Bồi thường, hỗ trợ cho người dân tái định cư
- Cập nhật: Thứ hai, 12/4/2010 | 1:44:57 PM
Nhà nước có chính sách mới về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư bị thu hồi đất tại vùng lòng hồ, vị trí xây dựng đập... bị thiệt hại tài sản gắn liền với đất bị thu hồi để thực hiện các dự án thủy lợi, thủy điện.
Đem đến cho đồng bào một cuộc sống ổn định, lâu dài- Ảnh: Một góc khu tái định cư Mường Chiêng (Sơn La).
|
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quy định cụ thể về chính sách nêu trên, áp dụng đối với các dự án thủy lợi, thủy điện, trừ các dự án có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Chỉ bố trí tái định cư khi đã đủ cơ sở hạ tầng + nước + đất sản xuất
Quy định nêu rõ giá trị đất ở, đất sản xuất được giao thấp hơn giá trị đất ở, đất sản xuất bị thu hồi thì hộ tái định cư được nhận phần giá trị chênh lệch. Đối với đất bán ngập trong lòng hồ hình thành sau khi tạo thành hồ chưa thuộc quỹ đất chung giao cho cấp xã quản lý, sử dụng theo quy định hiện hành.
Hộ tái định cư đến điểm tái định cư tập trung nông thôn được giao đất để làm nhà ở phù hợp với tập quán tại địa phương. Mức giao đất do UBND tỉnh quyết định. Đặc biệt, Nghị định nêu rõ yêu cầu, việc bố trí hộ đến sinh sống tại điểm tái định cư được thực hiện sau khi đầu tư xây dựng đủ các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, bảo đảm đủ đất sản xuất, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho hộ tái định cư.
Bồi thường tối đa không vượt quá chi phí đầu tư trồng mới vườn cây
Trường hợp đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý mà các tổ chức giao khoán lại cho các tổ chức khác, hộ gia đình, cá nhân khoanh nuôi tái sinh rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng hoặc trồng rừng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hợp đồng khoán, thì khi Nhà nước thu hồi đất, h ộ gia đình, cá nhân không được bồi thường về đất, nhưng được bồi thường về cây trồng trên đất.
Hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng (trừ rừng đặc dụng) có xây dựng lán trại trên đất nhận khoán được bên giao khoán đồng ý bằng văn bản và có đăng ký với UBND xã sở tại thì được bồi thường. Nhưng diện tích bồi thường không quá 200m2 sàn.
Đối với cây trồng chưa thu hoạch, có thể di chuyển đến điểm tái định cư thì được bồi thường chi phí di chuyển, chi phí trồng lại. Mức bồi thường tối đa không vượt quá chi phí đầu tư trồng mới vườn cây
Hỗ trợ xây nhà, y tế, giáo dục,...
Hộ tái định cư tập trung, tái định cư xen ghép, hộ sở tại bị thu hồi đất ở để xây dựng khu tái định cư, ngoài số tiền nhận bồi thường thiệt hại về nhà ở, công trình phụ..., còn được hỗ trợ tiền để làm nhà ở, với mức cho một nhân khẩu hợp pháp tương đương với chi phí xây dựng 5m2 sàn. Kết cấu nhà để tính mức hỗ trợ là nhà cấp IV theo tiêu chí của Bộ Xây dựng.
Cũng để ổn định đời sống cho người dân, mỗi nhân khẩu hợp pháp thuộc hộ bị thu hồi toàn bộ đất ở, đất sản xuất phải di chuyển chỗ ở được hỗ trợ lương thực trong thời gian 48 tháng; hỗ trợ y tế 1 lần với mức 30.000 đồng/khẩu để phòng chống dịch, bệnh tại nơi ở mới.
Mỗi học sinh phổ thông các cấp thuộc hộ tái định cư được hỗ trợ giáo dục bằng tiền tương đương 1 bộ sách giáo khoa và không phải đóng học phí trong năm học đầu, miễn đóng góp xây dựng trường trong 3 năm liên tục tính từ khi bắt đầu học tập tại nơi ở mới.
Mức hỗ trợ chất đốt và thắp sáng cho mỗi nhân khẩu hợp pháp của hộ tái định cư trong 1 năm đầu chuyển đến nơi ở mới tương đương với khoảng 4,5 lít dầu/ khẩu/tháng.
Để hỗ trợ trồng trọt đối với cây hàng năm, người dân được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống mới, phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu trong 2 vụ. Hộ tái định cư được hỗ trợ tiền 1 lần mua 2 con lợn giống thịt, 1 con bê nuôi lấy thịt.
Ngoài ra, gia đình chính sách đủ tiêu chuẩn theo quy định còn được hỗ trợ 1 lần với mức 2 triệu đồng/người hưởng trợ cấp. Đối với đồng bào dân tộc không có tập quán di chuyển mồ mả được hỗ trợ 1 lần kinh phí làm lễ tâm linh theo truyền thống.
Quy định trên nhằm đảm bảo người dân tái định cư có chỗ ở, cuộc sống ổn định, có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là tạo điều kiện để cuộc sống của người dân tốt hơn nơi ở cũ, ổn định lâu dài, góp phần phát triển kinh tế-xã hội-an ninh-quốc phòng của địa phương.
(Theo HNMO)
Các tin khác
YBĐT - Từ 8 – 10/4/2010, tại Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh đã tổ chức Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục thể thao ngành học Giáo dục chuyên nghiệp & Thường xuyên, năm học 2009 – 2010.
YBĐT - Là lực lượng lao động chính trong gia đình và địa phương, trong những năm qua, tuổi trẻ huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế của huyện. Trong đó, không ít đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã vượt khó vươn lên xoá đói giảm nghèo, tự tạo việc làm và làm giàu chính đáng cho gia đình và bản thân.
YBĐT - Mù Cang Chải là một trong hai huyện có tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên, tình trạng sinh con thứ 3 cao nhất trong tỉnh Yên Bái. Nhưng từ khi huyện triển khai Đề án phát triển DS/KHHGĐ giai đoạn 2009 - 2012, công tác dân số đã bước đầu đem lại những kết quả khả quan.
Bắt đầu từ ngày 11-4, nắng nóng đã xảy ra trên diện rộng ở khu vực Tây Bắc Bắc bộ, các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Định, miền Đông Nam bộ và một số nơi ở khu vực Tây Nguyên, nhiệt độ cao nhất phổ biến khoảng 34-37 độ, nhiều nơi ở Bắc Trung bộ nắng nóng gay gắt tới 38-39 độ, riêng tại Tương Dương, Con Cuông (Nghệ An) nhiệt độ vượt 40 độ.