Giới trẻ xa rời văn hóa đọc
- Cập nhật: Thứ năm, 16/9/2010 | 3:04:23 PM
YBĐT - Chẳng khó gì nếu bỏ ra 15-30 phút mỗi ngày để cảm nhận một tác phẩm văn chương. Nhưng hiện nay, với nhiều người nhất là đối với giới trẻ điều này trở nên xa xỉ khi mà việc học hành, vui chơi đã chiếm hết thời gian.
Bạn trẻ hiện nay ít lựa chọn sách mà chủ yếu đọc trên internet
|
“Giới trẻ ngày càng ít quan tâm đến văn hóa đọc. Thời gian dành cho học tập, vui chơi cũng như sự đa dạng của các phương tiện thông tin đại chúng đã vô tình đẩy giới trẻ ngày càng xa rời văn hóa đọc…”. Đó là chia sẻ của bà Lê Thị Thu Hường, Phó giám đốc Thư viện tỉnh về văn hóa đọc của giới trẻ Yên Bái hiện nay.
Theo bà Hường: "Đây là tình trạng chung của giới trẻ hiện nay và Yên Bái cũng không phải là ngoại lệ...". Hiện Thư viện tỉnh có hàng trăm nghìn đầu sách phục vụ nhu cầu đọc của độc giả, trong đó tới 50.000 đầu sách là các loại sách văn học trong nước và văn học dịch, đó là chưa kể đến hàng nghìn các đầu sách văn hóa – xã hội, giải trí…
Như vậy có thể thấy lượng sách phục vụ cho nhu cầu và văn hóa đọc không phải là ít. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là lượng độc giả của các loại sách này chỉ là tầng lớp công chức và hưu trí, còn giới trẻ không mấy quan tâm.
Theo thống kê của phòng mượn thuộc Thư viện tỉnh, tính đến hết tháng 7/2010 có 4.282 đầu sách văn học (bao gồm văn học trong nước và văn học dịch) được cho mượn. Chị Nguyễn Thị Hiền, cán bộ Thư viện tỉnh cho biết: "Lượng bạn đọc đến với Thư viện ngày càng ít, nhất là những người đến đây với nhu cầu đọc các loại sách văn học càng ít hơn, chủ yếu vẫn là các bác hưu trí....".
Dạo quanh các cửa hàng sách trên địa bàn thành phố Yên Bái, có thể nhận thấy lượng sách phục vụ nhu cầu đọc rất phong phú: sách văn học trong nước, văn học nước ngoài đã dịch, được tái bản với mẫu mã và hình thức bắt mắt. Tuy nhiên, theo các chủ cửa hàng thì khách hàng tìm mua chủ yếu vẫn là người đã có tuổi, còn giới trẻ thì gần như không bước chân đến.
Anh Nguyễn Đình Long, phụ trách bán hàng tại nhà sách tự chọn Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Nhà sách thường xuyên có trên 100 đầu sách riêng về văn học trong và ngoài nước, nhưng tiêu thụ rất chậm. Trung bình mỗi tháng chỉ bán được trên dưới 30 đầu sách, nhưng khách hàng chủ yếu là tầng lớp công chức, còn thanh niên, học sinh chỉ mua sách tham khảo phục vụ cho học tập".
Em Hường, Trường THPT Đồng Tâm (TP Yên Bái) cho biết: “Ngoài thời gian học ở trường, em còn phải đi học thêm cả chiều và tối nên không có thời gian để đọc truyện hay tiểu thuyết, dù em rất thích”. Một nguyên nhân nữa, đó là sự phát triển lấn át của văn hóa giải trí, nghe nhìn với văn hóa đọc, đặc biệt là sự bùng nổ của game online đã khiến một bộ phận giới trẻ ngủ quên trong thế giới ảo và văn hóa đọc dần trở thành một khái niệm xa lạ đối với họ.
Theo thống kê của Cục Xuất bản, trung bình mỗi năm, một người Việt Nam đọc được 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo. Đối với một tỉnh miền núi, nhiều khó khăn như Yên Bái, con số này chắc chắn sẽ thấp hơn.
Giới trẻ hiện nay đọc gì? Đó là truyện tranh, truyện tình cảm lãng mạn, truyện kiếm hiệp… Em Hà Hải Nam, Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Em có thể bỏ ra hàng giờ, thậm chí cả ngày để đọc hết một bộ truyện tranh, nhưng lại không thể đọc dù chỉ là một mẩu chuyện nhỏ”.
Tuy nhiên, không hẳn là không còn những bạn trẻ vẫn tìm đến sách văn học như một niềm đam mê trong cuộc sống, dù cách tiếp cận có thay đổi đôi chút. Bạn Vũ Thị Nha Trang, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật cho biết: “Mình cũng thường xuyên đọc các loại truyện trinh thám và tình cảm, nhưng chủ yếu đọc qua mạng Internet hay qua điện thoại”. Vẫn biết, đọc qua sách hay qua mạng thì vẫn là đọc, nhưng theo nhiều người, đọc qua sách sự cảm nhận sẽ tốt và sâu sắc hơn.
Sự khiếm khuyết về ngôn từ tiếng Việt của một bộ phận giới trẻ hôm nay đã và đang bộc lộ khá rõ. Để hạn chế tình trạng này, mỗi con người của thế hệ trẻ phải nỗ lực trau dồi về văn hóa, vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống…mà muốn làm được điều đó đòi hỏi phải có sự tích lũy qua việc đọc.
Và để giới trẻ hứng thú với việc đọc cần có phương thức đa dạng hóa cách làm sách, tạo ra những cuốn sách phù hợp đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của độc giả trẻ. Đồng thời ngay trong cách giáo dục của mỗi gia đình và nhà trường cũng cần hướng cho các em chú ý đến văn hóa đọc, tạo thói quen đọc sách. Đặc biệt, nề nếp và cách giáo dục trong gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự cảm thụ văn hóa qua hình thức đọc sách mỗi ngày.
Hùng Cường
Các tin khác
Nữ sinh bị đánh hội đồng, quay clip đang học lớp 12 THPT Hà Huy Tập (Vinh, Nghệ An). Cảnh sát đang truy tìm những học sinh tham gia vụ hành hung này.
YBĐT - Ngày 16/9, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, giải pháp thực hiện hoàn thành kế hoạch năm 2010. Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
YBĐT - Hiện nay thành phố Yên Bái có 3 câu lạc bộ (CLB) phòng, chống HIV/AIDS là CLB Đồng cảm phường Yên Thịnh, CLB Phụ nữ phòng chống HIV/AIDS phố Phúc Yên, phường Nguyễn Phúc và CLB Hoa Ban trắng, phường Nguyễn Thái Học.
YBĐT - Từ chỗ chỉ có trên 100 hội viên sinh hoạt ở 2 chi hội, sau 7 năm thành lập, Hội Luật gia tỉnh Yên Bái đã phát triển lên 9 chi hội trực thuộc và 7 chi hội cấp huyện với gần 700 hội viên tham gia.