Hỗ trợ bệnh nhân nghèo khi thực hiện đồng chi trả Bảo hiểm y tế
- Cập nhật: Thứ năm, 1/7/2010 | 8:21:54 AM
Đối với cán bộ hưu trí, người nghèo chẳng may mắc bệnh phải điều trị dài ngày thì việc đồng chi trả bảo hiểm y tế khiến họ dễ rơi vào hoàn cảnh đói nghèo.
|
Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành đã được 1 năm. Một trong những điểm mới của Luật Bảo hiểm y tế là người tham gia phải cùng chi trả một phần viện phí khi điều trị. Việc đồng chi trả sẽ góp phần kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế. Thế nhưng, với những bệnh nhân nghèo mắc bệnh mạn tính, việc thực hiện đồng chi trả viện phí là một gánh nặng. Làm thế nào để đảm bảo công bằng giữa những người tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời giảm bớt khó khăn cho những bệnh nhân nghèo? Phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Y tế.
Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh sẽ hỗ trợ bệnh nhân nghèo
** Xin bà cho biết kết quả đạt được sau một năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế?
Sau 1 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã cơ bản hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện luật. Cùng với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo hiểm y tế, Bộ Y tế còn triển khai kiểm tra việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ở các bệnh viện, phát hiện những vấn đề vướng mắc, những điểm chưa phù hợp để kịp thời tháo gỡ.
Cho đến nay, đã có 35 tỉnh, thành ban hành quy chế phối hợp hoặc đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện luật. Rất nhiều tỉnh đã ban hành các quyết định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng cận nghèo và học sinh, sinh viên. Một số địa phương làm rất tốt như TP. HCM đã có quyết định hỗ trợ 15% chi phí khám chữa bệnh cùng chi trả cho đối tượng người nghèo, cận nghèo. Khánh Hoà đã có nghị quyết hỗ trợ một phần cùng chi trả viện phí 5% cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Các bệnh viện cũng triển khai hoạt động trên cơ sở nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Nhiều bệnh viện đã từng bước cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh.
** Xin bà cho biết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế?
Thứ nhất là việc phát hành thẻ bảo hiểm y tế. Đến ngày 1/1/2010, đa số các tỉnh chưa kịp phát hành thẻ mới. Việc không thống nhất trong thực hiện giữa cơ quan bảo hiểm và Bộ Y tế khiến các cơ sở khám chữa bệnh lúng túng trong khi thực hiện khám chữa bệnh. Vì thế, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ tình trạng này. Theo đó, sau 1/1/2010, tất cả các trường hợp thẻ bảo hiểm y tế còn hạn sử dụng nếu chưa được đổi hoặc chưa được cấp thẻ mới thì vẫn có giá trị sử dụng.
Thứ hai là việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Hiện nay, theo quy định của Thông tư 10, sở y tế các tỉnh, thành chịu trách nhiệm quy định nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, phân bổ số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở các địa phương. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa sở y tế và BHYT ở các tỉnh, thành chưa được chặt chẽ, nên có cơ sở được phân bổ quá nhiều thẻ, có cơ sở lại được phân bổ quá ít thẻ. Hoặc có địa phương, do nghiên cứu không kỹ đã chuyển toàn bộ số thẻ khám chữa bệnh từ các bệnh viện tỉnh xuống hết tuyến huyện, tuyến xã trong khi tuyến huyện, tuyến xã lại chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Chúng tôi cũng đã kịp thời chỉ đạo BHYT phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế thống nhất những cơ sở được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Thứ ba là thủ tục chuyển tuyến và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện nay, BHYT Việt Nam quy định thủ tục để chuyển tuyến là cơ sở khám chữa bệnh nơi bệnh nhân chuyển đến phải cung cấp bản photocopy giấy khám chữa bệnh của tuyến trước. Điều này không đúng với quy chế khám, chữa bệnh, gây phiền hà và khó thực hiện cho các cơ sở khám chữa bệnh và cả người bệnh.
** Việc đồng chi trả viện phí hiện vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận, nhất là đối với bệnh nhân nghèo bị bệnh mạn tính phải điều trị dài ngày với chi phí lớn. Vậy, quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề này như thế nào?
Chúng ta có quy định cùng chi trả nhưng chia ra các mức theo các nhóm đối tượng. Đối tượng đồng chi trả 20% rất ít, chủ yếu là 5%, thêm nữa, các địa phương cũng có các quỹ hỗ trợ cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo. Bên cạnh đó, Luật Khám chữa bệnh được thông qua đã bổ sung quy định thành lập Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh để hỗ trợ những đối tượng tham gia bảo hiểm y tế mà không có khả năng chi trả 5%.
** Thời gian tới, ngành y tế sẽ triển khai những biện pháp gì để Luật Bảo hiểm y tế thực sự đi vào cuộc sống?
Ngành y tế tập trung vào công tác tuyên truyền theo hướng nhấn mạnh vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm y tế; xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân tham gia bảo hiểm y tế; xác định trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, người dân trong tuân thủ Luật Bảo hiểm y tế, đặc biệt là trong việc cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng tập trung nghiên cứu đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm y tế. Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo, đầu tư nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến xã trở lên đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Bộ Y tế sẽ có những cuộc họp đánh giá sau một năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Xin cảm ơn bà!
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Là một trong những xã có dân số đông, lại thuộc diện xã khó khăn của huyện Trấn Yên (Yên Bái), điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Thế nhưng trong những năm vừa qua, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em của Lương Thịnh luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.
YBĐT - Sau hơn một năm triển khai giai đoạn II của Dự án “Hỗ trợ nâng cao kiến thức phòng chống bạo lực gia đình, HIV/AIDS và chăm sóc nạn nhân của bạo lực gia đình tại phường Yên Thịnh và xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái ”, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) ở hai địa phương trên đã có những chuyển biến tích cực, số vụ bạo lực gia đình giảm từ 60- 70%.
Bộ GD-ĐT cho biết Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa phê duyệt đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên 2010-2020. Theo đó, mỗi tỉnh sẽ thành lập một trường THPT chuyên với số học sinh trường chuyên đạt tỉ lệ 2% trên tổng số học sinh THPT cả nước.
YBĐT - Những năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em (BTTE) tỉnh Yên Bái đã vận động sự tham gia đóng góp của các tổ chức xã hội từ thiện, các doanh nghiệp và cá nhân có lòng hảo tâm cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Hiện nay, Yên Bái đã có 837/1.802 trẻ được hưởng lợi từ quỹ BTTE.