Quy chuẩn đồ chơi trẻ em: Có cũng như không?
- Cập nhật: Thứ ba, 20/4/2010 | 2:07:51 PM
Theo quy định của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), từ ngày 15/4, đồ chơi trẻ em có dấu hợp chuẩn mới được lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm này, hầu hết mặt hàng đồ chơi trẻ em trên địa bán Hà Nội vẫn không có nhãn mác xuất xứ, không có dán tem quy chuẩn chất lượng.
|
Tràn lan đồ chơi nhập lậu
Theo khảo sát của phóng viên, cho đến thời điểm này, đồ chơi trẻ em không có dấu hợp chuẩn vẫn được bày bán tràn lan tại các cửa hàng trên các đường phố, các chợ…
Tại các cửa hàng đồ chơi trẻ ở đường Lương Văn Can, bày la liệt đồ chơi trẻ em từ robot, siêu nhân, búp bê, đao, kiếm, hạt màu (ngâm nước nở ra rất to), xe điều khiển, bộ ghép hình, máy bay, súng bắn laser... đủ kiểu, đũ cỡ và đủ dáng. Trên các hộp đồ chơi chủ yếu có in chữ Trung Quốc và không hề có bản dịch tiếng Việt hướng dẫn cách sử dụng, thành phần cấu tạo...
Giá bán thì “thượng vàng hạ cám”, từ vài ngàn đồng/món như đao, kiếm, robot nhỏ đến vài trăm nghìn đồng/món như súng bắn laser, xe điều khiển từ xa các loại, đồ chơi chạy bằng pin có phát nhạc, bộ siêu nhân, robot tháo lắp được...
Khi hỏi về những mặt hàng đồ chơi không rõ xuất xứ, không có bản phụ đề tiếng Việt thì làm sao biết cách hướng dẫn trẻ con chơi, làm sao biết chúng được làm từ chất liệu gì, có an toàn không?..., Chị Nguyễn Thanh Mai, một chủ hàng trên đường Lương Văn Can cho hay: "Cứ mang về, bọn trẻ sẽ tự biết cách chơi ngay thôi". "Từ trước đến nay đồ chơi trẻ em tôi vẫn bán vậy, tất cả mọi người đều mua, có ai hỏi đến dấu hợp chuẩn đâu?", chị Mai cho biết thêm.
Còn chị Lan, chủ một cửa hàng ở phố Yên Hòa cho biết, chị có nghe về việc thực hiện Quy chuẩn quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em nhưng những yêu cầu, quy định cụ thể đối với từng loại đồ chơi là thế nào thì chị không rõ.
Trao đổi với chị Hà, một khách hàng của cửa hàng đồ chơi trên đường Cầu Giấy cho hay, đồ chơi Trung Quốc không biết độc hại như thế nào nhưng mẫu mã đẹp bắt mắt, giá cả phải chăng nên chị vẫn mua. “Thỉnh thoảng chị phải mua đồ chơi cho bọn trẻ để dỗ cho chúng ăn nhanh, ngoan", chị tâm sự.
Theo anh Trung ở Thái Hà thì hiện nay vì đồ chơi trẻ em chưa có dấu hợp chuẩn nên người tiêu dùng phải tự lựa chọn, những đồ chơi có điện áp dưới 24v còn biết chứ còn mức độ hại thì không thể phân biện bằng mắt thường được.
|
Liệu quy chẩn có bị bỏ ngỏ?
Năm 1996, KH-CN đã ban hành một quy chuẩn về danh mục các đồ chơi trẻ em. Theo đó, cả loại đồ chơi dành cho trẻ em trên 36 tháng tuổi phải được kiểm tra cả cơ lý và chất ô nhiễm. Đối với đồ chơi dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, là lứa tuổi thường cho đồ chơi vào miệng hay ngậm, mút, cắn... thì không được chứa các hàm lượng kim loại vượt quá ngưỡng cho phép.
Đến năm 2006, có quy định loại đồ chơi cho trẻ em trên 36 tháng tuổi không cần phải kiểm tra cơ lý mà chỉ cần kiểm tra hàm lượng chất gây ô nhiễm. Thế nhưng, từ đó đến nay, Việt Nam vẫn chưa kiểm soát chất lượng mặt hàng đồ chơi trẻ em.
Đến 26/6/2009, Bộ KH-CN tiếp tục ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em nhưng phải đến 15/4/2010, quy chuẩn này mới được áp dụng. Theo đó, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh đồ chơi trẻ em khi có dán tem chất lượng của Bộ KH-CN. Theo đó, tất cả các loại đồ chơi trẻ em sẽ phải kiểm tra các chất ô nhiễm, độ pH, dung dịch, formaldehyde trong các vật liệu bằng gỗ, vải, nhựa...
Đem thắc mắc về đồ chơi trẻ em phải có dấu hợp chuẩn hỏi ban quản lý một số chợ ở Hà Nội: chợ Cầu Giấy, Nghĩa Tân,… thì ban quản lý chợ hầu như không biết thông tin này.
Ông Triệu Quang Thìn, Trưởng phòng Tổng hợp và phối hợp liên ngành, Cục Quản lý thị Trường (Bộ Công Thương) cho biết, đến thời điểm này Cục vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn về việc xử lý đồ chơi trẻ em mà Bộ KH - CN quy định nên chưa thể kiểm tra về vấn đề này.
Còn ông Tuấn Hùng, Phó Giám đốc trung tâm Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng 1 cho hay, hiện chưa có một doanh nghiệp, đơn vị nào đến Trung tâm kiểm nghiệm mức độ an toàn đồ chơi trẻ em. Mặc dù trước đây Bộ KH - CN đã có khuyến khích các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn gắn dấu hợp chuẩn lên sản phẩm nhưng chưa có doanh nghiệp nào tự giác. Do vậy, hiện vẫn chưa có sản phẩm đồ chơi trẻ em nào trên thị trường có dấu hợp chuẩn.
Lý giải về việc này, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH-CN), cho biết hướng dẫn về việc dán nhãn hợp chuẩn cho đồ chơi đã được gửi tới các tổ chức, các cơ sở sản xuất lớn và công bố trên trang web của Tổng Cục. Việc dán tem hợp chuẩn cho đồ chơi cũng tương tự dán tem hợp quy cho mũ bảo hiểm, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng ban hành mẫu dấu hợp quy, các nhà sản xuất nào được công nhận đạt chất lượng sẽ tự dán nhãn hợp chuẩn lên đồ chơi. Theo ông Vinh, nhưng tuy nhiên từ 15/4 quy định mới bắt đầu có hiệu lực nên việc tiến hành cũng phải có lộ trình, không thể làm ngay được. Còn đến bao giờ thì ông Vinh cũng không thể khẳng định được.
(Theo VNMedia)
Các tin khác
Hiện nay ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo khoảng ngày 22/4, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.
YBĐT - Hội Nông dân huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã chú trọng xây dựng và củng cố tổ chức hội như: kiện toàn những cơ sở hội yếu; nâng cao chất lượng hoạt động hội cơ sở; chỉ đạo và giao chỉ tiêu để các hội, chi hội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; gắn công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Hội với việc đảm bảo quyền lợi của hội viên.
YBĐT - Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, Trạm Tấu (Yên Bái) trực tiếp được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình 134, 135 và gần đây nhất là Chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ với mục tiêu giúp huyện giảm nghèo nhanh và bền vững.
Theo Bộ GD-ĐT, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ đến từ các trường ĐH, CĐ cả nước sẽ giảm từ 9.000 người (năm 2009) xuống chỉ còn khoảng 600 người.