Giải quyết giáo viên dôi dư: Những vấn đề sau giám sát
- Cập nhật: Thứ tư, 1/9/2010 | 2:14:28 PM
YBĐT - Ngay sau khi Nghị quyết số 11 có hiệu lực, UBND tỉnh Yên Bái và các cơ quan chuyên môn đã tập trung ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và tổ chức hội nghị quán triệt nghị quyết tới nhân dân. Cho đến nay, UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng đã ban hành 13 văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan đến vấn đề giải quyết giáo viên dôi dư.
Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Yên Bái). (Ảnh: Thanh Thủy)
|
Trên cơ sở đó, 9/9 huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án và 100% cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện chính sách giải quyết giáo viên dôi dư.
Căn cứ vào các tiêu chí cơ bản như: năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, sức khỏe... các cơ sở giáo dục đã tổ chức đánh giá giáo viên, chia thành 4 loại: xuất sắc, khá, trung bình, yếu kém. Tính đến tháng 9/2009, toàn tỉnh có 12.029 giáo viên trong biên chế, qua kết quả xếp loại có 92% đạt từ trung bình trở lên, 3% kém và 5% không xếp loại. Sau khi xác định chính xác số giáo viên dôi dư, các cơ sở giáo dục đã tiến hành điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, chuyển đổi công việc, đào tạo lại, giải quyết cho nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 132, nghỉ thôi việc, nghỉ chờ....
Sau 10 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 (từ tháng 9/2009 đến tháng 6/2010), toàn tỉnh đã giải quyết được 629 người, đạt 43,5% so với số giáo viên dôi dư hiện có, trong đó: nghỉ hưu và nghỉ theo Nghị định 132 là 501 người, tổng kinh phí chi trả trên 42 tỷ đồng; tổ chức đào tạo lại, chuyển đổi công việc khác, điều chuyển 128 người. Song song, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo công tác đổi mới cơ chế quản lý biên chế giáo dục theo hướng đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục. UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị ban hành quyết định, quy định chức năng, nhiệm vụ của phòng giáo dục - đào tạo theo Thông tư 35.
Tiếp đó, tháng 7/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 13 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Yên Bái (gọi tắt là Quyết định 13). Đến nay, có 100% đơn vị trường học được giao quyền tự chủ về quản lý biên chế. Thông qua thực hiện Thông tư 35, Quyết định 13 đã giúp cho các cơ sở giáo dục chủ động sử dụng biên chế, góp phần nâng cao chất lượng giáo viên.
Tuy nhiên, qua giám sát, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh đã phát hiện không ít khó khăn, tồn tại trong công tác giải quyết giáo viên dôi dư. Cụ thể là sau khi sắp xếp hệ thống trường lớp, quy mô học sinh tăng lên lại phát sinh những khó khăn mới. Ở các xã vùng cao, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, học sinh phải đi học xa đã ảnh hưởng đến chất lượng học tập, thậm chí có nơi học sinh bỏ học. Ngược lại, ở các xã vùng thấp, có điều kiện thuận lợi để tăng quy mô học sinh nhưng diện tích phòng học lại quá hẹp (có nơi phòng học 36m2 nhưng số lượng học sinh từ 35 - 40 em).
Thời gian thực hiện Nghị quyết 11 chỉ còn hơn 1 năm nhưng số lượng giáo viên dôi dư còn tồn đọng tương đối lớn (trên 800 người). Điều đáng lưu ý là tình trạng thừa, thiếu, không đồng bộ về cơ cấu giáo viên vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều bậc học. Đặc biệt là ở các huyện vùng thấp, số giáo viên dôi dư tương đối lớn, trong đó có nhiều người tuổi đời còn trẻ, có trình độ, năng lực nhưng lại thuộc cơ cấu môn thừa nên rất khó giải quyết. Một thực tế nữa là, phần lớn số giáo viên dôi dư được giải quyết trong thời gian vừa qua chủ yếu áp dụng cho nghỉ theo Nghị định 132/CP của Chính phủ (có 440/629 người, chiếm 70%).
Qua giám sát cho thấy, nhiều nơi xét duyệt giáo viên nghỉ theo Nghị định 132 chủ yếu căn cứ vào độ tuổi, còn các tiêu chí khác như: năng lực chuyên môn, cơ cấu môn học... chưa được coi trọng, dẫn đến không ít giáo viên có năng lực và trình độ chuyên môn cao, thậm chí thuộc cơ cấu bộ môn thiếu nhưng vẫn cho nghỉ. Những bất cập này đã gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và khó khăn cho công tác đào tạo giáo viên. Phương án điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết giáo viên dôi dư nhưng từ tháng 9/2009, sau khi Quyết định 13 có hiệu lực, nhiều nơi không thực hiện phương án này. Vì thế dẫn đến tình trạng, ngay trên một địa bàn huyện, mặc dù có nhiều trường đang thừa giáo viên nhưng các trường thiếu giáo viên vẫn tiếp tục tuyển dụng biên chế. Công tác xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện cung cấp các thông tin về tuyển dụng giáo viên chưa được coi trọng nên chưa bảo đảm công khai và chưa chọn lọc được giáo viên có trình độ, năng lực.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số nơi thực hiện giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục chưa triệt để; tình trạng cấp trên tiếp nhận hồ sơ, hiệu trưởng nhà trường ký quyết định tuyển dụng biên chế diễn ra phổ biến. Cá biệt có nơi thực hiện chưa nghiêm các quy định tuyển dụng biên chế. Chỉ tiêu biên chế giáo viên giao cho sự nghiệp giáo dục vẫn còn thấp so với định mức. Năm 2010, nhu cầu giáo viên tính theo định mức là 15.840 người nhưng thực tế biên chế được giao là 12.943 người (bằng 82%). Đáng quan tâm, số lượng biên chế giáo viên ở các huyện vùng cao, vùng xa vẫn còn thấp hơn so với mức bình quân chung của tỉnh và còn khoảng cách xa so với các huyện vùng thấp. Đơn cử như ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên, Văn Chấn, chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao năm 2010 mới đạt từ 65% - 75% so với định mức. Trong khi đó, ở huyện Yên Bình, Trấn Yên, thành phố Yên Bái, tỷ lệ này đạt từ 85% - 90%. Đặc biệt ở các xã vùng khó khăn, tỷ lệ giáo viên mầm non trong biên chế thấp (bình quân mới đạt từ 40% - 50% so với định mức).
Học sinh Trường PTCS xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) tập thể dục giữa giờ. (Ảnh: Hoàng Đô)
Nguyên nhân là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về công tác giải quyết giáo viên dôi dư chưa sâu sắc, chưa toàn diện, chưa quan tâm chỉ đạo sát sao nên chưa có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời; sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, công tác giải quyết giáo viên dôi dư là vấn đề nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, trong khi đó hệ thống các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương chưa hoàn thiện nên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, lúng túng. Hầu hết các đơn vị trường học mới được giao quyền tự chủ nên việc thực hiện nhiệm vụ về quản lý ngân sách biên chế hạn chế.
Từ kết quả giám sát, Đoàn đề nghị chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn tiếp tục tuyên truyền, vận động giáo viên tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác xây dựng đội ngũ giáo viên và giải quyết giáo viên dôi dư; rà soát hệ thống văn bản chỉ đạo về công tác giải quyết giáo viên dôi dư để điều chỉnh, bổ sung phù hợp; ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình xây dựng kế hoạch, thẩm định, phê duyệt, báo cáo kết quả tuyển dụng biên chế và tiêu chuẩn tuyển dụng giáo viên để tạo cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành thực hiện, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tuyển dụng giáo viên.
Mặt khác thực hiện đồng bộ các phương án giải quyết giáo viên dôi dư, trong đó đặc biệt quan tâm thực hiện các phương án điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, chuyển đổi công việc, đào tạo lại... để bảo đảm việc làm cho người lao động; điều chỉnh kế hoạch phát triển hệ thống trường lớp phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng biên chế giáo viên tại các cơ sở giáo dục; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản lý biên chế, quản lý ngân sách cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Hàng năm, các cấp chính quyền khi xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên phải gắn với việc giải quyết giáo viên dôi dư để điều chỉnh cho phù hợp.
Trước mắt, trong năm 2011, cần bổ sung biên chế giáo viên cho các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Đồng thời, tiếp tục tăng chỉ tiêu biên chế giáo viên cho các huyện này trong những năm tiếp theo cao hơn so với mức bình quân chung của tỉnh để thực hiện chính sách ưu tiên đối với giáo viên mầm non ở các xã vùng khó khăn theo Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ và giáo viên ở trường phổ thông dân tộc bán trú theo Nghị quyết số 22 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Riêng đối với các huyện Yên Bình, Trấn Yên, thành phố Yên Bái, trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 11 sẽ tạm dừng việc tiếp nhận giáo viên từ nơi khác chuyển về (nếu cần chỉ tuyển dụng sinh viên khá, giỏi và thuộc diện gia đình chính sách) để tập trung giải quyết số giáo viên dôi dư còn tồn đọng và thực hiện chính sách tuyển dụng biên chế đối với giáo viên đã hợp đồng lâu năm ở địa phương.
Lê Thị Liêm
Các tin khác
YBĐT - Đến nay, 22/22 trạm y tế, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã có bác sỹ; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ngày càng được đầu tư nâng cấp nên chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở cơ sở cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân.
YBĐT - Các giải pháp để khắc phục những hạn chế khó khăn và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đề ra cho giáo dục giai đoạn 2010- 2015 là: đẩy mạnh duy trì và phát triển quy mô trường lớp ở tất cả các ngành học, bậc học nhất là bậc học mầm non bằng việc giữ nguyên 11 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 10 trường tiểu học, trung học cơ sở...; nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các bậc học, ngành học.
YBĐT - Trên thao trường, các học viên lớp sỹ quan dự bị (SQDB) say sưa luyện tập chiến thuật trung đội bộ binh làm nhiệm vụ đột kích phát triển chiến đấu. Từng tốp, từng tốp nhịp nhàng theo khẩu lệnh của giáo viên đưa ra, người thực hành, người ghi chép bài giảng... Nắng cuối hè không gắt nhưng không khí oi nồng khiến cả quân lẫn tướng mồ hôi túa ra như tắm.
YBĐT - Với 250 đoàn viên, sinh hoạt tại 11 chi đoàn, trừ một số ít đoàn viên đang công tác tại các trường học trên địa bàn thì có đến 230 đoàn viên thanh niên nông thôn chủ yếu sống bằng nghề nông, đời sống khó khăn, vì thế nhiệm vụ “Đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập nghiệp” được Ban chấp hành Đoàn thanh niên xã An Bình (Văn Yên) xác định là nhiệm vụ nòng cốt, trọng tâm hoạt động của Đoàn xã.