Phát triển công đoàn ngoài quốc doanh: Khoảng trống
- Cập nhật: Thứ năm, 10/6/2010 | 8:46:41 AM
YBĐT - Yên Bái hiện có 884 doanh nghiệp ngoài quốc doanh (NQD), trong đó có 220 công ty cổ phần, 5 công ty có vốn đầu tư nước ngoài, 230 doanh nghiệp tư nhân... thu hút trên 23 nghìn lao động, đăng ký hoạt động kinh doanh vừa và nhỏ đang hoạt động. Nhưng có một thực trạng là đến thời điểm này chỉ có trên 10% doanh nghiệp NQD có tổ chức công đoàn và chất lượng còn nhiều điều đáng bàn. Vì sao có tình trạng này?
Thành lập tổ chức công đoàn cơ sở là cần thiết để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Trong ảnh: Giờ làm việc của công nhân tổ sách Công ty cổ phần In Yên Bái.
|
Thực trạng khó khăn
Cuối năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, các doanh nghiệp nhà nước ở Yên Bái dần đi vào cổ phần hoá, các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp NQD, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và phát triển mạnh. Điều đáng quan tâm là hiện nay, tổ chức công đoàn doanh nghiệp NQD phát triển chậm và hoạt động kém hiệu quả. Tổ chức công đoàn chủ yếu phát triển trong các doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2005, Yên Bái có 741 công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước và NQD, trong đó chỉ có 25 công đoàn cơ sở doanh nghiệp NQD. Mặc dù hiện nay Yên Bái đã có nhiều khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp vừa và nhỏ nhưng thực trạng này không mấy chuyển biến. Hết năm 2009, Yên Bái vẫn chỉ có hơn 80 doanh nghiệp NQD có tổ chức công đoàn.
Theo ông Nguyễn Hữu Khoa - Trưởng ban Tổ chức Liên đoàn Lao động tỉnh thì: “Hiện nay, nguyên nhân tình trạng các doanh nghiệp NQD không có tổ chức công đoàn hoặc có nhưng hoạt động kém hiệu quả do nhiều yếu tố.
Trước tiên là yếu tố con người. Với xu hướng phát triển hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, lực lượng lớn lao động bị chuyển dịch từ khu vực doanh nghiệp nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước, đồng thời thu hút thêm lao động mới vào làm việc tại doanh nghiệp NQD, liên doanh vốn đầu tư nước ngoài mới thành lập. Mặt khác, chất lượng lao động còn nhiều hạn chế, trình độ chuyên môn kỹ thuật của công nhân lao động còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, phần lớn công nhân từ môi trường lao động nông nghiệp, trình độ văn hóa, tay nghề thấp, chưa qua đào tạo cơ bản và có hệ thống nên khó thích nghi với cơ chế thị trường và môi trường làm việc mới; ý thức rèn luyện tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động chưa cao.
Thứ hai, hiện tại Nhà nước vẫn chưa có chế tài xử lý các doanh nghiệp vi phạm Bộ luật Lao động đã được sửa, đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007 tại Chương 13, Điều 153 có nêu rõ: "Khi doanh nghiệp đang hoạt động và mới thành lập thì sau 6 tháng phải thành lập tổ chức công đoàn...". Nhưng trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp NQD có đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn cơ sở vẫn coi như không biết gì?!".
Cùng với đó, người lao động và người sử dụng lao động còn thiếu hiểu biết về vai trò và tầm quan trọng của tổ chức công đoàn; lợi ích của một bộ phận công nhân lao động được hưởng chưa tương xứng với những thành tựu của công cuộc đổi mới và những đóng góp của họ, điều kiện làm việc nhiều nơi chưa được cải thiện, nguy cơ mất an toàn lao động cao... Vì vậy mà ở các doanh nghiệp NQD tổ chức công đoàn nếu có được thành lập phần lớn cũng hoạt động hình thức.
Nằm trong thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp NQD ở Yên Bái, anh Nguyễn Viết Hạnh - Chủ tịch công đoàn, Công ty cổ phần In Yên Bái tâm sự: “Trước đây, Công ty là xí nghiệp của Nhà nước, hoạt động công đoàn còn sôi nổi và hiệu quả. Năm 2006, Xí nghiệp chuyển đổi cổ phần hoá, hoạt động công đoàn giảm sút hẳn. Nguyên nhân là khi cổ phần hoá, thực hiện Nghị định 41 giảm biên chế một số cán bộ công đoàn trước đây đã về nghỉ, cán bộ trẻ kế cận chưa thích nghi công việc mới, kinh nghiệm còn yếu, chưa đảm đương được công việc. Mặt khác, do đặc thù công việc, cán bộ làm công tác chủ yếu kiêm nhiệm nhiều công việc. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa sâu. Vì vậy, hoạt động công đoàn còn mang tính chất gọi là... “hỏi thì báo cáo”, “không thì thôi!”.
... và giải pháp
Trước thực trạng đó, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, trong những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã xác định việc phát triển tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) khu vực NQD là nhiệm vụ quan trọng.
Qua đó, đã chủ động chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo vận động thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) ngoài quốc doanh; chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên: lập kế hoạch khảo sát hoạt động của các doanh nghiệp, tìm hiểu nắm bắt tâm lý của chủ doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, số lượng lao động, thu nhập bình quân của lao động, trụ sở của doanh nghiệp; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức cơ bản của pháp luật lao động cho các chủ doanh nghiệp và người lao động; tài liệu về Bộ luật Lao động, Điều lệ Công đoàn Việt Nam phát đến tay người lao động, giúp họ hiểu rõ hơn về pháp luật lao động, quyền và trách nhiệm khi tham gia tổ chức công đoàn; cử cán bộ về cơ sở, đến từng doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động công nhân lao động gia nhập tổ chức công đoàn và vận động chủ doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn.
Cùng với việc đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền trực tiếp đến người lao động, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn phát hành tài liệu dạng tờ rơi giới thiệu cơ bản về tổ chức công đoàn và nghĩa vụ, quyền hạn của người lao động khi tham gia. Với sự nỗ lực của các cấp công đoàn, đến nay toàn tỉnh đã có trên 80 tổ chức công đoàn cơ sở NQD, đạt trên 10% tổng số doanh nghiệp NQD có đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn. Nếu chốt ở con số này thì có thể khẳng định, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở NQD chưa theo kịp tốc độ phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Để đẩy mạnh tiến độ phát triển công đoàn NQD, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, các cấp công đoàn ở Yên Bái cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để phối hợp tốt trong việc điều tra, khảo sát về số lượng công nhân lao động, số lượng doanh nghiệp trong khu vực kinh tế NQD, đặc biệt phải xây dựng được quy chế phối hợp nhằm phát huy trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, cùng góp sức trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS NQD.
Quan trọng hơn, phải duy trì, đổi mới phương pháp hoạt động để các CĐCS tại doanh nghiệp thực sự phát huy hiệu quả, đó mới là giải pháp thuyết phục nhất để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào tổ chức công đoàn. Đồng thời cần phải có cái nhìn đúng đắn hơn về vai trò của tổ chức công đoàn, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị, tích cực tham gia vào việc giải quyết các vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống công nhân, viên chức lao động, thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội...
Như khoảng trống lớn chưa được lấp đầy, số ít ỏi doanh nghiệp NQD có tổ chức công đoàn đồng nghĩa với việc người lao động chưa được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình. Nhà nước cần sớm có chế tài xử lý các doanh nghiệp NQD cố tình không thành lập tổ chức công đoàn để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - Hội Phụ nữ Phòng Tham mưu, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình và tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy cơ quan nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nhiều hình thức, nội dung phong phú và sinh động, thu hút đông đảo hội viên tham gia.
YBĐT - Là xã không trồng cây thuốc phiện, nhưng địa bàn Phúc Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) lại nằm tiếp giáp với thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu, nên các đối tượng nghiện và các đối tượng buôn bán, trao đổi chất ma tuý thường xuyên diễn ra trên địa bàn. Phần lớn các đối tượng nghiện tập trung ở bản Thón, bản Lanh và một số thôn, bản khác.
YBĐT - Nhiều năm liên tục không xảy ra vụ việc nghiêm trọng về an ninh trật tự (ANTT), an ninh nông thôn luôn được giữ vững. Đó là nỗ lực rất lớn của Ban Công an xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên (Yên Bái) trong nhiều năm qua. Với tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, lực lượng công an xã ngày càng nhận được sự tin yêu, quý trọng của nhân dân.
Bộ GD- ĐT vừa có công văn yêu cầu các Sở GD-ĐT báo cáo tình hình học sinh phổ thông bỏ học, những nguyên nhân và biện pháp khắc phục trong năm học vừa qua để giảm tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học.