65 năm trưởng thành, đi lên cùng đất nước
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/8/2010 | 2:39:45 PM
YBĐT - Để đảm nhiệm và hoàn thành được trọng trách của mình, ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh Yên Bái cần tiếp tục quan tâm tới nhân tố con người, quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn tốt, có kỹ năng thành thạo, có đạo đức phù hợp với lĩnh vực công tác của ngành...
Đồng chí Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội nói chuyện truyền thống đoàn viên thanh niên của Sở tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị.
|
PV: Thưa ông, xin ông phác họa vài nét về lịch sử ra đời của ngành LĐ-TB&XH cũng như những bước trưởng thành, đi lên của ngành LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái?
Ông Hoàng Đức Vượng: Ngày 28/8/1945, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký tuyên cáo thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong số 13 bộ đầu tiên của Chính phủ đã có các Bộ phụ trách công tác LĐ-TB&XH, là tiền thân của Bộ LĐ-TB&XH ngày nay. Trưởng thành cùng đất nước, qua 65 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái từ một bộ phận nhỏ trong Ủy ban Hành chính tỉnh Yên Bái đã trở thành một trong những ngành công tác mũi nhọn, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các vấn đề về lao động, thương binh và xã hội với đội ngũ cán bộ đông đảo, có trình độ và luôn tận tâm với công việc. Ngành LĐ-TB&XH Yên Bái đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước cũng như tỉnh Yên Bái qua các thời kỳ.
Giai đoạn 1945 - 1975, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Yên Bái, bộ phận Lao động thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh nắm nguồn lao động, nguồn nhân công cùng cấp ủy, chính quyền động viên nhân dân tham gia chống giặc đói, giặc dốt; tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược; hăng hái tham gia lao động sản xuất, tích lũy quân lương phục vụ kháng chiến. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhiệm vụ của toàn Đảng và toàn dân lúc này là vừa xây dựng đất nước vừa củng cố lực lượng để bảo vệ thành quả cách mạng. Yên Bái lúc này tập trung xây dựng, kiến thiết lại cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, phục hồi sau chiến tranh.
Giai đoạn 1976 - 1991, ngành LĐ-TB&XH có sự thay đổi do năm 1976, tỉnh Yên Bái hợp nhất với tỉnh Lào Cai và Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Các Ty Lao động tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ sáp nhập thành Ty Lao động tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Giai đoạn 1991 - 2010, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII về việc chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, tháng 10/1991, tỉnh Yên Bái được tái lập.
Suốt chặng đường 65 năm, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt công tác lao động, góp phần cho kháng chiến thắng lợi và xây dựng đất nước qua các thời kỳ. Công tác thương binh - liệt sĩ và người có công trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước được ngành thực hiện hiệu quả. Công tác xã hội cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước; bảo vệ và chăm sóc trẻ em được chú trọng. Các phong trào thi đua luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của ngành.
- Những năm gần đây, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái đã phát huy truyền thống, thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo và triển khai có hiệu quả, toàn diện công tác lao động - xã hội và người có công. Ông có thể cho một vài đánh giá về công tác này?
Nối tiếp truyền thống, những năm gần đây, đặc biệt giai đoạn 2005 - 2010, ngành đã tham mưu cho tỉnh các giải pháp để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của tỉnh trong các thành phần kinh tế. Hằng năm, ngành giao chỉ tiêu giải quyết việc làm cho các huyện, thị, thành phố; quản lý, phân bổ nguồn vốn quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm; phê duyệt các dự án quản lý nguồn nhân lực; triển khai thực hiện chính sách đối với người lao động; các dự án phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, ngành tham mưu cho tỉnh phê duyệt quy hoạch, phát triển hệ thống dạy nghề gắn với đặc điểm và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng; phê duyệt các dự án đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, lao động người dân tộc; triển khai nghị quyết của Đảng về xã hội hóa công tác giáo dục và đào tạo; phân công, phân cấp trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý nhà nước về dạy nghề; ban hành điều lệ và qui chế hoạt động của các trường dạy nghề trên địa bàn.
Ngành còn tham mưu kịp thời việc triển khai các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chăm sóc người có công, bảo đảm cho các gia đình chính sách có đời sống vật chất, tinh thần bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân ở nơi cư trú. Ngành tham mưu cho tỉnh ban hành Qui chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, giúp cho việc quản lý, xây dựng và chăm sóc các công trình này tốt hơn.
Ngành cũng đã tham mưu cho tỉnh phê duyệt mục tiêu Chương trình giảm nghèo hàng năm và trên cơ sở đó nâng cao trách nhiệm, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể quần chúng trong thực hiện chương trình; hướng dẫn các địa phương phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế thông qua các dự án kinh tế - xã hội, hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm theo nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Ngành thường xuyên khảo sát, nắm vững tình hình đời sống của nhân dân, nhất là thời kỳ giáp hạt ở vùng cao, vùng bị thiên tai để tham mưu cho tỉnh phương án và các biện pháp thực hiện cứu trợ, khắc phục hậu quả kịp thời. Công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, các đối tượng yếu thế trong xã hội được ngành tham mưu có hiệu quả.
- Ngành đã tham mưu cho tỉnh xây dựng 4 đề án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 theo nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh bước đầu đem lại kết quả khả quan, thưa ông?
Các đề án như: “Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm giai đoạn 2006 - 2010”, “Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động dạy nghề tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010”, “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và thí điểm tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai nghiện tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010” và “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010” đều đã được thực hiện, góp phần ổn định và bảo đảm việc làm cho lực lượng lao động hiện có của địa phương hàng năm.
Qui mô đào tạo nghề toàn tỉnh đã tăng mạnh, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề nâng lên từ 13 cơ sở năm 2005 lên 21 cơ sở năm 2010. Đặc biệt, việc thành lập Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp Nghề Yên Bái và thành lập Trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Dạy nghề Nghĩa Lộ đã góp phần nâng cao qui mô đào tạo ở trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề của tỉnh. Đáng mừng là đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo tiếp tục được nâng lên một bước; cơ sở hạ tầng ở vùng cao, vùng sâu tiếp tục được cải thiện, tạo chuyển biến tích cực ở nông thôn miền núi.
Bên cạnh đó bước đầu thí điểm tổ chức cai nghiện gắn với dạy nghề, tạo việc làm đã có bước tiến triển tích cực. Thông qua lao động, sản xuất, sức khỏe của các đối tượng được nâng lên đồng thời tạo ra thu nhập, bảo đảm chi phí trang trải sinh hoạt cho đối tượng, giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách tỉnh.
- Xin ông cho biết, ngành LĐ-TB&XH tỉnh rút ra những bài học kinh nghiệm gì để thực hiện ngày một tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, công tác thi đua giữ vai trò quan trọng làm nên những thành tựu của ngành. Do vậy, phát huy các thành tích đạt được 65 năm qua, những năm tới, ngành tập trung vào 5 vấn đề:
Một là: Cần tăng cường nhận thức cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức về vai trò của công tác thi đua - khen thưởng hiện nay đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và các đoàn thể quần chúng luôn phối hợp chặt chẽ, lồng ghép các phong trào thi đua.
Hai là: Nội dung của các đợt phát động thi đua phải cụ thể, sát thực với yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị trên cơ sở đăng ký các chỉ tiêu thi đua hàng năm.
Ba là: Công tác khen thưởng phải kịp thời, động viên, khích lệ những gương điển hình tiên tiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, tạo ra động lực mới cho phong trào thi đua.
Bốn là: Công tác thi đua - khen thưởng luôn gắn với việc xây dựng cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể vững mạnh. Vì vậy, phải luôn xác định rõ, mục tiêu quan trọng là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công tác được giao để làm động lực thúc đẩy các phong trào thi đua.
Năm là: Tiếp tục nhân rộng các các điển hình tiên tiến, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò thi đua của các cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo.
- Xin cảm ơn ông!
Để đảm nhiệm và hoàn thành được trọng trách của mình, ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh Yên Bái cần tiếp tục quan tâm tới nhân tố con người, quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn tốt, có kỹ năng thành thạo, có đạo đức phù hợp với lĩnh vực công tác của ngành, tham mưu xây dựng và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành về dạy nghề, việc làm, quan hệ lao động, giảm nghèo, chăm sóc phụng dưỡng người có công, bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội. Trên cơ sở đó tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiết kiệm, sử dụng ngân sách có hiệu quả; khai thác, lồng ghép mọi nguồn lực, huy động sự tham gia của các ngành, các cấp và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp. |
Minh Đức (Thực hiện)
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 53 quy định chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) tham gia kháng chiến chống Mỹ từ ngày 30.4.1975 trở về trước có dưới 20 năm công tác trong CAND đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.
Ngày hôm nay (27/8) và hai ngày nghỉ cuối tuần, các tỉnh miền Bắc sẽ chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp gây mưa trên diện rộng kèm theo hiện tượng thời tiết nguy hiểm như tố lốc và gió giật mạnh; các khu vực miền núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất đá.
YBĐT - Hết năm 2009, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực trên 2.000 tỷ đồng đầu tư cho các lĩnh vực giảm nghèo; số hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 54.140 hộ xuống còn 28.152 hộ (giảm 25.991 hộ nghèo); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,71% năm 2006 xuống còn 15,74% năm 2009, vượt gần 3% so với kế hoạch giảm nghèo cả giai đoạn đặt ra tới năm 2009.
YBĐT - Hiện toàn tỉnh Yên Bái đã xây dựng được 1.053 nhà văn hóa thôn, bản, khu phố, 9/9 huyện, thị xã, thành phố có sân vận động, 150/180 xã, phường, thị trấn có sân bãi tập luyện thể dục thể thao, có 4 bể bơi, 25 nhà thi đấu tập luyện thể thao ở cấp tỉnh và cấp huyện.