Hiệu quả từ mô hình bán trú dân nuôi
- Cập nhật: Thứ tư, 24/11/2010 | 3:07:36 PM
YBĐT - Với quyết tâm và nhiệm vụ số một của Trường THCS Động Quan, huyện Lục Yên (Yên Bái) là: Vận động học sinh ra lớp, giữ vững số lượng học sinh, hoàn thành phổ cập THCS năm 2010 và duy trì bền vững kết quả phổ cập, nhà trường đã tham mưu cho xã trong việc vận động nhân dân xây dựng 10 phòng ở cho học sinh.
Một góc của trường THCS Động Quang (Lục Yên).
|
Thầy Đỗ Xuân Xếp - Hiệu trưởng Trường THCS Động Quan phấn khởi khoe: “Từ năm 2008 đến nay nhà trường đã huy động 100% học sinh tốt nghiệp tiểu học ra lớp 6, không còn tình trạng bỏ học và nhờ có mô hình này mà Động Quan đạt chuẩn về phổ cập giáo dục THCS”.
Nếu chỉ quan sát và đi qua thì không ai bảo Động Quan (Lục Yên) là xã nghèo bởi xã nằm trên quốc lộ 70, rất thuận lợi trong việc giao lưu buôn bán nhưng thực tế Động Quan là xã khó khăn của huyện. Toàn xã có 8.971 khẩu với 1.462 hộ, sinh sống ở 16 thôn, trong đó có 8 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Có nhiều thôn nằm cách trung tâm xã từ 10 đến 15km. Trình độ dân trí của xã không đồng đều, hầu hết học sinh nữ học hết lớp 6, lớp 7 thì nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình, vì vậy từ năm 2007 trở về trước tình trạng bỏ học diễn ra thường xuyên, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp 6 chỉ đạt 60%... điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của toàn xã. Đứng trước những khó khăn trên, làm gì để huy động học sinh ra lớp luôn là trăn trở của đội ngũ, cán bộ nhà trường.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện về việc xây dựng mô hình bán trú dân nuôi, Trường THCS Động Quan đã chủ động đi học tập, thăm quan các mô hình bán trú dân nuôi ở trong và ngoài tỉnh. Thấy được hiệu quả từ các mô hình bán trú dân nuôi ở các địa phương, đầu năm học 2008, Trường THCS Động Quan đã bắt tay vào việc xây dựng mô hình bán trú dân nuôi. Thầy Đỗ Xuân Xếp cho biết: Lúc đầu xây dựng mô hình, nhà trường gặp nhiều khó khăn nhất là về cơ sở vật chất, hơn nữa nhận thức của một số phụ huynh còn hạn chế khi cho con đi học bán trú.
Nhưng với quyết tâm và nhiệm vụ số một của nhà trường là: vận động học sinh ra lớp, giữ vững số lượng học sinh, hoàn thành phổ cập THCS năm 2010 và duy trì bền vững kết quả phổ cập, nhà trường đã tham mưu cho xã trong việc vận động nhân dân xây dựng 10 phòng ở cho học sinh. Kết hợp với sự giúp đỡ của các cơ quan ban, ngành của tỉnh, của huyện trong việc ủng hộ chăn màn, quần áo, gạo... cho học sinh ở bán trú nên trong năm học 2008-2009 nhà trường huy động được 30 em ở bán trú và trong năm học 2009-2010 tiếp tục huy động được 48 học sinh.
Có thể nói đây là một kết quả hơn cả mong đợi. Bởi trong tổng số 365 học sinh của trường thì đã có tới 216 em học sinh là con em dân tộc thiểu số, số học sinh này chủ yếu ở các thôn, bản xa trường học nên việc đi lại học tập rất khó khăn.
Hiện tại Sở Giáo dục và Đào tạo đã đầu tư cho Trường THCS Động Quan hơn 1 tỷ đồng để xây dựng 8 phòng ở bán trú cho học sinh và một nhà bếp ăn 3 gian đảm bảo cho công tác dạy và học của thầy trò nhà trường.
Em Lý Thị Lá, học sinh lớp 7B tâm sự: “Em định nghỉ học mấy lần rồi, vì nhà em nghèo, lại cách trường gần 10km, đi lại khó khăn. Nhưng nhờ sự vận động của các thầy cô giáo và nhà trường đã tạo điều kiện cho em ở bán trú. Có được cái ăn, chỗ ở, có điểm vui chơi giải trí và ngoài giờ học trên lớp chúng em còn được các thầy cô giáo dạy phụ đạo nữa em sẽ cố gắng học để mai sau làm cô giáo”.
Còn ông Bàn Văn Điền, bố của em Bàn Thị Thêm học sinh lớp 7C nói: “Nhà tôi cách trường học 11km sau khi cháu học hết bậc tiểu học gia đình tôi định cho cháu nghỉ học nhưng nhờ có mô hình bán trú dân nuôi nên tôi đã động viên cháu tiếp tục học để lấy cái chữ. Tôi thấy mô hình này rất thiết thực, đặc biệt là đối với con em ở xa trường học”. Một điều đáng ghi nhận nữa là 100% các học sinh ở bán trú dân nuôi, ngoài giờ học chính ra còn được các thầy cô giáo dạy phụ đạo cả về học văn hoá cũng như cách ứng xử, giao tiếp nên không chỉ đã duy trì được số lượng học sinh ra lớp mà chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
Với những việc làm thiết thực trên, từ năm học 2008 - 2009 đến nay, Trường THCS Động Quan đã huy động được 100% học sinh tốt nghiệp tiểu học ra lớp 6, chấm dứt tình trạng bỏ học. Đặc biệt cũng nhờ mô hình này mà xã Động Quan đã đạt chuẩn về phổ cập THCS trong năm 2009. Đó là những tiền đề quan trọng giúp sự nghiệp giáo dục ở Động Quan từng bước được củng cố và nâng lên.
Hà Tĩnh
Các tin khác
YBĐT - Triển khai mô hình này trong toàn tỉnh, Yên Bái đã có 7.000 đến 8.000 hộ nghèo đã thụ hưởng Dự án này của tỉnh. Dự án đã có kết quả tốt, nhiều hộ đã được nhận trâu, bò vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ngày 23.11, Bộ Y tế phối hợp với Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh miền núi phía Bắc và Ngân hàng Thế giới tổ chức bàn giao 52 xe ôtô cứu thương cho bệnh viện tuyến huyện 7 tỉnh miền núi phía Bắc.
Ngày 23/11, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi tới các Sở GD-ĐT yêu cầu tăng cường các giải pháp ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau. Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở thống kê cụ thể các vụ việc học sinh đánh nhau và kết quả xử lý.
YBĐT - Từ khi được thành lập đến nay, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã có 18 năm hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề. Nơi đây trở thành địa chỉ tin cậy trong công tác đào tạo nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi năm trên 80% học sinh ra trường có việc làm.