Có nên thêm chữ “sức khỏe” ở làng văn hóa ?
- Cập nhật: Thứ tư, 7/4/2010 | 9:03:42 AM
YBĐT - Bây giờ, từ người dân Làng văn hoá sức khoẻ Ninh Thuận đến lãnh đạo xã Nga Quán, huyện Trấn Yên (Yên Bái) không còn nhớ Làng văn hoá sức khoẻ ra mắt vào năm nào nữa. Bởi từ khi ra đời đến nay, không ai cần quan tâm làng hoạt động thế nào và hiệu quả ra sao. Các làng văn hoá sức khoẻ trong tỉnh và huyện Trấn Yên đang cùng có chung thực trạng này!
Cổng vào làng văn hóa sức khỏe Ninh Thuận, xã Nga Quán.
|
Chỉ có thêm chữ “sức khoẻ”
Ngay từ khi gặp gỡ, trao đổi với ông Nguyễn Diên Hoành – Bí thư Đảng ủy xã Nga Quán, khi nghe chúng tôi hỏi: "Làng văn hoá sức khoẻ của mình ra mắt bao giờ và khác làng văn hoá ở chỗ nào?", ông cười trả lời: “Ra mắt bao giờ cũng không nhớ rõ nhưng chỉ khác ở chỗ là có thêm chữ “sức khoẻ” thôi!”. Bởi thế, chúng tôi cảm thấy rất thôi thúc phải đi tìm thực chất của làng văn hóa sức khỏe này ra sao?
Cuối tháng 9/2003, Làng văn hóa Ninh Thuận, xã Nga Quán được đăng ký xây dựng và ra mắt, sau khi UBND huyện Trấn Yên có quyết định phê duyệt qui ước của Làng. Sau khi ra mắt, qui ước và tờ rơi về 4 tiêu chuẩn làng văn hoá trong đó có các nội dung về chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh môi trường cảnh quan đều được phát tới các hộ và người dân thực sự tích cực tham gia xây dựng làng văn hoá. Nhưng có lẽ vào giữa hoặc cuối năm 2007, Làng văn hoá Ninh Thuận có thêm chữ “sức khoẻ” và được ra mắt sau khi Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1467/QĐ-BYT ngày 19/4/2007 về việc ban hành Qui chế công nhận danh hiệu “Gia đình sức khoẻ”, “Làng sức khoẻ”, “Tổ dân phố sức khoẻ” và “Khu dân cư sức khoẻ”, giao cho sở y tế các tỉnh, thành thi hành Quyết định này. Cùng thời điểm này, các xã khác của Trấn Yên như Hoà Cuông, Minh Quán, Việt Thành, mỗi xã cũng ra mắt một làng văn hoá sức khoẻ. Dù chưa biết hiệu quả ra sao, nhưng người dân Ninh Thuận vẫn phấn khởi hưởng ứng.
Trong Qui chế của Bộ Y tế có qui định danh hiệu “Gia đình sức khoẻ” do UBND xã công nhận; danh hiệu “Làng sức khoẻ” do UBND huyện công nhận. Đối với gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình sức khoẻ” 3 năm liên tục sẽ được UBND xã cấp Giấy chứng nhận 3 năm đạt “Gia đình sức khỏe”. Làng được công nhận “Làng sức khoẻ” 3 năm liên tục sẽ được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận 3 năm đạt “Làng sức khoẻ”, sau khi có báo cáo thành tích của làng, biên bản bình xét của xã, văn bản đề nghị của trạm y tế kèm theo danh sách làng đề nghị công nhận có xác nhận của UBND xã. Hồ sơ đề nghị công nhận “Làng sức khoẻ” gửi lên Phòng Y tế huyện để trình UBND huyện ra quyết định công nhận.
Cũng theo Qui chế này, hàng năm việc ký cam kết xây dựng “Gia đình sức khoẻ”, “Làng sức khoẻ” được tổ chức một lần vào đầu quí I và xét danh hiệu một lần vào quí IV. Các gia đình được công nhận “Gia đình sức khoẻ” là cơ sở để ngành y tế đề nghị UBND xã xem xét công nhận danh hiệu "Gia đình văn hoá". Các làng được công nhận “Làng sức khoẻ” là cơ sở để ngành y tế đề nghị UBND huyện xem xét công nhận “Làng văn hoá”.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc sẽ được Bộ Y tế tặng bằng khen. Căn cứ điều kiện cụ thể, các địa phương có chế độ ưu đãi, khen thưởng các gia đình, làng, đạt danh hiệu sức khoẻ. Giấy chứng nhận danh hiệu “Gia đình sức khoẻ” và “Làng sức khoẻ” được in theo mẫu thống nhất của Bộ Y tế ban hành trên toàn quốc. Giám đốc sở y tế phối hợp với giám đốc sở Văn hoá - thông tin (nay là sở văn hoá - thể thao và du lịch), chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh phổ biến, quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Qui chế là vậy, nhưng ông Cao Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND xã Nga Quán nhận xét: “Không nhớ rõ là ra mắt vào năm nào, nhưng kể từ khi có Làng văn hoá sức khoẻ đến nay, không thấy cấp trên chỉ đạo sơ, tổng kết gì nên cũng chẳng biết hiệu quả của nó đến đâu. Làng văn hoá sức khoẻ kiểu này khác nào đứa trẻ bị bỏ rơi “đẻ mà không nuôi”.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện Trấn Yên cũng thừa nhận: “Từ khi về nhận công tác tại Phòng đến nay không thấy có sự chỉ đạo của huyện cũng như quan tâm nào của ngành y tế và đơn vị liên quan trong Qui chế của Bộ Y tế đề ra trong phối hợp xây dựng Làng văn hoá sức khoẻ”.
Làng văn hóa sức khỏe thôn Ninh Thuận vẫn còn những hộ chưa làm chuồng cho gia súc và có hố phân gây mất vệ sinh môi trường.
“Có nên để chữ“sức khoẻ” nữa không?”
Nói vậy nhưng làng văn hoá cũng có cái được nếu xét theo khía cạnh đơn thuần của làng văn hóa. Vẫn theo Chủ tịch xã Cao Ngọc Hùng: “Cùng với các qui ước như rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, có công trình vệ sinh đảm bảo có nắp đậy, mỗi nhà có một hố rác...thì làng văn hoá trước đây đã có rồi. Làng còn tự đặt ra qui ước đám cưới không có thuốc lá, quả thực từ đó đến nay, các đám cưới trong thôn đã không còn thuốc lá; người nơi khác tới dự hỏi thường phải giải thích đây là qui định của làng. Xã đang nhân rộng việc không hút thuốc trong đám cưới sang các làng văn hoá khác trong xã”.
Dù Làng không được quan tâm theo đúng cái tên của mình là “Làng văn hóa sức khỏe”, nhưng người dân Ninh Thuận vẫn tích cực tham hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, xây dựng làng văn hoá.
Ông Bùi Hữu Thu - Chủ tịch Hội đồng làng hàng năm vẫn thường xuyên báo cáo kết quả hoạt động của làng với Phòng Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện Trấn Yên. Báo cáo của Làng văn hóa dù không có chữ “sức khoẻ” nhưng vẫn phản ánh cuộc sống người dân ở làng văn hoá Ninh Thuận có những đổi thay quan trọng nhờ tích cực làm thuỷ lợi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hoá ngành, nghề. Hiện làng chỉ còn 5 hộ nghèo.
Chỉ riêng trong năm 2009 đã có 10 nhà xây mới. Hiện 137 hộ trong làng có ti vi, 137 hộ có điện thoại cố định, cả làng có 125 xe máy. Làng có một đội văn nghệ biểu diễn vào các dịp lễ, tết hàng năm và giao lưu với các thôn. Đường làng, ngõ xóm được nâng cấp tu bổ, bê tông hoá. Đặc biệt, các đám cưới trong làng đã không dùng thuốc lá. Đến nay đã có 146/148 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 88,6%. Cùng với nhiều cá nhân, hàng năm 12 tổ được Làng biểu dương và khen thưởng.
Vậy vì sao lại có tình trạng làng văn hoá sức khoẻ "Có sinh mà không có dưỡng”? Và câu trả lời đã có trong thực tế là các tiêu chuẩn xây dựng “Làng
Sức khoẻ” của Bộ Y tế hầu hết đều đã có trong các qui ước của làng văn hoá hiện nay như: số hộ sử dụng nước sạch, nhà tắm hợp vệ sinh; không để xảy ra dịch bệnh ở người và gia súc; tỷ lệ phụ nữ được khám thai; có các hoạt động thể dục, thể thao rèn luyện sức khoẻ thường xuyên... chưa kể tới sự trùng lặp với các tiêu chí trong xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã. Theo Quyết định và Qui chế của Bộ Y tế thì phải thành lập thêm “Làng sức khoẻ”, nhưng có lẽ do nhận ra sự trùng lặp này, nên một số làng văn hóa có thêm chữ “sức khoẻ” đã xuất hiện.
Chúng tôi qua tham khảo nhiều người, nhiều cấp, ngành ở huyện Trấn Yên, đặc biệt là những người làm công tác văn hoá và y tế, hầu hết các ý kiến đều cho rằng: Trong qui ước của các làng văn hoá đã có sẵn các tiêu chí hướng tới nâng cao sức khoẻ của “Làng sức khoẻ”. Do vậy, ngành y tế nên có ý kiến với Bộ Y tế bổ sung thêm các tiêu chí về sức khoẻ nào còn thiếu và tham gia làm thành viên xây dựng các làng văn hoá là đủ, chứ không cần phải xây dựng thêm “Làng sức khoẻ” làm gì cho rối rắm, rồi...“bỏ chợ” như hiện nay!
Vẫn ông Cao Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND xã Nga Quán kể về lần đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên xuống xã tìm hiểu về làng văn hoá có hỏi: “Làng văn hoá sức khoẻ Ninh Thuận có nên để chữ “sức khoẻ” nữa không?”, ông thành thực: “Để cũng được, mà bỏ cũng được”. Nghe câu trả lời ấy, chắc hẳn ngành y tế không khỏi suy nghĩ...
Đào Minh
Các tin khác
Từ ngày 28/4, Quy chế học viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hình thức vừa làm, vừa học, sẽ có hiệu lực với 14 nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật được định rõ.
Nhận định các sai lầm của tòa sơ thẩm và phúc thẩm vụ án “Lập quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu (NTSH) “là nghiêm trọng”, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) vừa có kháng nghị đề nghị Tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) tuyên “cần phải hủy cả bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra”.
Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2010 vào ngày 5.4. Thí sinh diện đăng ký tuyển thẳng làm một bộ hồ sơ gửi về sở GD-ĐT trước ngày 25.6.2010.
Đây là nội dung chính của cuộc Hội thảo có chủ "Thực trạng quản lý giá thuốc tại Việt Nam" được tổ chức ngày 6/4 do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược, bệnh viện công lập, ngoài công lập ở các địa phương và các nhà nghiên cứu... để tìm giải pháp bình ổn giá thuốc phục vụ người bệnh theo hướng công khai, minh bạch.