Người dân cần chung sức cùng nhà nước
- Cập nhật: Thứ tư, 9/6/2010 | 9:25:51 AM
YBĐT - Hiện nay, nhu cầu có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố Yên Bái ngày càng lớn. Song, số nhà văn hóa của thành phố hiện mới đáp ứng trên 40% nhu cầu với 71 nhà văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng.
Văn hóa văn nghệ trong Lễ khánh thành nhà văn hóa phố Tân Trung 2, phường Minh Tân (TP Yên Bái).
|
Một số nhà văn hóa được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ thiết thực như: tăng âm, loa đài, còn lại chủ yếu do nhân dân đóng góp. Việc quản lý và sử dụng nhà văn hóa đã phát huy tốt hoạt động văn hóa ở cơ sở như: sinh hoạt tổ dân phố, tổ chức các hoạt động của thanh thiếu niên cũng như hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
Đến nay, vẫn còn nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố chưa có nhà văn hóa hay nhà sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt đối với các xã khó khăn. Trong những năm qua, thành phố đã tích cực tạo thuận lợi về cơ chế trong việc quy hoạch xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng điều kiện để xây dựng nhà văn hóa phải là trung tâm cụm dân cư, thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt nên vấn đề tạo quỹ đất ở nhiều nơi còn hạn chế. Trong đó, gặp khó khăn nhiều nhất là 7 phường nội thành do quỹ đất khan hiếm. Điển hình như phường Nguyễn Thái Học, có 4 nhà văn hóa/11 khu dân cư, phường Yên Thịnh 3/15 khu phố có nhà văn hóa, phường Hồng Hà 3/9 khu dân cư có nhà văn hóa, phường Yên Ninh 2/11 khu phố có nhà văn hóa và phường Nguyễn Phúc có 2 nhà văn hóa/6 khu dân cư.
Không chỉ có các phường thiếu đất xây dựng nhà văn hóa mà các xã cũng không nằm ngoài thực trạng này. Giới Phiên là một trong 6 xã mới sáp nhập về thành phố gồm 6 thôn nhưng mới chỉ duy nhất thôn 2 có nhà văn hóa. Năm 2010, xã được thành phố hỗ trợ xây dựng 2 nhà văn hóa tại thôn 4, thôn 5. Nhu cầu có nhà văn hóa để tổ chức sinh hoạt đoàn thể và cộng đồng đã trở nên bức thiết với người dân địa phương. Ông Nguyễn Thạc Tác – Phó chủ tịch UBND xã Giới Phiên cho biết: “Xã Giới Phiên hiện mới chỉ thôn 2 có nhà văn hóa. Việc xây dựng nhà văn hóa luôn được chính quyền xã và nhân dân quan tâm nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên vẫn gặp khó khăn. Một số thôn từ chục năm nay luôn phải mượn địa điểm nhà dân để tổ chức hội họp. Năm 2010, chúng tôi được thành phố hỗ trợ xây dựng 2 nhà văn hóa, với 3 thôn còn lại thì địa phương phấn đấu sẽ xây dựng trong những năm tiếp theo”.
Năm 2009, thành phố Yên Bái đã đầu tư xây dựng được 17 nhà văn hóa, trong đó khối xã 10 nhà văn hóa, khối phường 7 nhà. Khuyến khích các địa phương xây dựng nhà văn hóa, thành phố đã triển khai chính sách hỗ trợ với cơ chế 50% đối với 7 phường và 70% với 10 xã, còn lại do nhân dân đóng góp. Riêng với các xã, ngoài mức 50% theo đúng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, thành phố còn hỗ trợ 20% kinh phí để giúp người dân giảm bớt đóng góp. Chủ trương xây dựng nhà văn hóa luôn được người dân hưởng ứng và nhiệt tình đóng góp. Nhiều địa phương làm tốt công tác dân vận đã vận động được người dân tích cực đóng góp kinh phí, hiến đất xây dựng nhà văn hóa như phường Đồng Tâm, xã Tân Thịnh, xã Nam Cường...
Việc triển khai xây dựng nhà văn hóa của thành phố cũng đang gặp một số khó khăn cơ bản như: san tạo mặt bằng xây dựng, huy động đóng góp của người dân còn khá lớn, đặc biệt đối với các phường. Năm 2010, thành phố đề ra kế hoạch xây dựng 25 nhà văn hóa với tổng kinh phí trên 4,2 tỷ đồng, trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ trên 2,4 tỷ đồng, còn lại nhân dân đóng góp. Với các phường, xây dựng nhà văn hóa đóng góp theo cơ chế 50 – 50 nên nếu phải đóng thêm kinh phí giải phóng và san tạo mặt bằng thì số đông các hộ gia đình không có khả năng đóng góp.
Chính vì vậy, thành phố đã hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng và san tạo quỹ đất làm nhà văn hóa. Theo đó, thành phố sẽ chi 820 triệu đồng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, san tạo quỹ đất xây dựng nhà văn hóa khu dân cư tại các phường: Yên Thịnh, Đồng Tâm, Yên Ninh, Nguyễn Phúc, Minh Tân và Nguyễn Thái Học. Còn với các xã, nhờ chủ động được quỹ đất nên thành phố vẫn hỗ trợ theo cơ chế 70 – 30.
Theo ông Đỗ Lê An – Phó phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố Yên Bái thì “Nhu cầu xây dựng các nhà văn hóa trên địa bàn thành phố rất lớn. Chủ trương xây dựng nhà văn hóa của thành phố cũng được người dân tích cực đóng góp đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn như huy động người dân đóng góp kinh phí, san tạo mặt bằng xây dựng của 7 phường. Giải quyết khó khăn này, năm 2009, thành phố đã điều chỉnh mức hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa ở các xã lên 70%. Trong năm 2010, thành phố tiếp tục hỗ trợ 100% kinh phí đền bù giải phóng, san tạo mặt bằng quỹ đất xây dựng nhà văn hóa trên địa bàn các phường”.
Để đạt mục tiêu đến năm 2015, có 100% thôn và khu phố trên địa bàn thành phố được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, ngoài việc địa phương chú trọng đầu tư, hỗ trợ cũng rất cần sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Bởi họ chính là người được hưởng lợi trực tiếp đồng thời sẽ giúp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của thành phố Yên Bái.
Bích Liên – Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - Nhằm giúp chị em đọc thông viết thạo để nâng cao kiến thức áp dụng vào đời sống và sản xuất, từ năm 2009 đến nay, hội phụ nữ các cấp đã phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo mở 39 lớp học xóa mù chữ cho gần 1400 hội viên.
Do ảnh hưởng của áp thấp nóng lục địa phát triển, hôm qua 8.6, nền nhiệt độ tại Bắc Bộ và bắc Trung Bộ tăng cao, phổ biến trong khoảng 34 - 36 độ C, một số nơi cao hơn.
YBĐT - Những năm qua Hội phụ nữ huyện Lục Yên (Yên Bái) đặc biệt quan tâm chú trọng tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của chị em phụ nữ trong huyện.
YBĐT - Phường Pú Trạng là địa bàn tập trung nhiều cơ quan của thị xã Nghĩa Lộ, có gần 2 km đường quốc lộ 32 chạy qua... gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.