Kiện toàn tổ chức bộ máy ngành dân số là rất quan trọng
- Cập nhật: Thứ bảy, 10/7/2010 | 11:30:53 AM
YBĐT - Nhân kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7/2010, YBĐT đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lương Kim Đức - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh về cơ cấu tổ chức bộ máy ngành dân số từ khi chia tách đến nay.
Đăng ký khám thai và kế hoạch hóa gia đình tại Trung tâm y tế phường Minh Tân, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Thủy)
|
- Thưa đồng chí, từ khi bộ máy ngành DS/KHHGĐ thay đổi đến nay, công tác DS/KHHGĐ của tỉnh Yên Bái đã phát huy hiệu quả?
Sau khi giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, công tác dân số được sáp nhập vào ngành y tế. Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ các cấp mới bước đầu được củng cố và kiện toàn trở lại nhưng chưa ổn định. Cấp tỉnh, huyện còn thiếu cán bộ, một số cán bộ mới chưa có kinh nghiệm, năng lực trình độ cán bộ còn hạn chế. Tổ chức cấp xã kiện toàn chậm, hiện tại 178/180 cán bộ chuyên trách dân số/KHHGĐ xã đã được bàn giao về trạm y tế xã quản lý (trong đó có 46/178 cán bộ đủ tiêu chuẩn xếp ngạch viên chức), nhưng việc quản lý điều hành công tác DS-KHHGĐ ở một số nơi còn khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Trung ương về chức năng nhiệm vụ và biên chế làm công tác dân số của trạm y tế xã. Trước những khó khăn đó, được sự quan tâm lãnh chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Tỉnh, sự phối hợp thực hiện của các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố, thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể, công tác DS/KHHGĐ tỉnh Yên Bái thời gian qua cũng đã dần khắc phục khó khăn để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao.
- Xin đồng chí cho biết việc lồng ghép cộng tác viên và nhân viên y tế thôn, bản trong toàn tỉnh đã thực hiện đến đâu?
Ngay từ khi có chủ trương lồng ghép cán bộ dân số với nhân viên y tế thôn bản, Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc rà soát và lồng ghép có hiệu quả đối với đội ngũ cán bộ này. Đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành lồng ghép xong tại 1.674/2.101 thôn, bản, địa bàn, còn 427 thôn, bản, địa bàn chưa tiến hành.
Tại các địa bàn chưa lồng ghép (tập trung chủ yếu ở thành phố Yên Bái gồm 218 thôn, tổ, địa bàn), việc chọn cử cán bộ đi đào tạo gặp khó khăn do chế độ thù lao thấp, phải đi học tập trung dài ngày (9 tháng) nên nhiều người không muốn tham gia. Tính đến hết tháng 6/2010, mới có 875/1674 nhân viên y tế dân số được tập huấn nghiệp vụ công tác dân số (đạt 52,3%), do vậy quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác DS/KHHGĐ còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả hoạt động chưa cao. Bên cạnh đó, một số nhân viên y tế dân số thôn, bản còn quá trẻ, ít kinh nghiệm, chưa có uy tín trong cộng đồng, ở xã vùng cao phần đông là nam giới nên công tác tuyên truyền, vận động kém hiệu quả.
- Vậy ngành đã có giải pháp gì về bộ máy tổ chức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu công tác DS/KHHGĐ trên địa bàn thưa đồng chí?.
Thời gian tới, trước những thách thức đối với công tác DS/KHHGĐ, chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ và sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, trong đó giải pháp về bộ máy tổ chức là đặc biệt quan trọng. Hiện nay, Sở Y tế đang tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy công tác DS/KHHGĐ các cấp. Tại các trung tâm DS/KHHGĐ các huyện đã có đủ 6/6 chỉ tiêu biên chế theo tinh thần Thông tư 05/2008/TT-BYT.
Tại cơ sở, đề nghị bổ sung biên chế để tuyển dụng 46 cán bộ chuyên trách xã có bằng trung cấp trở lên; tiến hành đào tạo trung cấp cho cán bộ chuyên trách dân số xã đủ tiêu chuẩn (40 người); tiếp tục đào tạo theo địa chỉ 245 nhân viên y tế - dân số thôn, bản. Thực hiện nghiêm túc, kịp thời Quyết định số 612/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung kinh phí giải quyết chế độ đối với cán bộ DS-KHHGĐ xã, phường, thị trấn phải nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức ngay sau khi có hướng dẫn cụ thể của Trung ương. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, với sự ổn định về tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở, cùng việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khác, công tác DS/KHHGĐ tỉnh Yên Bái sẽ thu được nhiều thắng lợi, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dân số tỉnh nhà.
- Xin cảm ơn ông!
Ngọc Sơn (Thực hiện)
Kết thúc năm 2009, tỉnh Yên Bái hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh được giao: 0,3%o; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,281%; tỷ lệ sinh con thứ 3 là 9,5% (giảm 1,2% so với năm 2008); tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 69% (tăng 1% so với năm 2008); có 1.642/2.218 thôn, bản, tổ dân phố không sinh con thứ 3 trở lên (đạt 74%); có 20/180 xã, phường không sinh con thứ 3 trở lên (chiếm 16,1%), tăng 8 xã so với năm 2008. 6 tháng đầu năm 2010, tổng số trẻ sinh ra 5.703, tăng 341 trẻ so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó con thứ 3 trở lên là 498 trẻ, giảm 340 trẻ so với cùng kỳ năm 2009; thực hiện chỉ tiêu dịch vụ KHHGĐ: tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai là 39.790/44.300 người, đạt 89,8% kế hoạch; 45/180 xã, phường không có người sinh con thứ 3 trở lên. Cổ động tuyên truyền công tác DS/KHHGĐ tại huyện Mù Cang Chải. |
Các tin khác
Sáng 9-7, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam đã thông báo kế hoạch triển khai các hoạt động quán triệt Kết luận 73-KL/TƯ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 51-CT/TƯ ban hành ngày 12-4-1989 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa VI về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam.
YBĐT - Thôn Khe Bún, xã Ngòi A , huyện Văn Yên (Yên Bái) là thôn tập trung khá đông đồng bào Dao và Tày, cũng là thôn có số gia đình công giáo cư trú nhiều nhất xã. Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước trong cuộc vận động “Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”, người dân thôn Khe Bún đã từng bước thực hiện thành công công tác DS/KHHGĐ - 15 năm liền không có người sinh con thứ 3.
YBĐT - Nằm trên trục quốc lộ 32 và là trung tâm huyện lỵ, thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) thường xuyên có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước qua lại. Đây cũng là nơi chung sống của đồng bào 6 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm khoảng 16%, dân tộc Thái 15%.
Những ngày qua, một số địa phương đã xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp nhiễm phẩy khuẩn tả. Trong khi đó, các địa phương khác, bệnh tả đã sớm được đẩy lùi nhờ sử dụng các biện pháp đồng bộ, quyết liệt.