Chính sách làm thay đổi vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/4/2010 | 2:59:15 PM

YBĐT - Song song với Chương trình 135, Chương trình 134 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn triển khai từ năm 2004 đã tác động trực tiếp, làm thay đổi đời sống của người dân ở Yên Bái.

Làng định cư Trạm Tấu
Làng định cư Trạm Tấu

Đảng luôn coi công tác dân tộc là một bộ phận trong chiến lược phát triển đất nước, coi việc thực hiện thắng lợi chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm củng cố quan hệ bình đẳng, đoàn kết vì lợi ích của cả cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Những năm qua, hàng loạt các chính sách của Đảng, Nhà nước đã đem lại diện mạo mới cho các dân tộc thiểu số, các xã vùng cao khó khăn.

Chặng đường 110 năm gắn với bao thăng trầm của lịch sử, nhưng cuộc sống của đồng bào vùng cao chỉ thực sự thay đổi từ khi có Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Bí thư Huyện uỷ Mù Cang Chải tâm sự: Mù Cang Chải có trên 48.000 dân, trong đó 90% là đồng bào dân tộc Mông. Nhờ các chính sách đầu tư của Chính phủ và của tỉnh, đời sống của người dân đã thực sự đổi thay.

Chỉ tính riêng Chương trình 135 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi được thực hiện từ năm 1999 đến nay, tổng vốn đầu tư đã lên tới trên 507,3 tỷ đồng. Hàng loạt hạ tầng cơ sở kinh tế-xã hội được xây dựng làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng cao, thay đổi đời sống người dân. Gần 10 năm triển khai, Chương trình 135 đã xây dựng được 471 công trình giao thông, 188 công trình thuỷ lợi, 211 công trình trường học, 29 trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực, 72 công trình điện dân dụng, khai hoang mở rộng 257 ha ruộng nước...

Song song với Chương trình 135, Chương trình 134 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn triển khai từ năm 2004 đã tác động trực tiếp, làm thay đổi đời sống của người dân. Hàng ngàn hộ dân vùng cao vốn không có đất sản xuất, thiếu kiến thức đã được hỗ trợ, đến năm 2009, Chương trình 134 đã thực hiện giải quyết đất sản xuất được 1.272 ha cho 5.088 hộ; giải quyết đất ở được 23,8 ha cho 1.080 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 7.664 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 30.461 hộ, xây mới được 60 công trình nước tập trung, hỗ trợ xây bể và mua téc chứa nước 17.036 cái và hỗ trợ đào 6.553 giếng khơi. Người dân ở vùng cao không chỉ những hộ nghèo được quan tâm, ngay cả những hộ khá, có điều kiện làm kinh tế cũng được quan tâm tạo điều kiện. 

Chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn (theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ) đã cho 5.825 hộ tại 8 huyện, thị trong tỉnh được vay với số vốn 126.133 triệu đồng để phát triển sản xuất kinh doanh. Chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ) đã tạo điều kiện cho 587 hộ vay số vốn 2.891 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình.

Thực hiện tốt công tác dân tộc và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc đã làm cho bộ mặt nông thôn miền núi có sự thay đổi tích cực, toàn diện. Đại bộ phận nông dân được bồi dưỡng, tiếp thu kinh nghiệm sản xuất, kiến thức khoa học vận dụng vào sản xuất và đời sống; sản lượng lương thực tăng bình quân hàng năm trên 7.000 tấn, bình quân lương thực đạt 294kg/người, cơ bản không còn tình trạng đói lưu niên ở vùng cao; số hộ đói nghèo giảm đáng kể bình quân 5% một năm, nhiều hộ đã có tích luỹ.

Các công trình cơ sở hạ tầng đầu tư đã phát huy hiệu quả, nhiều tuyến đường được mở mới đến thôn bản của các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã trong mùa khô, một số tuyến đường liên xã, thôn bản được bê tông hoá.

Các công trình thuỷ lợi đã làm tăng thêm diện tích tưới tiêu và khai hoang mở rộng diện tích 1.423 ha. Các công trình phúc lợi công cộng như chợ, trường học, trạm y tế xã, điện, nước sạch... cũng được quan tâm đầu tư, hỗ trợ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc miền núi; 60% số dân nông thôn đã được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Mạng lưới trường lớp được tăng cường, số phòng học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố tăng, xoá bỏ được tình trạng học 3 ca, tỷ lệ phòng xây đạt 89%. Hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông vùng dân tộc thiểu số được củng cố và phát triển.

Thực hiện chính sách đối với vùng cao đòi hỏi không chỉ có quyết tâm cao, nhận thức đúng mà còn phải xây dựng được những cách làm có hiệu quả, các hình thức, bước đi thích hợp với từng nơi, từng dân tộc, ở mỗi giai đoạn và thời điểm khác nhau cho phù hợp với những cơ chế, chính sách và giải pháp đồng bộ nhằm xoá đói giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất tốc độ gia tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng nhằm thực hiện mục tiêu chung.

Kết quả đạt được trong những năm qua đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, tạo niềm tin của dân với Đảng, tiếp thêm sức mạnh đưa đất nước ngày một phát triển.

Anh Dũng

Các tin khác

YBĐT - Những ngày cuối năm 1967, cả miền Bắc dồn sức chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên mọi nẻo đường ra trận, những đoàn xe phủ xanh ngụy trang lăn bánh đưa vào Nam các binh đoàn chủ lực và hàng vạn tấn vũ khí, vật chất, trong số đó, có những người con ra đi từ quê hương Yên Bái, với khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”

YBĐT - Sáng ngày 9/4/2010, tại Yên Bái, Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tập huấn hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng cho 500 giáo viên trung học cốt cán của 10 tỉnh miền núi phía Bắc.

YBĐT - Sáng 9/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động tại 15 cơ quan đơn vị hành chính nhà nước tỉnh Yên Bái năm 2010 theo Quyết định 338/QĐ-UBND ngày 18/3/2010 của UBND tỉnh.

Giờ học môn Tin học của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Trạm Tấu.

YBĐT - Trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như sau khi đất nước thống nhất, hoà bình lập lại, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm chăm lo cho sự nghiệp “trồng người” và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Nhờ vậy mà sự nghiệp giáo dục, y tế đã lớn mạnh trưởng thành về mọi mặt, góp phần tích cực vào nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục