Hiệu quả từ sự giám sát của nhân dân

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/12/2010 | 9:12:38 AM

YBĐT - Làm tốt công tác giám sát thì vai trò của nhân dân được nâng cao và cũng chính là phát huy dân chủ ở cơ sở: dân biết, dân bàn, dân kiểm tra.

Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) giám sát làm đường tại thôn 5.
Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) giám sát làm đường tại thôn 5.

Những người "vác tù và hàng tổng"

Đã 11h trưa mà ông Nguyễn Khắc Hoàn - Trưởng ban GSĐTCCĐ xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) vẫn đang có mặt tại thôn 5 để giám sát việc làm đường thôn. Không riêng ông Hoàn, những thành viên Ban GSĐTCCĐ xã mỗi khi được phân công giám sát công trình xây dựng nào đó trên địa bàn đều rất sát sao, bảo đảm không bỏ qua sai sót trong quá trình thi công, xây dựng của các nhà thầu.

Chính vì vậy, nhiều sai phạm đã được phát hiện trong thời gian qua như: ăn bớt vật liệu làm đường tại thôn 3; sử dụng vật liệu kém chất lượng tại thôn 2; xây dựng mương tưới tiêu không bảo đảm chất lượng, quy cách, độ dày ở thôn 1...

Nhờ đó, không những bảo đảm chất lượng cho các công trình mà quan trọng hơn là mang lại sự phấn khởi cho người dân khi những tiêu cực tại địa phương mình được phát hiện và khắc phục kịp thời.

Ban GSĐTCCĐ xã Văn Phú, ngoài trưởng ban và phó ban, 5 ủy viên là những người có uy tín, được nhân dân ở các khu dân cư trực tiếp bầu. Không phụ cấp, trợ cấp song bằng tinh thần tự nguyện, lòng nhiệt tình và trách nhiệm với dân, Ban đã làm việc rất sát sao.

Thấu hiểu nhân dân chính là “tai, mắt” quan trọng, quá trình giám sát, Ban chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực có các công trình xây dựng cùng tham gia giám sát và qua đó tiếp nhận được nhiều thông tin có giá trị. Đồng thời đề nghị các cấp, các bên liên quan phối hợp, tạo điều kiện cho việc giám sát của Ban. Đối với các nhà thầu, Ban yêu cầu treo bảng thiết kế công trình, tổng vốn đầu tư...

Đối với UBND xã, Ban cũng đề nghị thông báo, niêm yết công khai công trình xây dựng trên địa bàn hàng năm, tạo điều kiện cho Ban xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm. Việc tham gia giám sát luôn được Ban GSĐTCCĐ xã thực hiện ngay từ đầu, từ khâu giải phóng mặt bằng cho đến khởi công, thi công...

Từ năm 2008 đến nay, Ban tham gia giám sát gần 20 công trình xây dựng như: công trình thủy lợi, đường giao thông liên thôn,  nhà văn hóa khu dân cư, trường học, trạm y tế xã... và phát hiện, tham mưu xử lý những tiêu cực trong quá trình xây dựng.

Giám sát đầu tư của cộng đồng là hoạt động tự nguyện của nhân dân sinh sống trên địa bàn đó để theo dõi, đánh giá việc chấp hành những quy định về quản lý đầu tư của các cơ quan có thẩm quyền đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công dự án trong quá trình đầu tư.

Qua đó giúp phát hiện, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về những việc làm vi phạm quy định quản lý đầu tư nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các việc làm sai trái, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước, xâm hại lợi ích của cộng đồng.

Những con số của niềm tin và sự phấn khởi

Được triển khai thành lập từ đầu năm 2008 và nhanh chóng có mặt tại 180/180 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh trong năm này, đến nay, các ban GSĐTCCĐ được củng cố, kiện toàn với 97 ban giám sát chuyên trách, 83 ban giám sát do ban thanh tra nhân dân kiêm nhiệm.

Thành phần gồm chủ tịch hoặc phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã làm trưởng ban, thành viên là người đứng đầu các tổ chức đoàn thể như: hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, trưởng ban công tác mặt trận, cán bộ hưu trí và quần chúng có uy tín, được nhân dân tín nhiệm. Trung bình, mỗi ban giám sát có từ 5 - 9 người và mỗi thôn, bản có một thành viên.

Từ khi được thành lập và đi vào hoạt động, các ban này đã tham gia giám sát các công trình xây dựng như: đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, trường học, công trình nước sạch; việc cấp tiền làm nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 30a của Chính phủ về xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình 134, 135 giai đoạn II; việc cấp tiền
hỗ trợ người nghèo ăn tết, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên các địa bàn...

Chỉ trong năm 2009 và 8 tháng đầu năm 2010, các ban tham gia giám sát 1.432 công trình, vụ việc. Từ các ý kiến, kiến nghị của ban, các cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ đầu tư đã xem xét giải quyết, khắc phục kịp thời về lỗi kỹ thuật, chất lượng vật liệu công trình, mác bê tông, tiến độ, thời gian thực hiện....

Tại huyện Trấn Yên, các ban GSĐTCCĐ đã giám sát 106 cuộc, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm 12 vụ việc, UBND xã Báo Đáp giải quyết 5 vụ việc về lỗi kỹ thuật thi công, chất lượng vật liệu chưa đáp ứng quy trình làm đường giao thông nông thôn; 3 vụ việc đề nghị UBND xã Việt Thành, xã Minh Quán xem xét, yêu cầu nhà thầu chỉnh sửa một số chi tiết trong xây dựng trường trung học cơ sở, nhà mẫu giáo và công trình xây dựng cầu tại xã, mác bê tông chưa đúng quy cách...

Tại thành phố Yên Bái, các ban đã giám sát 85 công trình, kiến nghị giải quyết 21 vụ việc, chủ yếu là đường giao thông nông thôn, trường học, xây dựng nhà văn hóa không bảo đảm mác bê tông, vật liệu không đúng kích cỡ, cống xây dựng không đúng bản vẽ thiết kế, tiến độ chậm...

Huyện Yên Bình, các ban cũng đã giám sát trên 150 vụ việc, trong đó trên 70 vụ giám sát dự án đầu tư bằng vốn đầu tư của Nhà nước như: giám sát Chương trình 134, 135; trên 60 vụ giám sát dự án đầu tư bằng vốn Nhà nước và công sức của cộng đồng như: xây dựng trường lớp, nhà công vụ giáo viên, bê tông hóa đường nông thôn, nhà văn hóa khu dân cư...; trên 20 vụ việc giám sát công tác đền bù giải phóng mặt bằng; trên 10 vụ giám sát chất thải bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp đóng trên địa bàn huyện.

Qua giám sát, đã phát hiện một số chương trình, dự án được xây dựng trong kế hoạch nhưng không triển khai như quy hoạch khu công nghiệp tại xã Mông Sơn; dự án nước sạch xã Xuân Long, Tích Cốc chất lượng công trình không bảo đảm...

Hoạt động giám sát của ban GSĐTCCĐ được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Qua giám sát đã nói lên được tiếng nói và mong muốn của nhân dân cũng như giải tỏa được những vấn đề bức xúc trong nhân dân.
 
Còn đó những khó khăn

GSĐTCCĐ là một nội dung công việc mới. Vì vậy, có không ít khó khăn ảnh hưởng đến hiệu quả giám sát. Phải kể đến việc một số nơi, chủ đầu tư, chủ dự án không có tinh thần hợp tác; một số nhà thầu chưa tạo điều kiện cung cấp thông tin, tài liệu cho ban trong quá trình giám sát.

Một số nơi, cấp ủy cơ sở chưa thực sự quan tâm, chính quyền cơ sở chưa phối hợp thường xuyên và coi đây là việc làm giám sát thường xuyên của Mặt trận. Nhà nước hiện cũng chưa có chế tài cụ thể trong việc giám sát đối với các ban GSĐTCCĐ.

Việc giải quyết của các cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa được quan tâm và thông báo công khai cũng là khó khăn không nhỏ làm giảm sút hiệu quả của công tác giám sát.

Một khó khăn nữa mà các ban phải đối mặt là chưa có kinh phí hoạt động, phụ cấp, trang thiết bị hỗ trợ phục vụ cho công việc. Lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm là điều không thiếu nhưng trình độ của các thành viên ban giám sát không đồng đều, đa số chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ giám sát, nhất là giám sát xây dựng cơ bản nên chất lượng giám sát chưa cao.

Cũng phải kể đến sự e dè, nể nang của một số thành viên của ban làm ảnh hưởng đến hiệu quả giảm sát... Vì vậy, lựa chọn những người có tâm huyết, có trình độ chuyên môn, đặc biệt về trình độ pháp lý, am hiểu sâu rộng đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... để bảo đảm cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng thành viên là yếu tố quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động của các ban GSĐTCCĐ đồng thời cũng chính là thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở.

 Thu Hạnh

Các tin khác
Việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm y tế được  quan tâm. Ảnh M.Q

YBĐT - Năm 2010, huyện Lục Yên (Yên Bái) đăng ký xây dựng 5 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã gồm: Minh Xuân, Tân Phượng, Minh Tiến, Khánh Hòa và Động Quan.

Tuổi trẻ Văn Yên trong ngày kỷ niệm thành lập huyện. Ảnh minh họa

YBĐT - Năm 2010, Huyện đoàn Văn Yên (Yên Bái) đã củng cố hoạt động các cơ sở Đoàn, thành lập mới các câu lạc bộ , tổ, nhóm, đội, kết nạp mới trên 1.000 hội viên, đạt tỷ lệ thu hút 76,1%.

YBĐT - Đến nay, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã hoàn thành được 634 nhà tiêu hợp vệ sinh, 1.296 hố rác thải sinh hoạt và 332 chuồng trại hợp vệ sinh.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 57/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN&PTNT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục