Niềm vui từ những ngôi nhà “167”
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/10/2010 | 2:41:54 PM
YBĐT - Theo Đề án 167, trong 4 năm tỉnh Yên Bái sẽ có 6.093 hộ được hỗ trợ làm nhà mới, với tổng kinh phí ước khoảng 127 tỷ đồng bao gồm cả vốn Trung ương, vốn của tỉnh, vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội…
Nhà “167” của anh Phạm Văn Hải, thôn Yên Ninh, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên đang được xây dựng.
|
Thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, qua gần 2 năm thực hiện trên tinh thần bình xét công khai, dân chủ, đúng đối tượng, Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở đều có chung một đánh giá: phương án “3 cứng” mái cứng, cột cứng và nền cứng, diện tích sử dụng tối thiểu 24 m2 trở lên đã cơ bản được thực hiện theo đúng những yêu cầu của Quyết định - đây là yếu tố quan trọng để nâng độ bền của căn nhà từ 10 năm trở lên.
Những câu chuyện trong ngôi nhà “167”
Những gia đình được hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167 mà chúng tôi có dịp ghé thăm đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Tại thôn Làng Lớn, xã An Thịnh (Văn Yên), nhiều người biết đến bà Hoàng Thị Dạch là hộ dân tộc thiểu số nghèo, sống cô đơn không nơi nương tựa. Đã 5 năm nay, bà Dạch bị bệnh thần kinh tọa, mớ rau, bát gạo thường ngày nhờ vào anh em hàng xóm.
Nghẹn ngào nước mắt, bà Dạch tâm sự : “Ngôi nhà này từ hôm khởi công đến khi hoàn thành trong một tuần, tôi mừng lắm, khóc suốt vì không nghĩ rằng đời mình lại được ở trong ngôi nhà mới khang trang gấp trăm lần nhà cũ. Cuộc sống mặc dù bữa no, bữa đói, nhưng có nơi trú mưa, tránh nắng là đời tôi hạnh phúc lắm rồi”. Một hoàn cảnh khác là gia đình ông Hoàng Văn Quyết ở thôn Đại Thắng, xã Đại Phác (Văn Yên). Trong ngôi nhà mới, ông Quyết cảm động nói: “Người nghèo chúng tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ làm nhà, không những gia đình mà cả xóm cùng mừng cho. Từ nay trở đi, không phải lo cho chỗ ở nữa gia đình tôi sẽ tập trung phát triển kinh tế”.
Đối với gia đình bà Đặng Thị Nhẩn, ở thôn 8 xã Tân Đồng (Trấn Yên), nguyên nhân nghèo là do quá đông con. Bà Nhẩn gạt nước mắt nói: “ Cuộc đời tôi đã hơn 60 tuổi rồi, nay mới được sống trong ngôi nhà mới. Tôi nghèo là cũng tại vì đẻ nhiều con. Chẳng nói đâu xa, chỉ 5 năm về trước cả gia đình hơn 10 miệng ăn, nhà nông lấy đâu ra tiền mà đong gạo, chứ nói gì đến thức ăn, càng không thể có tiền làm cái mái che mưa cho ra hồn. Trước kia, hôm nào mưa gió là trong nhà nước như ngoài sân, các cháu xin hàng xóm được mấy tàu cọ về che tạm nhưng mái nhà cũ quá, không có tiền thay, đành ở vậy. Bây giờ có nhà mới được Nhà nước đầu tư, gia đình phấn khởi lắm, chẳng biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến hộ nghèo chúng tôi”.
Đối với trường hợp của anh Phạm Văn Hải, ở thôn Yên Ninh, xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) lại có hoàn cảnh khá thương tâm. Anh Hải bị tai nạn xe máy, chấn thương cột sống, phải nằm liệt giường hơn 2 năm, do nỗ lực của bản thân, anh đã dần đi lại được. Trong ngôi nhà “167” đang xây, anh Hải tâm sự: “Từ nay có nhà mới, em sẽ nỗ lực, cố gắng vươn lên để ổn định cuộc sống”.
Nhà “167” đến với Yên Bái
Thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2009, từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố, các xã, thị trấn, đã thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên trong việc rà soát, tổ chức bình xét đối tượng trên tinh thần công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Các hộ được xét gồm: hộ chưa có nhà ở hay có nhà nhưng quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự tu sửa.
Với mức vốn hỗ trợ cho mỗi hộ gồm: ngân sách Trung ương 8,4 triệu đồng/ hộ; ngân sách tỉnh 1,4 triệu đồng/hộ; Quỹ Vì người nghèo tỉnh 500.000 đồng/ hộ; ngân sách huyện 200.000 đồng/hộ; Quỹ Vì người nghèo huyện 200.000 đồng/hộ. Ngoài ra, mỗi hộ còn được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội 8 triệu đồng trong thời hạn 10 năm, trong đó 5 năm đầu không tính lãi; gia đình và cộng đồng đóng góp 2,3 triệu đồng/hộ.
Theo quy định của Đề án: nhà được hỗ trợ xây dựng mới, thiết kế phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương, chất lượng tối thiểu đảm bảo “3 cứng gồm: mái cứng, khung cứng” và nền cứng. Thời gian thực hiện của Đề án từ năm 2009 đến 2012.
Theo Đề án 167, trong 4 năm tỉnh Yên Bái sẽ có 6.093 hộ được hỗ trợ làm nhà mới, với tổng kinh phí ước khoảng 127 tỷ đồng bao gồm cả vốn Trung ương, vốn của tỉnh, vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội… Năm 2009, toàn tỉnh đã làm mới được 1.500 nhà, với tổng nguồn vốn đã giải ngân 29 tỷ 026 triệu đồng. Năm 2010, theo Đề án sẽ làm mới 2.060 nhà, với tổng kinh phí 42 tỷ 801 triệu đồng.
Hiện nay vốn của Trung ương 16 tỷ 733 triệu đồng và vốn ngân sách tỉnh 2 tỷ 789 triệu đồng đã giải ngân và chuyển về đến các huyện, thị, thành phố. Hiện 1.053 nhà đã hoàn thành, trong đó Văn Chấn 376/491 nhà, Văn Yên 353/534 nhà, Lục Yên 262/370 nhà... Mục tiêu phấn đấu, chậm nhất đến cuối tháng 12/2010 đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc Sở Xây dựng, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo hỗ trợ người nghèo về nhà ở tỉnh tâm sự: “Là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo, trong quá trình triển khai, cũng như đi kiểm tra giám sát cụ thể ở một số địa phương, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như địa hình giao thông đến các thôn, bản rất khó khăn; dân cư sống không tập trung, dẫn đến quá trình vận chuyển nguyên vật liệu rất phức tạp. Phong tục tập quán của người dân địa phương, cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện Đề án. Hơn nữa việc áp dụng các mẫu thiết kế theo Đề án chưa đáp ứng được hết nhu cầu sử dụng của các địa phương…”.
Chung tay góp sức cùng “167”
Chúng tôi đã đi nhiều nơi trong tỉnh để tìm hiểu về những ngôi nhà “167” đều có chung một cảm nhận là khi đến với mỗi địa phương càng hiểu hơn hết được những tình cảm của tình làng nghĩa xóm, trong việc giúp nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn, vươn lên trong cuộc sống thường nhật. Nhiều huyện như: Mù Cang Chải, Văn Chấn…đã thành lập đội thanh niên xung kích, cùng với Hội Cựu chiến binh đứng ra tổ chức làm nhà cho những gia đình có hoàn cảnh éo le, người già cô đơn, người không có sức lao động. Xã Âu Lâu của thành phố Yên Bái đã trích quỹ của địa phương để ủng hộ thêm cho mỗi hộ 500.000 đồng để cho các gia đình thêm những chiếc chăn ấm khi mùa đông giá lạnh…
Lộ trình của “167” trong năm 2011 là sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 2.000 nhà và năm 2012 là 533 nhà. Chắc chắn trong thời gian tới, những ngôi nhà “167” được dựng lên trên khắp các bản làng, thôn xóm sẽ giúp những người nghèo vơi đi khó khăn vất vả thường nhật, từng bước ổn định cuộc sống.
Thái Hưng
Các tin khác
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ nhập viện trong mấy ngày gần đây tăng mạnh. Trung bình một ngày có 2.000-2.300 trẻ đến khám, chủ yếu là bệnh đường hô hấp trong khi trước đó chỉ dao động trong khoảng 1.500.
YBĐT - Trong những năm qua, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đặc biệt là Chương trình phòng chống SDD trẻ em trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái, sự phối hợp của các ngành thành viên trong Ban chỉ đạo; sau 10 năm triển khai chiến lược đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
YBĐT - Ngày 13/10, tại Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái, Ban quản lý dự án quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS thành phố Yên Bái đã ra mắt “Câu lạc bộ Hoa hướng dương”. Đây là nơi để những người có “H” chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và công tác phòng chống HIV/AIDS.
YBĐT - Ngày 14/10, Sở Nội vụ tổ chức công bố Quyết định số 1492/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2010 của UBND tỉnh Yên Bái về việc thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ.