàu cá khi hoạt động cần đăng ký với cơ quan chức năng để được cấp giấy phép hoạt động, khi đi đánh bắt phải báo cáo với cơ quan chức năng để được hỗ trợ trên biển.

Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các tỉnh ven biển quản lý chặt chẽ tàu cá của địa phương, nghiêm cấm các đơn vị, cá nhân tổ chức đưa người và tàu cá sang khai thác tại vùng biển nước ngoài khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Tổng hợp từ năm 2006 đến nay có 641 vụ bắt giữ xảy ra đối với 1.186 tàu cá và 7.045 ngư dân VN. Riêng trong năm 2009 có đến 161 vụ với 2.472 ngư dân VN bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử phạt. Trong đó có 29 vụ liên quan đến Trung Quốc, 45 vụ liên quan đến Malaysia, 2 vụ liên quan đến Philippines, 56 vụ liên quan đến Indonesia, và Campuchia có 29 vụ.

(Theo TNO)

Các tin khác

Hôm qua, 30-3, Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2010. Theo đó, với 118 thí sinh đoạt giải trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia 2010, Hà Nội là địa phương có số học sinh đoạt giải nhiều nhất nước.

Bộ Y tế cho biết, thống kê trong tháng 3, tại 40 tỉnh, thành phố ghi nhận 2.558 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (giảm 508 trường hợp so với tháng 2), nâng tổng số mắc/tử vong từ đầu năm đến nay là 7.370/3 ca. Bệnh viêm gan virút B15-B19 có ở 32 địa phương, với 204 ca mắc.

Hiện mới ghi nhận các loại hộp xốp Trung Quốc dùng đựng hoa quả nhập khẩu vào Việt Nam có chứa độc chất

Ngày 29.3, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu sở y tế, các bệnh viện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đấu thầu thuốc, kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục