Nguồn sáng cách mạng và những đổi thay diệu kỳ
- Cập nhật: Thứ năm, 2/9/2010 | 9:36:13 AM
YBĐT - Hôm nay đây, trên mỗi miền quê từ Mù Cang Chải, Trạm Tấu xa xôi đến Lục Yên, Yên Bình,Văn Yên hay Văn Chấn, Trấn Yên, Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc đã có bước cải thiện đáng kể.
|
Như bao người dân Việt trên mảnh đất hình chữ S này, khi Cách mạng thành công, đồng bào các dân tộc vùng cao Yên Bái bước sang trang sử mới, chấm dứt cảnh lầm than, thân phận nô lệ.
Chân trời độc lập tự do có Đảng, Bác Hồ chỉ lối, soi đường đã mang lại những đổi thay bất tận. Cuộc sống du canh, du cư, đói rét, hủ tục cúng ma, cúng Giàng khi ốm đau, bệnh tật xưa kia, nay được thay thế bởi những chính sách định canh, định cư tốt đẹp; cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư mạnh đã giúp đồng bào các dân tộc hoàn toàn yên tâm, tin tưởng, đoàn kết cùng nhau xây dựng bản làng, tạo dựng cuộc sống mới.
Là một tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 53,7%, trong đó hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 80%, với trình độ canh tác lạc hậu, nhiều hủ tục, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn thực sự là những khó khăn, thách thức lớn đối với cấp ủy, chính quyền trong công cuộc đổi mới ở vùng cao.
Với những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đã từng bước mang lại đổi thay cơ bản cho đồng bào. Cán bộ vùng thấp lên với vùng cao, cùng lăn lộn nằm vùng, cắm bản, cầm tay chỉ việc từ khai hoang vỡ ruộng, gieo cấy giống lúa mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi..., cho đến việc vận động đồng bào ăn ở hợp vệ sinh, làm nhà tiêu, chuồng trại xa nhà. Tất cả như mưa dầm thấm lâu và khó khăn được hóa giải, khi đồng bào từng bước thay đổi tư duy trong nếp nghĩ, cách làm.
Để có diện mạo mới cho cơ sở hạ tầng vùng cao, tỉnh Yên Bái đã huy động và tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lồng ghép với một số chương trình, mục tiêu quốc gia như: Dự án giảm nghèo, các chương trình: trồng mới 5 triệu ha rừng, kiên cố hoá trường, lớp học, Chương trình 135..., đầu tư mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng.
Các chương trình hạ tầng kinh tế - xã hội đã và đang phát huy hiệu quả, bộ mặt vùng cao đã thay đổi rõ rệt. Đến nay, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó nhiều tuyến đường liên xã, thôn bản được bê tông hóa. Các công trình thuỷ lợi được đầu tư đã làm tăng thêm diện tích tưới tiêu và khai hoang mở rộng diện tích ruộng nước. Các công trình phúc lợi công cộng như chợ, trường học, trạm y tế, điện, nước sạch... được quan tâm đầu tư, hỗ trợ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc.
Đã có 65% số dân nông thôn đã được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Mạng lưới trường lớp được tăng cường, tỷ lệ phòng học xây đạt 86%. Tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số ở bậc tiểu học được huy động ra lớp đạt 98%, bậc THCS là 80,8%, toàn tỉnh có 9 trường dân tộc nội trú các cấp, ngoài ra còn hệ thống trường bán trú dân nuôi..., đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc.
Công cuộc xóa đói giảm nghèo đối vùng cao vùng đồng bào dân tộc được quan tâm đẩy mạnh với các chính sách thiết thực như: tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất cho hộ nghèo, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà theo Quyết định 134, Quyết định 167 của Chính phủ cũng như chương trình “Chung tay giúp người nghèo” của tỉnh.
Đặc biệt việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo là Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã và đang góp thêm nguồn lực cho công cuộc xoá nghèo ở vùng cao. Đến cuối năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn khoảng 30%, tình trạng đói lưu niên ở vùng cao.
Hôm nay đây, trên mỗi miền quê từ Mù Cang Chải, Trạm Tấu xa xôi đến Lục Yên, Yên Bình,Văn Yên hay Văn Chấn, Trấn Yên, Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc đã có bước cải thiện đáng kể. Không ít mô hình kinh tế của đồng bào Dao, Mông, Tày, Thái, Cao Lan, Mường, Giáy, Khơ Mú... đã và đang góp phần làm nên diện mạo mới ở mỗi địa phương. Những đổi thay đó gắn liền với những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, vì mục tiêu nối gần vùng thấp với vùng cao.
Ngọc Tú
Các tin khác
Ngày 1-9, một thông tin đáng chú ý tại hội nghị tổng kết năm học khối ĐH-CĐ là thi ĐH năm 2011 sẽ được cải tiến theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, để giảm áp lực, giảm căng thẳng, bảo đảm quyền lợi và công bằng cho thí sinh. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi với báo chí về vấn đề này. Ông Ga cho biết:
YBĐT - Sáng 1/9, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Yên Bái tổ chức tổng kết Liên hoan phóng sự phát thanh truyền hình tỉnh lần thứ IX năm 2010
YBĐT - Ngay sau khi Nghị quyết số 11 có hiệu lực, UBND tỉnh Yên Bái và các cơ quan chuyên môn đã tập trung ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và tổ chức hội nghị quán triệt nghị quyết tới nhân dân. Cho đến nay, UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng đã ban hành 13 văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan đến vấn đề giải quyết giáo viên dôi dư.
YBĐT - Đến nay, 22/22 trạm y tế, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã có bác sỹ; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ngày càng được đầu tư nâng cấp nên chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở cơ sở cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân.