Yên Bái: Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình
- Cập nhật: Chủ nhật, 11/7/2010 | 9:18:59 AM
YBĐT - Trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) đã có nhiều chuyển biến tích cực và thu được những kết quả quan trọng, ghi dấu và đóng góp to lớn vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn của tỉnh Yên Bái.
Cán bộ Trạm Y tế phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) tư vấn và cấp thuốc uống tránh thai cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ trong chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ dân số.
|
Ước tính quy mô dân số năm 2010 sẽ dưới mức mục tiêu Đề án thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2001-2010 đề ra là không vượt quá 78,4 vạn người vào năm 2010. Đặc biệt sau 3 năm liên tục, từ 2006-2008, tỉnh không hoàn thành mục tiêu giảm sinh, có năm tăng sinh; năm 2009 Yên Bái hoàn thành mục tiêu giảm sinh.
Tính đến 0 giờ ngày 01/4/2009, tổng số dân của tỉnh Yên Bái là 740.905 người. Sau 10 năm, dân số tỉnh tăng thêm 61.221 người, bình quân mỗi năm tăng trên 6 nghìn người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân trong thời kỳ giữa hai cuộc tổng điều tra năm 1999 và 2009 là 0,9%/năm, giảm mạnh so với thời kỳ 1989 -1999 (mỗi năm tăng gần 10 nghìn người, tỷ lệ tăng hàng năm là 1,7%). |
Phong trào thực hiện chính sách DS/KHHGĐ được đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng tham gia. Nhất là phong trào thi đua xã, phường, thôn, bản không có người sinh con thứ 3 trở lên được duy trì và nhân rộng ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Có nhiều xã, nhiều thôn duy trì được nhiều năm liền; ngày càng có nhiều cặp vợ chồng chấp nhận quy mô gia đình ít con; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm tăng nhanh…
Kết quả công tác DS/KHHGĐ góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong các năm qua. Có được kết quả trên, trước hết khẳng định vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện các hoạt động DS/KHHGĐ. Cùng với đó là sự chủ động tích cực của hệ thống y tế - dân số các cấp trong việc tham mưu ban hành chính sách, tổ chức tuyên truyền, vận động, tư vấn, đáp ứng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân.
Theo đó, cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, cơ cấu dân số theo nhóm tuổi có sự thay đổi mạnh. Tỉnh Yên Bái đang bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao nhất, cứ 2 người trong độ tuổi lao động chỉ phải “cõng” 1 người ăn theo. Số người bước vào tuổi lao động tăng nhanh cũng đồng nghĩa tăng nhanh số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ. Hiện nay cứ 2 phụ nữ bước vào tuổi đẻ thì có 1 người ra khỏi tuổi đẻ. Bởi vậy với tiềm năng sinh đẻ lớn, theo đà dân số tiếp tục tăng trong giai đoạn tới. Nguy cơ tăng sinh trở lại vẫn còn rất lớn.
Theo đánh giá của Tổng cục DS/KHHGĐ thuộc Bộ Y tế, năm 2009 Yên Bái vẫn thuộc nhóm 20 tỉnh có mức sinh cao trong toàn quốc, tỷ suất sinh thô là 20,5%o, tổng tỷ suất sinh còn trên 2,3. Hiện trạng mức sinh ở vùng cao còn cao gấp khoảng 2 lần vùng thấp, thị xã, thành phố. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở vùng cao còn gần 50%. Rải rác ở các địa phương trong tỉnh, còn có cán bộ đảng viên, công chức, viên chức sinh con thứ 3 trở lên. |
Trước bài toán phức tạp về quy mô, cơ cấu dân số, chúng ta còn phải đối mặt với những khó khăn thách thức lớn. Đó là: mất cân bằng giới tính khi sinh, Yên Bái cũng thuộc nhóm các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh bước vào mức cao (năm 2008, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Yên Bái là 111 bé trai/100 bé gái-theo kết quả thẩm định của ngành y tế); chất lượng dân số thấp so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước (chỉ số phát triển con người HDI của tỉnh năm 2004 là 0,651, xếp thứ 55/64 tỉnh, thành phố)…
Thực trạng trên cho thấy, việc giải quyết các vấn đề về dân số cần phải có sự nỗ lực trong thời gian dài. Năm 2010 là năm cuối kỳ, thời điểm quan trọng để vừa đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm giai đoạn đã qua, đồng thời hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020, trong đó có công tác DS/KHHGĐ.
Giai đoạn tới tỉnh Yên Bái định hướng lựa chọn mục tiêu ưu tiên, đó là: tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh đối với vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao; duy trì mức sinh hợp lý đối với những vùng đã đạt mức sinh thay thế; giảm nhanh tình trạng sinh con thứ 3 trở lên; khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh; đáp ứng tốt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho người dân, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số; tận dụng “cơ cấu dân số vàng” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; quản lý dân số đáp ứng nhu cầu sử dụng chung, bảo đảm thuận tiện, văn minh trong xã hội hiện đại.
Để thực hiện được mục tiêu này, phải tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp, sự vào cuộc có hiệu quả của cả hệ thống chính trị; các mục tiêu, chỉ tiêu dân số phải được đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp; các nội dung công tác dân số phải được lồng ghép vào chương trình công tác hàng năm của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội; thực hiện tốt các giải pháp để mọi người dân được tiếp cận một cách dễ dàng, thuận lợi với các dịch vụ có chất lượng về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.
Từ chủ đề Ngày Dân số thế giới 2010 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã đưa ra là: “Mọi người đều được quan tâm”, chúng ta khẳng định một lần nữa mọi mục tiêu, chỉ tiêu DS/KHHGĐ được thực hiện có hiệu quả cao chỉ khi có sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế và sự đồng tình hưởng ứng của người dân. Do vậy, cần đẩy mạnh xã hội hóa hơn nữa công tác DS/KHHGĐ.
Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Nhân kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7/2010, YBĐT đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lương Kim Đức - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh về cơ cấu tổ chức bộ máy ngành dân số từ khi chia tách đến nay.
Sáng 9-7, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam đã thông báo kế hoạch triển khai các hoạt động quán triệt Kết luận 73-KL/TƯ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 51-CT/TƯ ban hành ngày 12-4-1989 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa VI về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam.
YBĐT - Thôn Khe Bún, xã Ngòi A , huyện Văn Yên (Yên Bái) là thôn tập trung khá đông đồng bào Dao và Tày, cũng là thôn có số gia đình công giáo cư trú nhiều nhất xã. Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước trong cuộc vận động “Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”, người dân thôn Khe Bún đã từng bước thực hiện thành công công tác DS/KHHGĐ - 15 năm liền không có người sinh con thứ 3.
YBĐT - Nằm trên trục quốc lộ 32 và là trung tâm huyện lỵ, thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) thường xuyên có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước qua lại. Đây cũng là nơi chung sống của đồng bào 6 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm khoảng 16%, dân tộc Thái 15%.