Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến xã: Muốn nhưng… khó!
- Cập nhật: Thứ hai, 10/5/2010 | 9:19:22 AM
YBĐT - Tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện ở Yên Bái những năm gần đây do bệnh nhân ở các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là tuyến xã) chuyển tuyến trên diễn ra khá phổ biến. Dù biết rõ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực ở các trạm y tế chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra và ngành y tế muốn khắc phục nhưng... thực khó!
Điều trị cho trẻ bị sốt vi rút tại Trạm Y tế phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái).
|
Nếu như năm 2007, tuyến xã có trên 17 nghìn lượt người điều trị nội trú thì năm 2008 chỉ còn gần 10 nghìn lượt người và năm 2009 chỉ còn trên 8 nghìn lượt người. Đặc biệt, số bệnh nhân chuyển tuyến cũng tăng: năm 2008 trên 13 nghìn bệnh nhân chuyển tuyến, năm 2009 tăng lên trên 17 nghìn người.
Vì sao bệnh viện tuyến trên quá tải?
Theo báo cáo của Phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế Yên Bái, ở tuyến xã những năm gần đây số bệnh nhân đến khám tại trạm y tế và phòng khám khu vực tăng. Nếu như năm năm 2007 có trên 69 nghìn lượt người tới khám thì năm 2008 tăng lên trên 615 nghìn lượt và năm 2009 là trên 713 nghìn lượt. Điều này cho thấy, người dân tin tưởng vào các cơ sở y tế tuyến xã vì Yên Bái đã có trên 71% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã với trang thiết bị thiết yếu khá đủ so với qui định của trạm miền núi. Nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú tại các trạm, phòng khám giảm nhiều. Nếu như năm 2007, tuyến xã có trên 17 nghìn lượt người điều trị nội trú thì năm 2008 chỉ còn gần 10 nghìn lượt người và năm 2009 chỉ còn trên 8 nghìn lượt người. Đặc biệt, số bệnh nhân chuyển tuyến cũng tăng: năm 2008 trên 13 nghìn bệnh nhân chuyển tuyến, năm 2009 tăng lên trên 17 nghìn người.
Vấn đề này dễ lý giải vì từ trước đến nay, ở tuyến xã trên toàn quốc, các trạm y tế chỉ thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh ban đầu, chữa các bệnh thông thường, đỡ đẻ..., còn lại các bệnh, hoặc tai nạn nặng đều được sơ cứu chuyển tuyến do trang thiết bị rất thô sơ. Bởi việc đầu tư lớn cho khám, chữa bệnh tại chỗ là rất tốn kém, nguồn lực có hạn nên ngành y tế chủ yếu tập trung đầu tư cho phòng dịch ở cơ sở.
Ngoài được trang bị các bộ khám sản, phụ khoa, đỡ đẻ, các trạm có thêm bộ khám chuyên khoa răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng, mắt cùng giường, tủ, bàn tiêm và thêm một vài bộ khám thông thường như ống nghe, đo huyết áp, dụng cụ tiệt trùng, lò sấy, nồi hấp, các máy khí dung. Thêm nữa, nhiều trạm y tế dù đã đạt chuẩn nhưng chưa có phòng điều trị. Bên cạnh đó còn một nguyên nhân nữa là trình độ dân trí cũng như đời sống kinh tế của người dân đã được cải thiện đáng kể nên có xu hướng tìm tới nơi chữa bệnh có chất lượng cao hơn. Hiện nay chỉ ở các xã vùng cao, vùng sâu các bà mẹ sinh đẻ mới tới trạm xá, còn lại đều tới bệnh viện.
Nguồn nhân lực cho tuyến xã ở Yên Bái cũng là vấn đề đáng quan tâm. Năm 2009, toàn tỉnh Yên Bái có 956 cán bộ y tế xã, trong đó chỉ có 78 bác sĩ. Theo Thông tư 08 liên bộ Y tế và Nội vụ, Yên Bái đang thiếu 159 cán bộ y tế xã, chưa tính đến việc các xã có dân số cao trên 1000 dân phải tăng thêm một cán bộ. Đáng ngại nhất hiện nay là tình trạng bác sỹ sau khi được đào tạo bằng nguồn kinh phí của ngành lại không về xã theo đúng địa chỉ. Nhiều người không yên tâm công tác mà chạy đôn chạy đáo để chuyển sang ngành khác, tỉnh khác, chuyển lên tuyến tỉnh, tuyến huyện, thậm chí bỏ việc. Ông Hà Đức Minh - Trưởng phòng Tổ chức Sở Y tế cho biết: “Năm 2008, Yên Bái có 92 bác sĩ thì năm 2009 chỉ còn 78 bác sĩ. Lý do là 12 bác sĩ kia đã chuyển công tác khỏi các trạm y tế”.
Chúng tôi về Lục Yên, huyện 24/24 xã, thị trấn có trạm y tế để tìm hiểu về những khó khăn trong công tác khám chữa bệnh ở tuyến xã. Bác sĩ Hoàng Văn Liêm - Giám đốc Trung tâm Y tế không khỏi trăn trở: “Lục Yên đang khó khăn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn nguồn nhân lực. Hiện nay có 3/24 trạm xuống cấp nặng, 8/24 trạm thiếu phòng làm việc, thiếu các trang thiết bị y tế theo chuẩn qui định. Huyện có 135 cán bộ y, bác sĩ công tác ở tuyến xã, trong đó chỉ có 5 bác sĩ, còn lại là y sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng trung học, dược sĩ trung học và sơ học.
Cán bộ trạm còn thiếu do biên chế không được bổ sung, năng lực chuyên môn còn hạn chế, thiếu cán bộ chuyên khoa nên việc chẩn đoán, kê đơn thuốc điều trị cho bệnh nhân chưa hợp lý, năng lực quản lý của các trưởng trạm còn yếu. Chính vì thế mà tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú ở tuyến xã năm 2009 so với số người đến khám bệnh chỉ đạt có 2,5%, 97,5% là khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà; công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt 29,7%. Còn một nguyên nhân nữa khiến bệnh nhân chuyển tuyến là do thuốc cấp cho người tham gia BHYT tại trạm chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.
Có bệnh tại trạm y tế xã, thị trấn chúng tôi có thể xử lý được, nhưng Luật Bảo hiểm y tế không cho phép sử dụng một số loại thuốc như dịch truyền; điều trị kháng sinh với thời gian ngắn, không đủ liều cho bệnh nhân cấp tính nên phải chuyển lên tuyến trên khiến các bệnh viện huyện quá tải”.
Làm gì để giảm tải tuyến trên?
Tìm hiểu thực tế tại các trạm y tế ở các địa phương đạt chuẩn quanh khu vực thành phố Yên Bái thì thấy, nơi nào trang thiết bị khá đầy đủ, có bác sĩ thì người dân vẫn tin tưởng tới điều trị. Theo bà Nguyễn Thị Hường - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nam Cường: Bệnh nhân đến điều trị chủ yếu là viêm đường hô hấp theo mùa, tai nạn giao thông nhẹ, còn nặng mới chuyển tuyến. Số cán bộ và nhân dân tham gia bảo hiểm y tế đến khám vẫn rất đông, có ngày 5 người, có ngày tới 20 người. Hầu hết bệnh nhân đến đây đều không muốn điều trị nội trú vì phòng điều trị quá chật chội chỉ có 1 giường bệnh lại kê thêm tủ thuốc, dây truyền lạnh, làm truyền thông. Đã 5 năm nay, trạm không có bệnh nhân tới sinh đẻ”.
Những năm gần đây, từ nguồn ngân sách ngành y tế đầu tư cho các trạm xấp xỉ 1 tỷ đồng mỗi năm để bổ sung trang thiết bị và cơ sở vật chất, nhưng con số này quả thực không thấm tháp gì, bởi Yên Bái đang có tới 178 trạm y tế cần được đầu tư cùng lúc. Được biết, các trạm chuẩn ở khu vực miền xuôi, ngoài các trang thiết bị trên còn có thêm máy siêu âm xách tay và máy xét nghiệm thông thường bán tự động. Nhưng với Yên Bái hiện nay, nếu có được các trang, thiết bị này thì trình độ cán bộ cũng chưa cập. Bởi thế, để các bác sĩ yên tâm công tác tại xã, tỉnh cần có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút bác sĩ về công tác tại tuyến cơ sở.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Liêm - Giám đốc Trung tâm Y tế Lục Yên, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến xã, Lục Yên cần tuyển dụng đủ số lao động trong biên chế, phối hợp với xã hợp đồng thêm lao động ngoài định biên; điều chuyển cho mỗi trạm y tế xã ít nhất 2 cán bộ là y, bác sĩ để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh tại tuyến. Và để nâng cao trình độ quản lý cũng như chuyên môn cho xã, cùng với luân chuyển cán bộ Trung tâm tăng cường cho xã, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện đào tạo lại y, bác sĩ làm công tác khám, chẩn đoán, điều trị tại tuyến xã và các dược sĩ, dược tá về công tác dược; hướng dẫn sử dụng máy móc, thiết bị. Công tác quản lý y tế cho các trưởng, phó trạm cũng cần được huấn luyện lại. Trung tâm cũng phối hợp với UBND các xã, ngành đỡ đầu, doanh nghiệp tại địa phương kêu gọi hỗ trợ, huy động thêm nguồn lực để xây dựng bổ sung, nâng cấp phòng bệnh và phòng làm việc các trạm.
Bên cạnh sử dụng nguồn 119 và BHYT mua sắm bổ sung trang thiết bị, các xã đăng ký xây dựng mới và duy trì chuẩn quốc gia về y tế xã tiếp nhận sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế huyện để đầu tư. Huyện giải quyết dứt điểm số lao động chờ, nghỉ, năng lực yếu bằng các cơ chế phù hợp, đồng thời tạo chính sách thu hút cán bộ, bác sĩ ưu tiên vào các xã yếu, đông dân. Sở Y tế cần đầu tư cho xây dựng, nâng cấp trạm y tế, nhà công vụ cho trạm và trang thiết bị chuyên môn. Sở Nội vụ cần tăng thêm cán bộ y tế cho các xã đang thiếu theo đúng Thông tư 08 liên bộ Nội vụ – Y tế; vấn đề bảo hiểm y tế, cung cấp thuốc vật tư cần được thực hiện kịp thời, phù hợp...
Mong sao đây cũng là giải pháp chung để gỡ khó cho nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến xã ở Yên Bái.
Minh Đức
Các tin khác
Theo TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình chống lao Việt Nam, hiện nay Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao trên thế giới. Đặc biệt, mỗi ngày, Việt Nam có thêm 400 người mắc lao, 55 người chết vì bệnh lao.
Ngày 9- 5, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xác nhận, dịch tai xanh trên lợn đã xuất hiện tại tỉnh Bắc Giang, nâng tổng số các địa phương trong cả nước có dịch tai xanh là 13 tỉnh, thành phố.
Sáng 8-5, tại Ninh Bình, Bộ LĐTB-XH, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tháng hành động vì trẻ em cả nước năm 2010 với chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em”. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã đến dự.
YBĐT - Với đặc thù huyện miền núi, trình độ dân trí và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn; lao động phần lớn ở nông thôn, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã xác định đào tạo nghề phải gắn liền với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.