Nga Quán: Câu lạc bộ khuyến nông đồng hành cùng phụ nữ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/7/2010 | 3:32:23 PM

YBĐT - Được hình thành trên tinh thần tự nguyện với mong muốn để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tương trợ lẫn nhau sản xuất nông nghiệp, Câu lạc bộ (CLB) khuyến nông phụ nữ thôn Hồng Hà, xã Nga Quán (huyện Trấn Yên) sau 5 năm đi vào hoạt động đã và đang ngày càng phát huy được hiệu quả, thu hút được nhiều hội viên hăng hái tham gia.

Là một  tổ chức không nằm trong hệ thống công lập, song ngay từ khi CLB chính thức ra mắt, các thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB đã luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm đối với các thành viên. Ngoài việc sắp xếp, tổ chức, điều hành các hoạt động của CLB, những cán bộ chủ chốt này còn tận tình đến từng hộ tuyên truyền, phổ biến cho chị em trong thôn hiểu được mục đích, ý nghĩa khi tham gia vào CLB. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, từ con số 15 hội viên tham gia sinh hoạt ban đầu, nay CLB đã có trên 30 hội viên.

Với quy chế sinh hoạt 1 tháng một lần và số quỹ ban đóng góp chỉ là 500.000 đồng, Ban chủ nhiệm CLB đã nghĩ ra nhiều cách làm để sinh hoạt có hiệu quả, tiền quỹ ngày một sinh lời. CLB đã họp, thống nhất vừa lao động gây thêm quỹ, vừa dùng số tiền đó để cho các thành viên nghèo vay mua cây, con giống, vật tư phát triển kinh tế gia đình.

Trong những buổi sinh hoạt, chị em đã thảo luận nhóm về tiến bộ kỹ thuật mới, về kinh nghiệm sản xuất...Thông qua mỗi buổi sinh hoạt, nhận thức của từng thành viên đã được nâng lên, đặc biệt đã làm thay đổi nhận thức sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp, xoá bỏ tập quán canh tác lạc hậu kém hiệu quả và thay vào đó là trồng các giống cây mới, nuôi con giống mới cho năng suất, sản lượng cao và theo hướng sản xuất hàng hoá.

 Đến nay, toàn bộ CLB đã có trên 100 ha rừng bạch đàn mô, keo lai, 10 ha chè Bát Tiên, gần 3000 đầu gia cầm, trâu bò, lợn gà và trên 30 ha ruộng một vụ chuyển sang đào ao thả cá. Song song với phát triển kinh tế, các hội viên còn đảm nhận mô hình khảo nghiệm giống lúa HT1, TN4-6, lúa lai Nhị ưu 838, lúa Chiêm Hương với diện tích 1 ha và gieo trồng thử nghiệm một số giống ngô mới do Trung tâm Giống cây trồng đầu tư nhằm phát triển giống mới trên địa bàn huyện.

Để chị em sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư chăm sóc cây trồng vật nuôi hợp lý, nhất là đối với chị em dân tộc thiểu số, hàng năm, Ban chủ nhiệm CLB phối hợp với các cơ quan liên quan như: Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông huyện mở hàng chục lớp tập huấn chuyên giao khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi, chăm sóc bảo vệ rừng cho các hội viên trong CLB và nông dân.

Ngoài việc tích cực trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong lao động sản xuất, các thành viên trong CLB còn luôn tạo bầu không khí vui vẻ sau những ngày lao động vất vả bằng các hoạt động văn hoá văn nghệ và tham gia vào nhiều cuộc thi như: Hội thi “CLB phụ nữ với kiến thức khoa học kỹ thuật”; Hội thi “Nông dân sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè”; “Ngày hội xuống đồng”;  thi ném mạ do xã, huyện tổ chức đều đạt giải thưởng cao.

Bà Nguyễn Thị Hằng- Chủ nhiệm CLB Khuyến nông phụ nữ Nga Quán cho biết: Với mục tiêu áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông - lâm nghiệp, từng bước xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu và được sự quan tâm của hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của 32 hội viên là phụ nữ đã tự nguyện hình thành và duy trì hoạt động CLB, có thể khẳng định, đây là một CLB rất thiết thực nhằm giúp chị em mở rộng kiến thức, tăng cường mối đoàn kết cùng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.

Một trong những thành viên tiêu biểu của CLB đi tiên phong trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào phát triển kinh tế hộ VRAC là chị Phạm Thị Chuyến. Hiện tại, mỗi năm gia đình chị ước tính có tổng thu nhập khoảng 40- 50 triệu đồng/năm từ nguồn thu của trang trại gồm: 8 sào lúa, 2 ha keo, 6 sào chè Bát Tiên, 3 mẫu ao nuôi cá giống, cá thịt và chăn nuôi lợn thương phẩm.

Chị Chuyến tâm sự: “Những năm trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khốn khó, gạo ăn còn không đủ, thường xuyên phải độn ngô, sắn. Từ khi Đảng và Nhà nước có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn khoa học, kỹ thuật thông qua các buổi sinh hoạt CLB nên đời sống gia đình tôi ngày một khấm khá. Đặc biệt là giống lúa lai đã cho năng suất đạt trung bình từ 2- 2,2 tạ/sào, bởi vậy tháng ba ngày tám không còn đói, không phải lo ăn nữa”.

Hồng Oanh

Các tin khác
Dân quân xã Phú Thịnh thực hành tư thế quỳ bắn súng trường CKC.

YBĐT - Trên bãi tập, 35 chiến sỹ dân quân (DQ) được tập hợp, nào điều chỉnh đội hình đội ngũ, nào quán triệt bài tập. Tốp chiến sỹ mới được làm quen với súng, tháo lắp rất say mê. "Các đồng chí nhớ tháo lắp theo trình tự, đừng để thừa chi tiết đấy nhé..."- tiếng đồng chí tiểu giáo viên nhắc nhở. Mồ hôi lấm tấm trên từng khuôn mặt các chiến sỹ dưới cái nắng giữa hè. Điều đó không làm giảm đi sự hăng say luyện tập của những người lính "sao vuông" xã Phú Thịnh...

Bến xe Mỹ Đình tăng cường hàng trăm xe để đảm bảo việc đi lại cho sĩ tử

Bến xe Mỹ Đình tăng thêm 135 xe khách; bến xe Gia Lâm tăng 50 lượt xe/ngày... nhiều bến xe khác cũng rầm rộ tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại trong đợt thi ĐH, CĐ năm nay.

YBĐT - Xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) vừa ra mắt Câu lạc bộ sau cai nghiện gồm 25 thành viên. Câu lạc bộ được chia thành 4 nhóm nhỏ, sinh hoạt một tuần một lần tại nhóm và sinh hoạt toàn Câu lạc bộ mỗi tháng một lần tại UBND xã.

YBĐT - Hội CCB tỉnh Yên Bái vừa phối hợp với làng Hữu Nghị CCB Việt Nam đưa đón và tiếp nhận 14 CCB, cựu thanh niên xung phong tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh bị nhiễm chất độc da cam/điôxin về điều dưỡng tại làng Hữu Nghị CCB Việt Nam (Hoài Đức-Hà Nội).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục