Bán trú dân nuôi ở Châu Quế Thượng

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/12/2010 | 2:52:32 PM

YBĐT - Ngày ngày nhìn thấy cuộc sống khó khăn của các em, các thầy, cô giáo thương lắm! Tới đây, nhà trường sẽ được xây dựng khu phòng bán trú kiên cố cho học sinh. Ngoài giờ học các em còn phân công nhau cuốc đất, gánh nước trồng rau phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Học sinh bán trú Trường THCS Châu Quế Thượng tăng gia cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Học sinh bán trú Trường THCS Châu Quế Thượng tăng gia cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên là một trong những xã còn nhiều khó khăn. Do đặc thù là xã vùng cao, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc nên xã có các thôn 8, 9, 10 ở cách trung tâm xã từ 7 - 10 km. Trong đó, thôn 8 có đủ học sinh để mở lớp học tiểu học và mầm non tại thôn, hai thôn còn lại không đủ học sinh nên các em phải đi học tại Trường Tiểu học số 1 và Trường Mầm non số 1 của xã cách thôn 7 km. Năm học 2010 - 2011, xã có 73 em học sinh bán trú, trong đó: mầm non 6 em, tiểu học 26 em, còn lại là trung học cơ sở (THCS).

Cô giáo Đặng Thị Phương - Hiệu trưởng Trường Mầm non số 1 tâm sự: “Ngành học mầm non có 6 em bán trú nên ngoài giờ học tôi cùng với cô Lương Thị Hà vừa lo cho sinh hoạt bản thân, vừa chăm sóc các em từ ăn uống, tắm giặt đến học hành. Chúng tôi chỉ mong sao Nhà nước và các nhà hảo tâm tạo điều kiện, giúp đỡ một số đồ dùng cũng như trang thiết bị phục vụ cho học tập và sinh hoạt cho các em”.

 Hiện nay, các gia đình mỗi tháng đóng góp 8 kg gạo/con đi học, nhưng do điều kiện của một số gia đình khó khăn nên có tháng không góp được. Các em tiểu học cũng có những khó khăn riêng, được gia đình đóng góp 45.000 đồng, 10 kg gạo và 1 bó củi/ em/ tháng, nhà trường thuê người nấu cơm cho các em sinh hoạt và phân công các thầy, cô giáo thay nhau hướng dẫn các em tắm giặt, học hành... nhưng vì phải sống tự lập ở lứa tuổi còn quá nhỏ nên cuộc sống, học tập hàng ngày của các em gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều em nhớ bố, mẹ bỏ về nhà, có em cuối tuần được gia đình đón về song do thời tiết xấu nên không thể đến lớp đúng giờ, ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập. Vì nghèo nên vấn đề ảnh hưởng lớn nhất đến học tập của các em vẫn là kinh tế. Có nhiều gia đình đến tháng không thể đóng góp cho con dù nhà trường và địa phương đã tạo điều kiện mua sắm cho các em nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt và miễn toàn bộ tiền điện.

Năm học 2009 - 2010 ở Châu Quế Thượng vẫn có 6 em bỏ học. Trước những khó khăn đó, năm học này nhà trường tiếp tục huy động đóng góp 100.000 đồng/thầy, cô để giúp các em; phân công các thầy giáo lên thôn cùng các gia đình tìm cách khắc phục khó khăn, vận động các em tiếp tục ra lớp.

Nhiều học sinh ở Châu Quế Thượng tuổi còn nhỏ đã phải sống tự lập.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đặng Thị Liễu - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 cho biết: “Do kinh tế của đồng bào còn quá khó khăn, trong khi đó cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều hạn chế nên cũng không thể giúp được nhiều. Nhà trường mong sao Đảng, Nhà nước tạo điều kiện, có chế độ, chính sách giúp các em”.

Khác với học sinh tiểu học và mầm non, học sinh THCS đã lớn hơn phần nào nên đã mang gạo, mắm muối, nồi xoong... đến tự nấu ăn, sinh hoạt. Thầy giáo Nguyễn Văn Yên - Hiệu trưởng Trường THCS xã Châu Quế Thượng cho biết: “Ngày ngày nhìn thấy cuộc sống khó khăn của các em, các thầy, cô giáo cũng thương lắm! Tới đây, nhà trường sẽ được xây dựng khu phòng bán trú kiên cố cho học sinh". Ngoài giờ học các em còn phân công nhau cuốc đất, gánh nước trồng rau phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Em Tráng A Dê - học sinh lớp 9A tâm sự: “Chúng em ở trên bản, bố mẹ không biết chữ nên nhà nghèo lắm! Em cố gắng đi học chữ, sau này biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào làm kinh tế mong thoát cảnh đói nghèo”.

Tận mắt chứng kiến mới thấy tinh thần vượt khó của các em. Em Phàng Thị Tùng - học sinh lớp 7A, mẹ mất sớm, tâm sự: “Nhà em khổ lắm, lúc đầu bố không cho em đi học nhưng nhìn các bạn cùng trang lứa đi học hết, em rất buồn. Khi được đi học, em được thầy, cô giáo và bạn bè giúp đỡ nên cũng yên tâm học tập. Em cũng như tất cả các bạn rất mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ để chúng em có điều kiện tốt hơn trong học tập”.

Tuy cuộc sống thiếu thốn, song dưới sự dạy dỗ tận tình của thầy, cô giáo và quyết tâm của các em, tất cả bảo nhau chăm ngoan học hành. Những nỗ lực của các em đã được đánh giá qua từng học kỳ trong các năm học. Năm học 2009 - 2010, nhà trường có 8/39 em học lực khá, trung bình 29/39 em, yếu 2/39 em. Đặc biệt, kỳ thi tuyển sinh THPT năm học 2010 – 2011, em, Đặng Thị Hồng đã đạt 27 điểm, Tráng A Vảng đạt 24 điểm được vào học tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Yên Bái.

Tráng A Mua  

Các tin khác
Công ty Điện lực Yên Bái tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Bám sát nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng, phối hợp cùng chuyên môn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD), hàng năm. Đó là những kết quả đã đạt được của Công đoàn Công ty Điện lực Yên Bái trong nhiệm kỳ 2007 - 2010 vừa qua.

Chỉ thị của Bộ Y tế ban hành ngày 14-12 yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tả, sốt xuất huyết nhằm hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ tử vong; chỉ đạo các cơ sở điều trị chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị, nhân lực để kịp thời chẩn đoán thu dung và điều trị bệnh nhân.

Tại buổi giao ban báo chí ngày 14-12, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết Việt Nam đứng thứ 13 trong số các nước đông dân nhất thế giới. Bình quân mỗi năm, Việt Nam tăng thêm gần 1 triệu người, tương đương dân số một tỉnh trung bình.

YBĐT - Ngày 15/12, Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức Phát động thi đua chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đón giáng sinh 2010 trong cộng đồng giáo dân của thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình, giao lưu văn hóa thể thao giữa các chức sắc, chức việc tôn giáo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục