Nghèo vì bảo thủ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/11/2010 | 9:12:02 AM

YBĐT - Cụ Phùng Văn Vui năm nay đã 82 tuổi chỉ vào đứa cháu nội Phùng Tiến Hiệp làm trưởng thôn 6 - Hợp Thành, xã Quy Mông (huyện Trấn Yên) bảo rằng: “Nó là đời thứ tám của các chi trong họ Đinh và họ Phùng là người Mường từ Thanh Sơn (Phú Thọ) lên đây mở đất đấy”.

Thôn Hợp Thành có thể phát triển chăn nuôi trâu bò sinh sản và tiềm năng cần được khai thác tốt.
Thôn Hợp Thành có thể phát triển chăn nuôi trâu bò sinh sản và tiềm năng cần được khai thác tốt.

Tôi nhẩm tính lúc di cư lên đây họ đã có ba thế hệ gồm bố, con, cháu. Như vậy, đến đời thứ tám thì cũng tương đương trên một trăm năm và người Mường giờ đã chiếm mấy chục phần trăm dân số ở đất Quy Mông này.

Có những nghiên cứu lịch sử địa phương cho rằng, khi Pháp về chiếm đóng ở Thanh Sơn thì bộ phận người Mường này lên đây lánh nạn, nhưng nhiều người dân trong thôn thì bảo rằng các cụ xưa lên đây là đi tìm nơi đất tốt để làm ăn.

Theo suy luận cá nhân thì khả năng đi lánh nạn là nhiều hơn chứ trên một trăm năm trước ở vùng Thanh Sơn người thưa, đất rộng lại màu mỡ nên cần gì phải lên mãi tận đây? Hơn nữa, vùng đất này cũng không phải là đất tốt bởi đất cát tro chỉ có cây tướng quân mọc nhiều nên trước đây thôn này còn được gọi là làng Tướng Quân.

Tuy nhiên, dù lên đây bằng lý do gì chăng nữa thì dấu tích của một ngôi miếu thờ sơn thần hoặc thờ thần hoàng làng và những chân tảng khá to của một ngôi đình cũ đã cho thấy vùng Mường này đã từng có cuộc sống sung túc. Vậy mà giờ đây, thôn 6 - Hợp Thành dẫu chỉ cách thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên) vài cây số qua sông Hồng mà vẫn nằm trong vùng đặc biệt khó khăn. Trong số 75 hộ dân của thôn không có hộ giàu, chỉ có khoảng 5 - 6 hộ khá và có tới 45% số hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Đi dạo quanh thôn, không khó để nhận ra cái nghèo ở Hợp Thành bởi dân phần lớn vẫn ở nhà gỗ cũ kỹ, đơn sơ và điều lạ là nhà nào trồng quế trong vườn thì quế vẫn lên xanh và khu rừng trồng ngay cạnh đình làng rất tươi tốt, nhưng có khá nhiều hộ để trống đất vườn đồi quanh nhà hoặc để thành vườn tạp. Nhiều nhà không có công trình chăn nuôi và rất ít nhà có ao thả cá dù đó chỉ là những chiếc ao nông.

Nhiều người dân ở đây cho rằng, đất Hợp Thành nghèo là vì đồng đất cát tro nên khó làm ăn nhưng Trưởng thôn Phùng Tiến Hiệp lại cho rằng: nếu là tại đồng đất cát tro thì đất ở Quy Mông chỗ nào cũng vậy mà người Mường ở thôn 7, thôn 8 liền kề có đời sống kinh tế khá hơn. Thực tế là ngay tại Hợp Thành nhà nào chí thú làm ăn thì đời sống vẫn đi lên. Nguyên nhân của cái nghèo ở đây phần lớn vẫn là do con người, là do Hợp Thành đã không thể theo kịp được sự vận động của cơ chế mới.

Tính trung bình cứ 16 người dân ở đây mới có hai người đi học trung học phổ thông. Tư duy cách làm ăn của bà con vẫn bộc lộ sự bảo thủ nên việc đưa cây, con giống mới năng suất chất lượng cao vào sản xuất, thay đổi cơ cấu mùa vụ là rất khó khăn. Cái nghèo kéo dài cũng tạo ra độ ỳ khiến không ít người quen với cuộc sống đơn giản và bằng lòng an phận với thực tại, không có ý chí vượt khó, chủ yếu trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Cái nghèo còn do không ít hộ lười lao động hoặc không chịu khó tìm cách phát triển kinh tế gia đình.

Diện tích ruộng nước cả thôn có 13 héc-ta, nước tưới thuận lợi mà bao năm nay diện tích cây vụ đông không bao giờ vượt qua 3- 4 héc-ta và thiếu đầu tư nên hiệu quả không đồng bộ. Có nhiều hộ nghèo nhưng lại bỏ đất của nhà mình đi làm thuê vụ đông cho nhà khác để ăn đong từng bữa. Chăn nuôi trâu, bò ở đây có điều kiện nhưng 75 hộ mà chỉ có 50 con trâu thì quả là không xứng với tiềm năng và đàn lợn bình quân cũng chỉ ở mức 2 con/hộ. Thêm một chuyện cũng rất đáng quan ngại trong cái nghèo, đó là sự lãng phí trong tổ chức việc hiếu, hỷ của các hộ nghèo. Họ cũng không chịu thua gì hộ khá nên hễ có việc thì nghèo cũng cứ vay mượn làm cho bằng xóm bằng làng, để rồi xong việc nợ nần chồng chất…

Trưởng thôn Phùng Tiến Hiệp thẳng thắn đánh giá tính tiên phong của đội ngũ đảng viên ở đây cũng bộc lộ những vấn đề bất cập. Thôn có 10 đảng viên nhưng chất lượng yếu bởi trình độ và năng lực, cho nên có những đảng viên còn nghèo hơn quần chúng. Có những đảng viên nói được nhưng việc làm cụ thể lại yếu hoặc có người yếu cả hành động thực tế lẫn năng lực vận động quần chúng và ở đây vẫn còn bóng dáng của sự cục bộ dòng họ.

Để đổi thay được bộ mặt đời sống ở vùng đất này sẽ là rất khó trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, tập trung nâng cao dân trí và việc tuyên truyền để thay đổi nếp nghĩ, cách làm bảo thủ trì trệ từ lâu đã ăn sâu vào mỗi người dân nơi đây vẫn là một công việc tiên quyết mang tính thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền cơ sở gắn với việc nghiên cứu xây dựng các mô hình kinh tế để nhân ra diện rộng.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Lãnh đạo Hội CTĐ tỉnh và thành phố Yên Bái tặng quà cho gia đình mẹ liệt sĩ tại phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Trong vòng chưa đầy 1 tháng phát động, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Yên Bái, Hội CTĐ thành phố Yên Bái đã vận động, quyên góp được gần 200 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều quần áo, vật dụng gia đình trị giá trên 100 triệu đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung.

YBĐT - “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (ANTQ) từ lâu đã trở thành một trong những phong trào hiệu quả, thể hiện sức mạnh của thế trận an ninh nhân dân. Xã Tân Hương, huyện Yên Bình (Yên Bái) là cơ sở triển khai phong trào rất sáng tạo, hiệu quả, giữ vững bình yên cuộc sống để người dân yên tâm phát triển kinh tế.

Ngày 25-11, Bộ GD-ĐT công bố nội dung về tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm 2011. Theo đó, kỳ thi này sẽ diễn ra trong 2 ngày 11 và 12-1-2011.

Giám đốc các Đại học, Học viện, Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu tuyển sinh hình thức vừa làm vừa học.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục