Viết tiếp bản tình ca người TNXP
- Cập nhật: Thứ năm, 7/10/2010 | 2:50:30 PM
YBĐT - Tại hội nghị tuyên dương những điển hình tiên tiến làm theo lời Bác của Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Yên Bái, cả hội trường im lặng và thán phục bởi bản tham luận về thành tích lao động sản xuất của cựu TNXP Đào Duy Từ, thôn Tân Bình, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.
Ông Từ chăm sóc diện tích chè của gia đình.
|
Từng tham gia mở đường Trường Sơn, trở về lập nghiệp trên miền quê mới chỉ với 2 bàn tay trắng, song bằng ý chí, nghị lực và vì niềm tin, sự gửi gắm của những đồng đội đã ngã xuống, ông đã biến những đồi đất hoang hoá khô cằn thành những cánh rừng, thửa ruộng xanh ngút ngàn và trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương.
Có đến tận nơi, chứng kiến những thành quả một đời tâm huyết với mảnh đất được gọi là quê hương thứ hai này mới thấy được ý chí và nghị lực của người cựu TNXP trong thời bình. Lật từng trang sổ, ông Từ kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của mình. Từng là công nhân lái xe của Công ty cơ giới Nam Định, năm 1970, ông tham gia TNXP tại chiến trường biên giới Việt - Lào. Hòa bình lập lại, ông trở về quê hương xây dựng cuộc sống. Lần lượt 4 người con ra đời trong điều kiện hoàn cảnh gia đình túng bấn, vợ ông lại đau yếu do sức ép của bom đạn trên chiến trường.
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trong thời kỳ bao cấp với đồng lương phụ cấp thương binh của vợ cộng với lương công nhân cơ giới Nhà máy cơ khí Nam Định không đủ để ông trang trải thuốc men cho vợ và cuộc sống gia đình. Năm 1980, ông Từ đã tình nguyện lên Yên Bái xây dựng vùng kinh tế mới và chuyển ngành vào làm việc tại trại lợn giống huyện Trấn Yên.
Không đầu hàng trước khó khăn, tranh thủ những lúc rảnh rỗi nuôi, ông đi học tập kinh nghiệm chăn nuôi của các hộ dân trong và ngoài tỉnh ý chí làm giàu. Năm 1985, ông xin nghỉ chế độ và bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Đầu tiên ông mạnh dạn nhận 13 ha đất đồi rừng và cải tạo những diện tích trũng để trồng lúa đảm bảo lương thực cho gia đình, chỗ đất dốc ông trồng quế, keo, chỗ bằng ông trồng sắn để nấu rượu và phát triển chăn nuôi.
Để đảm bảo giống gia súc, gia cầm không bị dịch bệnh, ông lặn lội về quê mang lợn giống, gà giống lên nuôi. Mày mò tìm đọc qua sách báo, rồi tìm đến những hộ chăn nuôi giỏi trong thôn, trong xã và cả tỉnh bạn, ông đã đúc rút cho mình kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình cũng như trong chăn nuôi. Đến năm 1993, ông mạnh dạn đầu tư nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản với quy mô lớn, một mặt bán lợn thịt, chủ động giống cho gia đình và cho các hộ dân lân cận có nhu cầu mua lợn giống. Với đồng đất rộng, ông tiếp tục mua thêm 7 con bò nái sinh sản phát triển chăn nuôi bò thịt. Do có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên hầu hết đàn gia súc, gia cầm của gia đình ông đều không bị dịch bệnh và được chăm sóc rất tốt.
Không bằng lòng với những gì đã có. Năm 2001, qua một lần về Phú Thọ, thấy mô hình trồng chè lai ở đây phát triển khá tốt, đời sống người làm chè cũng khá lên rất nhiều. “Cùng đồng đất ấy, con người ấy, tại sao họ lại làm được mà mình lại chịu thua?”. Những câu hỏi ấy luôn ám ảnh ông sau những chuyến đi. Vậy là lại một lần nữa ông xuống Phú Thọ học hỏi kinh nghiệm trồng chè ở đây, đồng thời mạnh dạn mua 2 vạn bầu chè để trồng thử nghiệm.
Với những chân đồi thấp, bằng phẳng trước kia dùng để trồng sắn, ông cùng gia đình tiến hành cải tạo đất để trồng chè. Do sẵn có nguồn nước tưới nên gần 5 ha chè sinh trưởng và phát triển tốt, chưa đầy 3 năm đã cho thu hoạch.
Chia sẻ những kinh nghiệm này, ông Từ cho biết: “Cái chính là phải chịu khó, làm nông nghiệp thì suốt ngày phải trông trời, trông đất. Cũng là mô hình ấy, cây con giống ấy song mình phải có cách làm khác hẳn mọi người thì mới mong làm giàu được”. Khoát một vòng tay rộng chỉ về phía quả đồi ngút ngàn một màu xanh của quế, keo và chè, ông cho biết bình quân mỗi năm từ đồi, rừng cũng cho gia đình thu trên 1 trăm triệu đồng, chè cũng khoảng trăm triệu đồng. Thế tôi mới có tiền để kéo điện phục vụ cuộc sống gia đình, trả lương cho gần 10 nhân công thời vụ, mở con đường cho ô tô, thương lái vào tận nơi thu mua hàng hóa - ông Từ chia sẻ.
Bằng ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm của một TNXP năm nào, từ 2 bàn tay trắng đến nay gia đình ông Từ đã có gần 8 ha quế 13 năm tuổi, 5 ha bồ đề, tre măng Bát Độ, 4 ha chè, cùng một mô hình kinh tế VARC tổng hợp với tổng mức thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm. Ông Từ trở thành một trong những gương mặt điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương là tấm gương sáng cho đồng đội học tập và noi theo.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác này bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm được khắc phục kịp thời để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
YBĐT - Ngày 7/10/2010, Đoàn khối các cơ quan tỉnh tổ chức gặp mặt đoàn viên đạt giải thưởng trong các cuộc thi do tỉnh và Trung ương tổ chức năm 2010.
Tin mới nhất từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, số người chết sau mưa lũ tại miền Trung đã lên tới 48 người, 18 người mất tích và 19 người bị thương; hàng nghìn ngôi nhà vẫn ngập trong lũ, nhiều tàu thuyền hư hỏng.
YBĐT - Năm 2010, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho 30 đối tượng. Các học viên đến cai nghiện được huyện hỗ trợ kinh phí sinh hoạt 8.000 đồng/ngày.