Cả xã làm khuyến học

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/8/2010 | 3:23:30 PM

YBĐT - Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được Đảng bộ và các chi bộ Đảng trong xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) đưa vào nội dung chương trình công tác hàng tháng. Đến nay 100% các thôn, bản có chi hội khuyến học, 94% số hộ gia đình tham gia công tác khuyến học.

Học sinh Trường THCS xã Việt Thành (Trấn Yên) lao động dọn vệ sinh chuẩn bị đón năm học mới. (Ảnh: Quang Thiều)
Học sinh Trường THCS xã Việt Thành (Trấn Yên) lao động dọn vệ sinh chuẩn bị đón năm học mới. (Ảnh: Quang Thiều)

Hội Khuyến học xã đã được hội khuyến học các cấp khen thưởng, công nhận là đơn vị đứng đầu trong công tác khuyến học của thị xã Nghĩa Lộ. Đảng bộ, chính quyền xã 15 năm liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, chính quyền vững mạnh.

Hội Khuyến học xã Nghĩa An thành lập và hoạt động từ tháng 1 năm 2004. Tại Đại hội khuyến học, xã đã xây dựng nghị quyết và chương trình hoạt động toàn khóa, xây dựng quy chế hoạt động của Hội, phân công rõ nhiệm vụ cụ thể của mỗi ủy viên phụ trách từng lĩnh vực, phụ trách từng thôn, bản, từng cơ quan, đơn vị, trường học.

Toàn xã hiện nay có 12 chi hội khuyến học ở 8/8 thôn, bản; 3/3 đơn vị trường học và 1 chi hội thuộc chi bộ cơ quan xã với 847 hội viên khuyến học ở 94% số hộ gia đình trong xã. Hội Khuyến học xã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, công tác dân vận, đã xây dựng và duy trì hoạt động của các dòng họ khuyến học, tiêu biểu như các dòng họ: Hoàng, Hà, Lường, Chu, Điêu, Vì, Lò... đã đạt danh hiệu dòng họ khuyến học. Năm 2009, 75% số hộ được công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình hiếu học.

Năm 2010 có thêm nhiều dòng họ đăng ký dòng họ khuyến học và gia đình hiếu học. Để đảm bảo duy trì, hoạt động có hiệu quả trong công tác khuyến học, ngay từ khi thành lập, Hội Khuyến học xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động toàn dân xây dựng quỹ khuyến học. Căn cứ vào điều kiện của một xã thuần nông, Hội đã tổ chức vận động xây dựng quỹ khuyến học bằng thóc, số thóc thu được làm hợp đồng gửi tại kho hợp tác xã, hàng năm thu số tiền lãi chi cho công tác khuyến học, bảo toàn vốn. Đến nay quỹ khuyến học bằng thóc có 27,5 tấn, trị giá khoảng 124 triệu đồng và quỹ khuyến học bằng tiền đã gửi tiết kiệm 36 triệu đồng, tổng số quỹ khuyến học của xã là 160 triệu đồng. Việc sử dụng quỹ khuyến học đúng quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả và được công khai tài chính.

Ngoài việc xây dựng quỹ, Hội Khuyến học xã đã vận động toàn dân ủng hộ xây được 500m2 tường rào cho 2 nhà trường và làm sân cho trường mầm non của xã. Hàng năm vào dịp đầu năm học, các ngày lễ, tết, tổng kết năm học, Hội đều tổ chức gặp mặt động viên và khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên giỏi, học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi, các em thi đỗ vào các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, khen thưởng tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài, chi hỗ trợ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh nghèo vượt khó học tốt.

Đến nay, Hội Khuyến học xã đã khen thưởng cho 24 tập thể, 58 cá nhân với số tiền 32 triệu đồng, khen thưởng học sinh giỏi và hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 13 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học 10 triệu đồng, khen thưởng các chi hội, dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học gần 12 triệu đồng. Ngoài ra Hội còn thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn dân tích cực học tập với khẩu hiệu: "Học để nâng cao dân trí và nâng cao chất lượng cuộc sống, học để có nghề và có việc làm, học để làm cho xã giàu lên, xóa được đói nghèo".

Nhờ đó, trong 4 năm qua có 5 cán bộ xã đã học xong và đang học đại học, 18 cán bộ học trung cấp chuyên môn, 6 đồng chí học trung cấp chính trị, 21 đồng chí được bồi dưỡng quản lý nhà nước, 32 đồng chí học sơ cấp chính trị, 92% số cán bộ thôn, bản được học các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ làm bí thư chi bộ, làm trưởng thôn bản, 50 cán bộ đoàn thể được học giáo dục quốc phòng.

Kinh nghiệm từ công tác khuyến học ở xã Nghĩa An cho thấy để công tác khuyến học đến được với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và thực hiện có hiệu quả thì công tác dân vận, công tác tuyên truyền miệng, tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ chốt, của đảng viên, của già làng, trưởng bản phải hàng đầu, phải gần dân “nói cho dân hiểu”, phải “làm cho dân tin”; khuyến học phải trở thành hoạt động thường xuyên trong từng gia đình, ở mỗi người và phải “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.

    Vũ Đình Xuất- (Hội Khuyến học thị xã Nghĩa Lộ)

Các tin khác
Thầy cô và học sinh của Trường đang khẩn trương dọn dep, lau rửa trong phòng học để kịp vào năm học mới.

YBĐT - Chắc chắn năm học mới khó có thể bắt đầu suôn sẻ trước mối nguy hiểm lớn, đang rình rập tính mạng của hàng trăm học sinh và giáo viên của Trường tiểu học Hồng Ca II, huyện Trấn Yên (Yên Bái).

YBĐT - Sau 5 năm thực hiện kế hoạch tổng thể phòng, chống ma tuý (giai đoạn 2005 - 2010), đến nay, Hội Phụ nữ huyện Lục Yên đã xây dựng được 37 câu lạc bộ (CLB) tuyên truyền phòng chống ma tuý, tệ nạn xã hội.

Một buổi học của học sinh Trường Tiểu học-THCS Sùng Đô (Văn Chấn).

YBĐT - Thực hiện Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2010- 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho tỉnh phê duyệt xây dựng Đề án.

Trấn Yên mỗi năm có trên 2.000 gia đình hiếu học/ Mới có 39 xã, phường đạt chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục