Phòng y tế cấp huyện thị: Lẽ nào chỉ phối hợp?
- Cập nhật: Thứ tư, 2/6/2010 | 2:46:16 PM
YBĐT - Trong những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng xã hội hóa. Đến nay, đã có 7 trạm y tế/ 7 xã, phường, 18 cơ sở y tế tư nhân.
Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em tại Trạm Y tế phường nguyễn Thái Học , T.P Yên Bái. (Ảnh: Quỳnh Nga)
|
Trong đó có 7 cơ sở y học hiện đại, 11 cơ sở y học cổ truyền dân tộc, 15 cơ sở dịch vụ cung ứng thuốc đáp ứng một phần nhu cầu khám chữa bệnh tại cơ sở cho nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế công tác quản lý y tế trên địa bàn đang xảy ra hiện tượng chồng chéo dẫn đến kém hiệu quả.
sau một thời gian thực hiện đã thấy rõ những hạn chế và bất hợp lý. Đó là, phòng y tế không thể hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn mà mới chỉ là cơ chế phối hợp, điều hành hoạt động giữa phòng y tế, trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa cùng cấp. Phòng y tế thị xã không điều hành được Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ vì đều là đơn vị ngang cấp.
Bất cập trong quản lý nhà nước về công tác y tế tại cơ sở
Đến Phòng Y tế thị xã Nghĩa Lộ, ông Lê Hồng Quang – Trưởng phòng y tế đã trút hết nỗi niềm “bất lực” của cơ quan quản lý về y tế cấp huyện, thị. Năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2008/NĐ-CP về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính cấp huyện. Đồng thời, liên Bộ Y tế – Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở y tế, phòng y tế thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Qua đó nêu rõ, phòng y tế là cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn huyện. Phòng y tế chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của sở y tế...
Ông Lê Hồng Quang cho biết thêm: theo Nghị định này, phòng y tế các huyện, thị có rất nhiều nhiệm vụ cụ thể như: trình UBND dự thảo các quyết định, chỉ thị, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm; đề án, chương trình phát triển y tế, cải cách hành chính, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế trên địa bàn huyện; giúp UBND cấp huyện, thẩm định các điều kiện hành nghề y tế trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật và theo phân cấp của UBND cấp tỉnh; kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, kế hoạch, đề án, chương trình, dự án và hoạt động đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ về y tế trên địa bàn huyện...
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện đã thấy rõ những hạn chế và bất hợp lý. Đó là, phòng y tế không thể hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn mà mới chỉ là cơ chế phối hợp, điều hành hoạt động giữa phòng y tế, trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa cùng cấp. Các cơ quan này hiện thuộc nhiều cấp quản lý khác nhau. UBND huyện quản lý nhà nước, sở y tế quản lý về chuyên môn nghiệp vụ.
Phòng y tế thị xã không điều hành được Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ vì đều là đơn vị ngang cấp. Dẫn chứng cụ thể nhất mà Phòng Y tế đưa ra đó là, báo cáo công tác y tế tháng 4/2010, toàn bộ công tác y tế của Phòng đều thực hiện theo cơ chế phối hợp như: phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã chủ động giám sát phát hiện dịch bệnh và chỉ đạo các trạm y tế xã, phường triển khai kế hoạch duy trì chuẩn quốc gia về y tế...; phối hợp với Trung tâm Dân số/Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ trong công tác thực hiện các dịch vụ kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình...
Cũng theo Phòng Y tế thì toàn bộ các số liệu về kết quả thực hiện các chương trình y tế như: chương trình phòng chống sốt rét, chương trình phòng chống lao, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em... đều được Phòng chủ yếu coppy số liệu theo báo cáo của Trung tâm Y tế thị xã; Trung tâm Dân số thị xã thì lúc báo cáo, lúc không. Công tác khám chữa bệnh thì không có số liệu vì Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ không có trách nhiệm báo cáo. Dẫn đến, công tác tham mưu với UBND thị xã còn chậm, thiếu chính xác và nhiều trường hợp xảy ra dịch bệnh còn không được thông báo, cho nên lúng túng trong công tác chỉ đạo điều hành công tác y tế cơ sở.
Được biết, các phòng y tế các huyện trong tỉnh cũng đang gặp tình trạng tương tự. Hiện nay, có nơi không còn một cán bộ nào, có nơi chỉ còn 1 đến 2 người do cán bộ phòng y tế chuyển công tác đi nơi khác làm việc. Lý do chuyển công tác thì nhiều, nhưng chủ yếu là do cơ chế quản lý, phối hợp điều hành phân định về công tác y tế không rõ ràng, mỗi nơi thực hiện một kiểu, chế độ đãi ngộ cho cán bộ về làm việc tại phòng y tế không có.
Cần qui hoạch lại bộ máy công tác y tế cấp huyện, thị
Ngay bây giờ, rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cấp tỉnh và UBND các huyện, thị, sớm phân định vai trò quản lý nhà nước và vai trò thực hiện. Qua thực tế tại cơ sở, chúng tôi đã tham khảo được rất nhiều ý kiến của những người làm công tác y tế ở cơ sở. Các ý kiến này, phần nào sẽ giúp ích cho các nhà quản lý cấp trên xem xét để có những điều chỉnh bổ sung trong công tác y tế cơ sở hoàn chỉnh hơn và đạt hiệu quả cao nhất.
Cụ thể, nếu theo tinh thần hướng dẫn Thông tư số 03, nên sáp nhập phòng y tế vào trung tâm y tế vừa là đơn vị sự nghiệp để vừa giúp UBND cấp huyện, thị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế và như thế sẽ tập trung được nguồn lực, tránh lãng phí về nhân lực và cơ chế điều hành được tốt hơn. Nếu vẫn giữ nguyên mô hình như hiện nay theo Nghị định 14, nên đưa trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa cùng cấp về cho UBND cấp huyện quản lý theo đúng quy định của Luật Tổ chức HĐND, UBND, đó là UBND cấp huyện quản lý các trung tâm y tế, trạm y tế; chỉ đạo và kiểm tra việc bảo vệ sức khỏe nhân dân; phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ và chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; bảo vệ, chăm sóc bà mẹ, trẻ em; thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, phải tăng nhân lực cho phòng y tế bao gồm những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm trong quản lý điều hành. Phòng y tế phải có các bộ phận quản lý từng lĩnh vực: điều trị, dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm, y dược tư nhân...
Sở y tế tham mưu giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước lĩnh vực y tế trong toàn tỉnh thì phòng y tế tham mưu giúp UBND cấp huyện, thị quản lý nhà nước lĩnh vực y tế trong toàn huyện, thị... Có như vậy, công tác quản lý y tế cấp huyện, thị mới đạt hiệu quả cao.
Nguyễn Nhật Thanh
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Hội Đông y tỉnh Yên Bái đã xây dựng và phát triển tổ chức hội rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở. Mạng lưới tổ chức hội phát triển ở 9/9 huyện, thị, thành phố với 963 hội viên, trong đó có 322 ông lang, bà mế là người dân tộc thiểu số, chiếm 29,2%.
YBĐT - Sáng nay - 2/6/2010, toàn tỉnh Yên Bái có 8.563 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT ở 21 cụm thi thuộc 35 hội đồng coi thi tại 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong đó giáo dục phổ thông có 6.827 thí sinh và giáo dục thường xuyên có 1.287 thí sinh...
YBĐT - Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn xã Gia Hội, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có 38 cặp tảo hôn. Chuyện những học sinh nơi đây nghỉ học giữa chừng để xây dựng gia đình không còn là chuyện hi hữu. Những cặp vợ chồng chưa đủ tuổi làm bố, làm mẹ này đã phải dần xa cái chữ để lo toan cho cuộc sống hằng ngày.
Sáng 2-6, hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước bước vào ngày thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp năm 2009 - 2010 với 2 môn thi ngữ văn và hóa học. Ngày 1-6, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất ở các hội đồng thi.