Yên Bái: Dịch đau mắt đỏ diễn biến phức tạp

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/9/2010 | 10:10:50 AM

YBĐT - Sau những thông tin sự xuất hiện của dịch đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc cấp) ở Yên Bái, đến thời điểm này, dịch đã bùng phát mạnh, lan rộng và chưa có dấu hiệu thuyên giảm, toàn bộ 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều đã có dịch với gần 2 nghìn bệnh nhân.

Truyền thông phòng chống các bệnh về mắt tại các trường học.
(Ảnh: Minh Đức)
Truyền thông phòng chống các bệnh về mắt tại các trường học. (Ảnh: Minh Đức)

Phóng viên (PV) Báo YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Thu – Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Yên Bái về tình hình dịch đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh hiện nay.

- Từ khi những bệnh nhân đầu tiên được phát hiện vào trung tuần tháng 8/2010, đến nay, tình hình dịch đau mắt đỏ đang diễn biến ra sao, thưa ông?

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, kể từ khi có mặt trên địa bàn tỉnh Yên Bái, dịch đau mắt đỏ đã có những dấu hiệu phát triển khá mạnh, xuất hiện những biến chứng ban đầu ở một số bệnh nhân tới khám và điều trị tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội. Theo số liệu thống kê được cập nhật hàng ngày, tính đến thời điểm này, đã có tới 1.728 người ở 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh bị bệnh. Trong đó, thành phố Yên Bái nhiều nhất với 606 bệnh nhân, huyện Trấn Yên 365 bệnh nhân, Lục Yên 193 bệnh nhân, Trạm Tấu trên 100 bệnh nhân...

 Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch lan nhanh như vậy, nhưng nguyên nhân chủ yếu là cơ chế lây nhiễm đặc trưng của bệnh. Bệnh viêm kết mạc cấp được kết luận là do Adeno Virus một loại virus phát triển rất nhanh, mạnh trong môi trường nắng nóng, dễ lây lan thông qua sự tiếp xúc gần (qua đường hô hấp) hoặc trực tiếp (nước mắt), đặc biệt rất dễ lan truyền tại những nơi công cộng, tập trung đông người như trường học, chợ, bệnh viện… Với trên dưới 100 ca nhập viện/ngày, tình hình dịch đau mắt đỏ tại Yên Bái vẫn diễn biến rất phức tạp.

- Trước diễn biến như vậy của dịch, cơ quan y tế, những nhà chuyên môn đã và sẽ làm gì để cải thiện tình hình, thưa ông?

Ngay từ khi dịch bệnh chưa có tại Yên Bái, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng ứng phó với dịch. Chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, ban hành công văn gửi các cơ sở để chủ động phòng, chống. Bên cạnh đó, chúng tôi đã phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin cần thiết nhằm tuyên truyền kịp thời cho người dân biết, hiểu và chủ động phòng tránh cũng như điều trị đúng phương pháp. Đối với các cơ sở vùng cao ít có cơ hội được tiếp cận với thông tin hơn, chúng tôi đã tập trung quán triệt tới đội ngũ cán bộ và cộng tác viên y tế thôn, bản tuyên truyền sâu, rộng tới bà con nhân dân về dịch bệnh, khuyến cáo bà con nếu mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn điều trị…

- Xin ông thông tin cụ thể về phương pháp điều trị đối với dịch đau mắt đỏ cũng như những khuyến cáo đối với người dân?

Tác nhân gây bệnh viêm kết mạc nhiễm khuẩn cấp tính là do các vi khuẩn Haemophilus Tnfluenzae, Streptococcus pneumoniae và một vài tác nhân khác như H. Influenzae típ B, moraxello và branhamella, Neisseria meningitidis, Corynebacterium diphtherie cũng có thể gây bệnh. Đau mắt đỏ thường kèm theo viêm giác mạc (bị chói mắt, sợ ánh sáng). Biến chứng nguy hiểm của bệnh đau mắt đỏ là viêm kết mạc có giả mạc. Biểu hiện biến chứng là mắt người bệnh có gỉ màu hồng do vỡ mạch máu, dễ ảnh hưởng đến thị lực. Để tránh biến chứng, người bệnh cần đi khám tại các phòng khám hoặc cơ sở y tế có bác sĩ nhãn khoa.

Việc điều trị bệnh này khá đơn giản, vì đây là thể vi khuẩn nhạy cảm nên thường chỉ cần tra kháng sinh dung dịch Gentamycin 0,3%, Tobramycin 0,3% sau khoảng từ 3 - 10 ngày (tuỳ từng bệnh nhân) thì sẽ khỏi. Tuy nhiên, trường hợp tra thuốc lâu mà bệnh không khỏi thì nên đến khám tại các cơ sở y tế, không được điều trị bằng phương pháp xông lá trầu không như dân gian vì rất dễ gây bỏng, làm tổn thương giác mạc, mắt bị sưng tấy và không thể khỏi bệnh.

Để ngăn ngừa khả năng bệnh lây lan tại cộng đồng, khi mắc bệnh, người bệnh cần cách ly với người lành, cẩn trọng đối với các loại chất thải, dịch tiết… Trẻ em là một trong những đối tượng dễ mắc, dễ lây lan, vì vậy trong thời gian bị bệnh, trẻ không nên đến trường. Khi có biểu hiện mắt cộm, nhức, sợ ánh sáng, tiết dịch - mủ nhầy, bệnh nhân cần đến khám bác sĩ để được hướng dẫn các biện pháp điều trị và vệ sinh dịch tễ. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Trường hợp dùng thuốc có chứa Corticoid như: Colydexa, Polydexa, Ticodex… cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh các biến chứng như thủng giác mạc, tăng nhãn áp...

Trong lúc tình trạng bệnh dịch chưa hoàn toàn được kiểm soát, chúng tôi khuyến cáo người dân nên hạn chế tối đa việc đi tới những nơi công cộng tập trung đông người để tránh trường hợp bị lây nhiễm không đáng có.

- Xin cảm ơn ông!

Thiên Cầm (Thực hiện)

Các tin khác

YBĐT - Nội dung quy định của UBND tỉnh đối với một cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá: có niêm yết quy định xây dựng CQĐVVH; có nội quy cơ quan; có quy định an toàn cháy nổ; hoạt động Đảng và đoàn thể tốt; đời sống người lao động năm sau cao hơn năm trước...

10 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành sẽ được thành lập, tiến hành thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khu vực lân cận trong thời gian từ ngày 15/9 đến 10/10/2010.

Chiều 13-9, GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, bắt đầu từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11, chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi miễn phí cho trẻ từ 1-5 tuổi sẽ được thực hiện trên toàn quốc.

YBĐT - Những năm qua, Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã tích cực, chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác GDQP-AN trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục