Cuộc sống đổi thay là nhờ Hội quan tâm
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/5/2010 | 3:09:45 PM
YBĐT - Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao, sau nhiều năm tìm hướng thoát nghèo, đến nay toàn hội đã có trên 60% số hội viên có mức sống khá và giàu, số hội viên nghèo giảm đáng kể. Tổ chức hội ngày càng được củng cố và phát triển mạnh, hoạt động của hội đã và đang góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, thay đổi diện mạo mới ở nông thôn còn khó khăn như Bình Thuận.
Mô hình nuôi lợn thịt của gia đình hội viên Vũ Ngọc Huấn, chi hội Đồng Chằm cho thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm.
|
Trước đây, ông Hoàng Văn Oanh, thôn Rẹ II, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn (Yên Bái) từng là một trong những hộ nghèo nhất nhì của thôn. Mặc dù có lao động, có đất sản xuất, song do thiếu vốn để đầu tư nên gia đình vẫn cứ đói nghèo. Tháng 5 năm 2008, được Hội nông dân xã chọn là một trong những hội viên để thực hiện chương trình cho vay giải quyết việc làm của Trung ương hội nông dân với số tiền 20 triệu đồng, ông Oanh đã đầu tư làm dịch vụ máy xay xát và chăn nuôi lợn thịt. Nhờ chăm chỉ làm ăn sau 2 năm, ông Oanh đã thoát nghèo, có bát ăn bát để, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, trả hết được vốn vay, có tích luỹ, mở rộng quy mô chăn nuôi. Không chỉ vậy, ông Oanh còn giúp các hội viên nông dân trong chi hội thôn Rẹ II về vốn, lợn giống để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Đây chỉ là một trong số những nông dân điển hình từ phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, chung sức xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận.
Hội nông dân xã Bình Thuận hiện có 887 hội viên sinh hoạt ở 19 chi hội. Những năm qua, việc đẩy mạnh áp dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi cùng với tăng cường các nguồn vốn đầu tư, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong toàn hội không ngừng phát triển. Bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 20 về việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, các cơ sở hội ở Bình Thuận đã chủ động tham mưu cho địa phương xây dựng các chương rình phát triển kinh tế, đặc biệt là việc xây dựng thí điểm các mô hình về phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho hội viên nông dân.
Để giúp hội viên có kiến thức sản xuất, kinh doanh, Hội đã phối hợp với trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ Thực vật Văn Chấn, cán bộ khuyến nông viên cơ sở, đẩy mạnh việc chuyển giao kiến thức KHKT thông qua các câu lạc bộ, các lớp khuyến nông. Mục tiêu “Xây dựng hội là then chốt, lấy phát triển kinh tế làm điểm đột phá”, từ lâu đã được các cơ sở hội lấy làm phương châm hoạt động. Chủ trương khuyến khích hội viên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng đã được các cơ sở hội không ngừng đẩy mạnh và nhân rộng thành phong trào lớn. Mỗi người một vẻ, một cách làm riêng, bằng chính nguồn lực của gia đình cộng với sự hỗ trợ của các cấp hội. nhiều hội viên đã vươn lên phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống gia đình và thoát nghèo.
Để tạo điều kiện cho các hội viên có vốn phát triển kinh tế, hội còn đứng ra tín chấp, uỷ thác vay vốn với Ngân hàng chính sách xã hội. Năm 2008, thông qua nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Hội, hội nông dân xã đã chọn 10 hội viên để triển khai thí điểm mô hình này. Hầu hết số tiền được vay đều được các hội viên sử dụng đúng mục đích và đem lại hiệu quả kinh tế. Đến nay, sau 2 năm được vay vốn, hầu hết các mô hình phát triển kinh tế của 10 hội viên đều phát huy hiệu quả. Phong trào phát triển kinh tế đã có sức lan toả lớn trong các chi hội, từ một vài mô hình nhỏ lẻ, đến nay đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: mô hình chăn nuôi, làm dịch vụ thú y của hội viên Hoàng Văn Lắm, ở Chi hội thôn Rẹ II; mô hình trồng chè, kinh doanh của hội viên Hoàng Văn Duân, ở Chi hội Quăn II; mô hình nuôi lợn thịt và cung ứng dịch vụ thức ăn chăn nuôi của hội viên Vũ Ngọc Huấn, Chi hội Đồng Chằm...
Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao, sau nhiều năm tìm hướng thoát nghèo, đến nay toàn hội đã có trên 60% số hội viên có mức sống khá và giàu, số hội viên nghèo giảm đáng kể. Tổ chức hội ngày càng được củng cố và phát triển mạnh, hoạt động của hội đã và đang góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, thay đổi diện mạo mới ở nông thôn còn khó khăn như Bình Thuận.
Thanh Tân
Các tin khác
Vượt qua 34 vòng thi cấp địa phương, các thí sinh xuất sắc của 47 tỉnh thành đã tham dự cuộc thi giải Toán ViOlympic trên mạng dành cho khối lớp 5 và lớp 9.
YBĐT - Để làm tốt công tác VSATTP, thời gian qua thành phố Yên Bái tăng cường nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị đồ dùng, phương tiện phục vụ cho việc tổ chức bán trú cho trẻ ở bậc tiểu học và mầm non...
YBĐT - Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2010 với chủ đề: Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Yên Bái đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Tháng hành động vì trẻ em năm 2010.
Sáng 13/5 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội Thảo “xây dựng Quy chế của Thủ tướng Chính phủ về trò chơi trực tuyến". Dự kiến Quy chế này sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 6/2010.