Tiếp nối truyền thống anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong
- Cập nhật: Thứ năm, 15/7/2010 | 9:27:10 AM
YBĐT - Ngày 15/7/1950, Bác hồ đã sáng lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác đầu tiên, khai sinh cho các tổ chức TNXP sau này. Các thế hệ TNXP đã lập nhiều chiến công xuất sắc, nhiều thành tích vẻ vang trong thời kỳ kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm nên truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP Việt Nam.
Hội viên Chi hội Cựu TNXP phường Minh Tân, thành phố Yên Bái biểu diễn văn nghệ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thanh Nghị)
|
Trong kháng chiến chống Pháp, TNXP đã góp phần bảo vệ an toàn khu vực các cơ quan đầu não của Trung ương, ở chiến khu Việt Bắc; là đội quân chủ lực xây dựng những tuyến đường huyết mạch, xung kích phá bom nổ chậm, bảo đảm giao thông thông suốt ở các tọa độ lửa, vận chuyển lương thực, vũ khí ra mặt trận và đặc biệt có đóng góp to lớn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, TNXP cùng bộ đội tiến về tiếp quản Thủ đô và các thành phố lớn, tích cực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng miền Bắc - hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.
Từ năm 1965 đến năm 1975, trong các phong trào “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc và “Năm xung phong” ở miền Nam, lực lượng TNXP đã có mặt trên hầu hết các chiến trường gian khổ và ác liệt nhất, sát cánh với bộ đội ngày đêm phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, làm lực lượng xung kích xây dựng đường Trường Sơn và các con đường chiến lược, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt từ Bắc vào Nam, làm các kho chứa, bốc xếp, vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men, quân trang... cho tiền tuyến và chi viện cho các chiến trường Lào, Căm-pu-chia.
Hàng vạn TNXP trực tiếp tham gia cùng bộ đội chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở các chiến trường biên giới và giúp nhân dân Căm-pu-chia chống lại quân diệt chủng Pôn-pốt, giải phóng hoàn toàn đất nước Căm-pu-chia. Một số đơn vị trực tiếp chiến đấu đã lập công lớn, tháo ngòi nổ, vô hiệu hóa hàng nghìn quả bom nổ chậm và bắn rơi máy bay, phá hủy xe tăng, tiêu diệt nhiều giặc Mỹ. Nhiều TNXP đã anh dũng hy sinh, quên mình để bảo vệ bộ đội, cứu chữa thương binh, chôn cất liệt sĩ. Nhiều đội viên TNXP đã được đề bạt và bổ sung vào quân đội ngay tại chiến trường. Hầu hết cán bộ, đội viên TNXP đã dâng hiến những năm tháng đẹp nhất của tuổi xuân cho chiến trường và nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, lực lượng TNXP xây dựng kinh tế được thành lập ở 35 tỉnh, thành phố với 20 vạn đội viên, làm nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế. Lực lượng này đã lao động sáng tạo, xây dựng nhiều vùng kinh tế mới, nhiều khu công nghiệp đô thị, đào đắp hàng chục triệu mét khối đất đá, hàng ngàn ki-lô-mét kênh mương, khai hoang hơn 200.000 ha đất trồng trọt, xây dựng hàng triệu mét vuông nhà ở, phá gỡ hàng ngàn quả bom mìn, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hàng vạn thanh niên. Hơn 2.000 đoàn viên thanh niên đã được kết nạp Đảng, 5.000 TNXP được đào tạo thành cán bộ quản lý, lực lượng TNXP xây dựng kinh tế đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng thời kỳ đổi mới”.
Lực lượng TNXP Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng các phần thưởng và danh hiệu cao quý: - Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1978 - Huân chương Hồ Chí Minh năm 1997 - Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1997 - Huân chương Sao vàng năm 2010 - 53 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng - Trên 100 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động…
Với đặc thù là tỉnh miền núi, cửa ngõ của Tây Bắc, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, Trung ương Đoàn đã điều động TNXP các tỉnh bạn lên Yên Bái tham gia kháng chiến và khắc phục hậu quả chiến tranh, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ và xây dựng kinh tế với tổng số 6.000 TNXP được tổ chức thành 53 đại đội. TNXP Yên Bái đã xây dựng được 72 km đường sắt Yên Bái - Lào Cai, xây dựng quốc lộ 70, tức công trường 13C Yên Bái - Bảo Yên dài 115 km; xây dựng quốc lộ 13A từ Chợ Hiên - Tuyên Quang - đèo Lũng Lô dài 100 km; xây dựng đường Trái Hút - Phong Dụ dài 20 km; xây dựng công trường 130 Sân bay Yên Bái; xây dựng đường lâm sinh dài 100 km, xây dựng các bến phà Âu Lâu, Trái Hút, Mậu A, Tô Mậu, xây dựng quốc lộ 13A từ Yên Bái đi Nghĩa Lộ, Ba Khe đi Sơn La dài 180 km. Không ngại khó khăn gian khổ, các thế hệ TNXP Yên Bái đã tiếp tục bước vào công cuộc khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất, tạo lập các vùng kinh tế mới xã hội chủ nghĩa.
(Nguồn: www.tuyengiao.vn)
Đáp ứng nguyện vọng của 35 vạn cựu TNXP, ngày 19/12/2004, Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam đã được tổ chức và trở thành thành viên chính thức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến nay, tổ chức Hội đã có ở 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 450 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và gần 5.000 xã, phường, thị trấn, thu hút hơn 30 vạn cựu TNXP tham gia.
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh, ngày 18/4/2006, Hội Cựu TNXP tỉnh Yên Bái đã được thành lập. Qua 4 năm hoạt động, Hội đã đạt nhiều kết quả trong hưởng ứng phong trào thi đua “Cựu TNXP nêu gương sáng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương Hội phát động. Đến nay, đã có 7/9 huyện, thị, thành phố và 216 xã, phường tổ chức đại hội thành lập hội, thu hút 1.400 cựu TNXP tham gia.
Tổ chức hội các cấp đã làm tốt vai trò nhân chứng lịch sử, giúp chính quyền các cấp giải quyết cho 66 cựu TNXP hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định 104/CP, 4 đồng chí hưởng chế độ chất độc da cam; 1 đồng chí hưởng chế độ thương binh, 56 đồng chí hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Hội làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội, xây dựng 10 nhà Đại đoàn kết cho cựu TNXP nghèo, thăm hỏi, tặng quà cho hội viên nhân ngày truyền thống và tết nguyên đán được 400 lượt người, tặng 21 sổ tiết kiệm, thường xuyên thăm hỏi cựu TNXP ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn, khó khăn đột xuất; thường xuyên tổ chức cho hội viên học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để nâng cao nhận thức và gắn vào thực tế công tác xây dựng tổ chức Hội. Hội Cựu TNXP tỉnh Yên Bái đã được Trung ương Hội tặng cờ thi đua xuất sắc, có 3 huyện, thị, thành phố và 3 tập thể, 5 cá nhân được tặng bằng khen của Trung ương Hội. Năm 2009, Hội được Ban chấp hành Trung ương Hội tặng Huy hiệu “Cựu TNXP làm theo lời Bác”.
Các hoạt động của tổ chức Hội đã tạo nên một sức mạnh tinh thần mới, dấy lên khí thế hào hùng của quá khứ, động viên và cổ vũ nhau tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất TNXP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội thực sự trở thành ngôi nhà chung sưởi ấm nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ nhau vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Lực lượng TNXP Việt Nam là dịp để cán bộ, hội viên cựu TNXP ôn lại lịch sử hào hùng và thêm phấn khởi, tự hào, phát huy truyền thống trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Nguyễn Văn Tỉnh - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Theo chương trình mục tiêu giảm nghèo, 6 tháng đầu năm 2010, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được Nhà nước đầu tư tổng nguồn vốn 35 tỷ đồng; trong đó: vốn Trung ương 30 tỷ, vốn địa phương gần 4,8 tỷ và vốn huy động khác 154 triệu.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Hồi 13 giờ ngày 14-7, vị trí tâm bão số 1 (Conson) ở vào khoảng 15,3 độ vĩ Bắc; 118,6 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Đông biển Đông.
Sau những tranh luận sôi nổi, chiều 14/7, Kỳ họp thứ 21 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc đặt, đổi tên cho 49 đường phố và công trình công cộng trên địa bàn.
YBĐT - Sau 4 năm triển khai Chương trình 135 (giai đoạn II) và Chương trình 134, đến cuối năm 2009, tất cả 27 xã, thị trấn ở huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có đường ô tô vào đến trung tâm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15,97%, diện mạo các xã vùng cao có nhiều khởi sắc.