Giảm nghèo ở Nghĩa Lộ: Hiệu quả và thách thức
- Cập nhật: Thứ năm, 29/7/2010 | 2:52:04 PM
YBĐT - Sau 4 năm (2006 - 2010) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 14,7% vào cuối năm 2010.
Từ năm 2006 đến nay đã có 4.930 lao động được giải quyết việc làm.
|
Trong giai đoạn 2006 - 2010, trung bình mỗi năm Nghĩa Lộ giảm 5,12% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 31,74% (năm 2006) xuống còn 11,26% (vào năm 2009) và đây quả là một con số thực sự ấn tượng, bởi Nghĩa Lộ có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn so với một số địa phương khác trong tỉnh. Theo bà Lò Thị Huân - Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo Giảm nghèo thị xã Nghĩa Lộ đã bám sát nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo – giải quyết việc làm, Ban chỉ đạo Giảm nghèo thị xã đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cho cả giai đoạn và từng năm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, phối hợp với cơ sở triển khai chương trình, dự án giảm nghèo...
Chương trình giảm nghèo được triển khai tập trung theo 2 giải pháp chính là giảm nghèo và giải quyết việc làm. Theo đó, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực cho người dân, cho các hộ nghèo vay vốn, hỗ trợ lãi suất để phát triển kinh tế, bồi dưỡng, nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và một số ngành nghề phù hợp với điều kiện của từng vùng. Ông Hoàng Văn Huân - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã Nghĩa Lộ - thành viên Ban chỉ đạo cho biết: “Trong giai đoạn từ năm 2006 - 6/2010, Ngân hàng đã cho 6.700 hộ vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình với số tiền 63.080 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay này đã có 1.980 hộ thoát nghèo”.
Cũng theo bà Lò Thị Huân, từ nguồn vốn vay của NHCSXH, Ban chỉ đạo đã phân bổ, lồng ghép vào các chương trình khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất như: chương trình vay vốn hộ nghèo, vay vốn xuất khẩu lao động vay vốn học sinh sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường. Để giải quyết việc làm cho người lao động, thị xã đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ học phí cho người học nghề, cho vay quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm tại địa phương thông qua việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế trang trại, thành lập các hợp tác xã sản xuất ngành nghề truyền thống.
Bà Vì Thị Sâm - Phó ban chỉ đạo Giảm nghèo thị xã cho biết: “Từ năm 2006 đến nay đã có 4.930 lao động được giải quyết việc làm, hiện chỉ còn 1,5% lao động trong độ tuổi lao động là chưa có việc làm”. Với những việc làm và bước đi đúng hướng nên kinh tế thị xã đã có bước tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt gần 15%/năm. Thu nhập bình quân trên đầu người cũng tăng dần đều qua các năm. Năm 2006 là 6 triệu đồng/năm, đến năm 2009 đã tăng lên 9,31 triệu đồng/năm. Giá trị trên 1 ha canh tác từ 41 triệu đồng/ha năm 2006 tăng lên 70 triệu đồng/ha năm 2009.
Tuy nhiên theo đánh giá của Ban chỉ đạo Giảm nghèo thị xã thì mức giảm tuy nhanh nhưng không thực sự bền vững, số hộ tái nghèo và nguy cơ tái nghèo cao. Số liệu thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm có trên dưới 200 hộ tái nghèo, nghèo mới, nếu tính cả giai đoạn 2006 - 6/2010 thì con số này là 773 trường hợp. Nguyên nhân của thực trạng này, một phần là do đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên khả năng tạo việc làm rất khó khăn.
Mặt khác, do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá thành sản phẩm lại bấp bênh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thoát nghèo của những hộ có chuyển biến về kinh tế. Thực tế cho thấy, mức chênh lệch giữa nghèo và cận nghèo không đáng là bao, có khi chỉ hơn nhau vài chục nghìn đồng là đã thành hộ thoát nghèo, và khi đó lại không được hưởng các chế độ ưu đãi về vốn, đất sản xuất, xóa nhà dột nát, các chính sách về giáo dục, y tế...
Từ đó, đã kéo theo một số trường hợp cá biệt dù đã thoát nghèo nhưng không muốn công nhận để tiếp tục được nhận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, đại đa số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, canh tác còn nặng theo kiểu truyền thống, việc tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Một số hộ nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, không tự vươn lên, chưa khai thác hiệu quả mô hình kinh tế hộ gia đình.
Vấn đề giải quyết việc làm còn nhiều khó khăn do không có các nhà máy, xí nghiệp để thu hút và tạo việc làm cho người lao động. Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều cán bộ chưa thực sự nhiệt tình giúp đỡ các hộ gia đình thoát nghèo, một vài cơ sở chưa quan tâm đúng mức đối với công tác xóa đói, giảm nghèo.
Năm 2010, Nghĩa Lộ phấn đấu giảm 4% hộ nghèo, thực hiện hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 167 cho 137 hộ nghèo và để đạt mục tiêu này, Ban chỉ đạo Giảm nghèo thị xã Nghĩa Lộ sẽ tăng cường giảm sát hoạt động giảm nghèo tại các cơ sở, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, đẩy mạnh đào tạo nghề tại địa phương, xuất khẩu lao động, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, làm chổi chít, làm đệm bông lau, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ... Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp này, thị xã Nghĩa Lộ sẽ có nhiều khả năng đạt được mục tiêu đề ra.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Giờ đây Internet không còn xa lạ đối với mọi lứa tuổi. Nó trở thành một loại hình dịch vụ thông tin nhanh nhạy, đầy đủ nhất cho mọi đối tượng, mọi vùng miền, mọi dân tộc, mọi quốc gia. Với dịch vụ này, con người tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho công việc.
Tin từ Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết, thành công của Dự án thí điểm, theo bản thoả thuận đã được ký kết, Việt Nam tiếp tục xây dựng Dự án mở rộng “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam”.
YBĐT - Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, Ban chỉ đạo huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã xây dựng kế hoạch thực hiện, có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đoàn thể và các địa phương.