Yên Bái phấn đấu làm tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trong giai đoạn cách mạng mới
- Cập nhật: Thứ ba, 27/7/2010 | 9:29:44 AM
YBĐT - Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hàng ngàn người con của tỉnh Yên Bái đã anh dũng hy sinh, góp phần giữ vững độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Đón các anh về đất mẹ. (Đưa hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồn Ca Vịnh năm 1951 về nghĩa trang liệt sĩ xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên).
|
Phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp ''Uống nước nhớ nguồn'', ''Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của dân tộc Việt Nam, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã nỗ lực thực hiện chính sách ưu đãi đối với những người có công với cách mạng, gia đình có công với cách mạng và làm tốt phong trào ''Đền ơn đáp nghĩa'', chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình có công với cách mạng ngày một tốt hơn.
Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị) tháng 4/2010.
(Ảnh: Trường Túy)
Ngoài việc thực hiện các chế độ trợ cấp ưu đãi bảo đảm đúng, đủ, kịp thời cho các đối tượng chính sách thì mọi chế độ, chính sách ưu đãi khác cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện chu đáo và đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể như chế độ chăm sóc sức khỏe, tổ chức cho người có công đi điều dưỡng tập trung tại các cơ sở điều dưỡng trong và ngoài tỉnh, điều dưỡng luân phiên tại gia đình; gặp mặt, động viên, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp những ngày lễ, tết; thực hiện các chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên là con của người có công; quản lý, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ và xây dựng, tôn tạo, tu sửa các công trình đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà bia ghi tên anh hùng liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ; xây dựng quỹ ''Đền ơn đáp nghĩa''; xây dựng "Nhà tình nghĩa" tặng đối tượng người có công khó khăn về nhà ở… có ý nghĩa thiết thực và đạt hiệu quả cao.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị É, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn.
(Ảnh: Thanh Ba)
Năm 2009, toàn tỉnh đã quản lý, chi trả trợ cấp ưu đãi kịp thời, đầy đủ cho trên 8.000 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng; thực hiện điều chỉnh trợ cấp ưu đãi theo mức quy định mới của Nhà nước cho các đối tượng theo đúng chính sách, không để xảy ra sai sót hoặc thất thoát kinh phí; xây dựng kế hoạch, tổ chức điều dưỡng sức khỏe cho trên 1.700 lượt đối tượng người có công, trong đó điều dưỡng tại gia đình 1.400 người, điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng, phục hồi sức khỏe người có công tại Sầm Sơn, Thanh Hóa và Nhà nghỉ Điều dưỡng cán bộ tỉnh trên 300 người; cấp phát trên 300 sổ trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phương tiện giả cho thương binh, bệnh binh, người có công; tiếp nhận, di chuyển hàng trăm lượt đối tượng đi, đến bảo đảm chu đáo, kịp thời; xét duyệt giải quyết trợ cấp mai táng phí cho trên 1.000 người có công từ trần, trong đó có trên 200 cựu chiến binh và kiểm tra, rà soát hồ sơ đề nghị Nhà nước cấp lại "Bằng Tổ quốc ghi công" cho trên 100 trường hợp theo đề nghị của các thân nhân liệt sỹ, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục quy định.
Với truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã được nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nhiệt tình tham gia và đạt nhiều kết quả nổi bật. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đều xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với những việc làm cụ thể, thiết thực, thể hiện sự quan tâm, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của những người có công với cách mạng, gia đình có công với cách mạng.
Một tiết mục văn nghệ của các hội viên cựu chiến binh trong chương trình “Uống nước nhớ nguồn”, kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ.
Trong những dịp lễ, tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, toàn tỉnh đã trao tặng trên 16.500 suất quà, trị giá gần 2 tỷ đồng cho các gia đình chính sách. Đồng thời tổ chức các đoàn đại biểu người có công dự hội nghị biểu dương tiêu biểu toàn quốc, báo công và gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kịp thời động viên, nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến trong thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ để mọi người học tập, noi theo. Đến nay, tất cả các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được phụng dưỡng suốt đời; duy trì, làm tốt phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ và người có công. Yên Bái đã có hơn 90% hộ gia đình người có công có mức sống trung bình trở lên so với nhân dân địa phương nơi cư trú. Qua việc xuất bản sách "Trận tuyến mới'' tập III năm 2007 đã có tác dụng tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong phong trào ''Đền ơn đáp nghĩa" trên địa bàn toàn tỉnh.
Ban Quản lý Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh vận động các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, cán bộ công nhân viên chức, người lao động và nhân dân đóng góp ủng hộ quỹ và năm 2009 đã huy động được 1.700 triệu đồng, vượt kế hoạch 200 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng mới 35 ngôi nhà tình nghĩa; sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ ở các địa phương. Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, của địa phương, đến nay, trên 50 công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh đã được chính quyền các địa phương quan tâm, chăm sóc, trở thành những công trình văn hóa - lịch sử, là nơi thăm quan, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tỉnh Yên Bái đang quản lý, thực hiện chính sách ưu đãi cho trên 6 vạn người có công với cách mạng. Trong số đó, đã có trên 50.000 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến được hưởng chế độ ưu đãi; có 82 bà mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện nay, Yên Bái có trên 8.000 đối tượng chính sách hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, gồm trên 2.300 thân nhân liệt sỹ, trên 4.700 thương binh, bệnh binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. |
Bài học từ phong trào ''Đền ơn đáp nghĩa'' ở địa phương trong những năm qua cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định công tác thương binh - liệt sĩ và người có công có ý nghĩa đặc biệt, mang tính chính trị - kinh tế - xã hội và nhân văn sâu sắc. Vì vậy, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công đã trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm và tình cảm của Nhà nước, của toàn xã hội. Chính sách của Nhà nước đã tạo động lực và là nền tảng cùng với xã hội hóa giúp cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công không ngừng vươn lên cải thiện, nâng cao đời sống.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Chấn cắt băng khánh thành nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ thiếu niên Hoàng Văn Thọ.
Bên cạnh đó, công tác thương binh - liệt sĩ và người có công luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đã nhận thức sâu sắc về việc thực hiện chính sách đối với người có công cũng như tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" thì bản thân gia đình người có công cũng không ngừng nỗ lực, phát huy nội lực, vươn lên trong cuộc sống.
Để thực hiện hiệu quả công tác "Đền ơn đáp nghĩa", trong thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục làm tốt những nội dung công việc cụ thể sau đây:
Một là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về công lao, đóng góp to lớn của các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do, hòa bình của đất nước, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn'' của dân tộc; làm tốt phong trào ''Đền ơn đáp nghĩa'', chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình có công với cách mạng, người có công với cách mạng ngày càng tốt hơn.
Hai là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương trong toàn tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, trong đó đặc biệt quan tâm đến các hộ gia đình chính sách khó khăn về nhà ở và đời sống để kịp thời có biện pháp giúp đỡ thiết thực, hiệu quả.
Ba là: Đẩy mạnh xã hội hóa phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công; thực hiện tốt phong trào xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" và vận động cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ và chiến sỹ lực lượng vũ trang tích cực ủng hộ, đóng góp xây dựng quỹ; vận động ủng hộ xây dựng "Nhà tình nghĩa" cho các gia đình chính sách; chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn; tiếp tục làm tốt công tác phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tạo điều kiện thuận lợi cho con thương binh, bệnh binh, con liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng trong học tập văn hóa, học nghề, vay vốn tạo việc làm, tham gia các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo để tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống của gia đình người có công ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Bốn là: Tiếp tục khẳng định và nâng cao hiệu quả của phong trào xây dựng các xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công; đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua giữa các xã, phường, thị trấn trong huyện và giữa các huyện trong tỉnh; phấn đấu nâng cao mức sống của người có công trên địa bàn toàn tỉnh, mục tiêu là 100% gia đình chính sách có mức sống trung bình khá trở lên so với nhân dân cùng địa bàn cư trú; có 95% xã, phường trở lên đạt tiêu chuẩn xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ và người có công.
Năm là: Định kỳ 6 tháng và hàng năm sơ kết, tổng kết để đánh giá, biểu dương, khen thưởng trong việc thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" tại các đơn vị, các cơ sở từ xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố nhằm khuyến khích, động viên các đơn vị, cá nhân tiêu biểu và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến. Đồng thời tạo điều kiện giúp các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng tham gia các hoạt động xã hội và thông qua các hoạt động này có thêm điều kiện giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Cùng với việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, các địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt việc dân chủ, công khai hóa về các lĩnh vực ưu đãi đối với người có công; thường xuyên thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn những sai sót có thể xảy ra và kiên quyết xử lý những sai phạm (nếu có) trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công để tạo lòng tin của các đối tượng chính sách, của quần chúng nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hoàng Đức Vượng - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Từ tháng 10/ 2005 đến nay, huyện Văn Chấn luôn bảo đảm nguồn kinh phí chi trả đúng, đủ, kịp thời các chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện, không để xảy ra mất mát hoặc thất thoát. Phòng LĐ,TB&XH huyện đã thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho gần 1.000 đối tượng với tổng số tiền lên tới trên 900 triệu đồng/ tháng.
YBĐT - Tối ngày 26/7/2010, trên 600 đoàn viên thanh niên trong tỉnh tổ chức đồng loạt thắp nến tri ân liệt sĩ tại 9/9 huyện thị. Đây là hoạt động “Thắp nến tri ân” trong đợt hoạt động “Tuổi trẻ tri ân các anh hùng liệt sĩ” .
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT&DL), trong giai đoạn 2006-2010, ngành thư viện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hệ thống thư viện công cộng và tới nay, cả nước đã có 9 thư viện cấp tỉnh, 220 thư viện cấp huyện được xây dựng mới với kinh phí 35-40 tỷ đồng/thư viện cấp tỉnh, 1,2-1,5 tỷ đồng/thư viện cấp huyện.
Đêm 26-7, gần 900.000 đoàn viên, thanh niên khắp mọi miền đã tổ chức thắp nến đồng loạt trên 800.000 ngôi mộ tại hơn 2.000 nghĩa trang liệt sĩ cả nước. Đây là hoạt động “Thắp nến tri ân” trong đợt hoạt động “Tuổi trẻ tri ân các anh hùng liệt sĩ” do Trung ương Đoàn phát động trong tuổi trẻ toàn quốc.