Dịch tả lan nhanh
- Cập nhật: Thứ năm, 8/7/2010 | 8:09:38 AM
Ngày 7-7, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, chính thức xác nhận tỉnh Thanh Hóa có bệnh nhân tả đầu tiên. Đây là một bệnh nhân nữ 38 tuổi, tại thôn 9, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, Sở Y tế TPHCM cũng đã có báo cáo ghi nhận 3 ca mắc tả mới. Tại Bạc Liêu, ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhi dương tính với phẩy khuẩn tả.
Tại Hà Nội cũng ghi nhận thêm 5 trường hợp tiêu chảy cấp có xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả. Th.S Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương lo ngại, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có phẩy khuẩn tả bùng phát mạnh ở Hà Nội. Trong khoảng một tuần lễ, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 90 ca tiêu chảy cấp nhập viện, chủ yếu ở Hà Nội, trong đó có ít nhất 28 bệnh nhân đã được xác định mắc tả.
Qua điều tra dịch tễ, phần lớn những trường hợp mắc tả và tiêu chảy cấp nguy hiểm nhập viện đều có đều có liên quan đến thức ăn đường phố, thịt chó, rau sống, nước đá, nước hoa quả… Còn theo những nghiên cứu và điều tra mới nhất của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, độc lực của khuẩn tả đang lưu hành ở nước ta đang gia tăng, với khả năng gây bệnh cảnh lâm sàng nặng hơn, có số người lành mang trùng và thời gian mang trùng nhiều và dài hơn, khả năng tồn tại lâu hơn trong môi trường. Với đặc tính này, khả năng gây bệnh và lây lan của khuẩn tả sẽ cao hơn.
Trước nguy cơ này, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống bệnh tả. Tập trung xử lý triệt để ổ dịch, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiêu chảy cấp, điều tra thực phẩm và nguồn nước liên quan, không để lan rộng ra cộng đồng, tuyên truyền cho người dân các biện pháp chủ động để phòng chống bệnh tiêu chảy cấp.
Cùng với đó, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo mạnh mẽ, người dân thực hiện nghiêm việc ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không ăn các loại thức ăn chưa nấu chín như rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, không uống nước lã vì đây là những thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây các bệnh đường ruột, trong đó có bệnh tả. Đặc biệt, trong thời gian này với các thí sinh đang dự thi đại học, cao đẳng, nên hạn chế sử dụng thức ăn đường phố.
Cùng ngày, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, các dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng và dịch tả đã gia tăng trở lại tại TPHCM dù tốc độ gia tăng có chậm hơn các năm trước. Rất nhiều quận huyện vẫn có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao như quận 8, 9, 10, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh và Bình Tân. Trong khi đó, riêng tháng 6-2010 số ca mắc tay chân miệng mới đã tăng 4,3% so với tháng 5-2010.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ TC, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH. Đây sẽ là cơ hội để sinh viên các trường nghề có thể học lên các cấp học cao hơn và nhận bằng chính quy.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ tác động nghiêm trọng đến Việt Nam trong thời gian tới. Nhiệt độ toàn quốc tăng cao, hạn hán kéo dài và bất thường, nguồn nước ở các hệ thống sông lớn có xu hướng giảm nhanh.
YBĐT - Hưởng ứng Chiến dịch tình nguyện hè 2010, Đoàn thanh niên các huyện thị xã, thành phố và cơ sở đoàn trực thuộc trong tỉnh đã tổ chức nhiều công trình phần việc có ý nghĩa và thu được hiệu quả thiết thực.
YBĐT - Với vai trò Trưởng trạm, anh Nguyễn Văn Kính luôn hòa mình với đồng nghiệp, gương mẫu, khiêm tốn, thực hiện dân chủ khi phân công nhiệm vụ, xây dựng nề nếp làm việc đều có tập thể tham gia góp ý, trở thành nội quy của Trạm nên vừa phát huy tốt nội lực để hoàn thành tốt công tác chuyên môn vừa tham gia nhiệt tình các hoạt động của địa phương. Nội bộ đoàn kết, thân ái đã giúp Trạm Y tế xã Liễu Đô trở thành một đơn vị vững mạnh tiêu biểu trong hệ thống chính trị ở địa phương.