Yên Bái tiếp tục duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS
- Cập nhật: Thứ hai, 27/12/2010 | 9:22:29 AM
YBĐT - Đến năm học 2009 - 2010, toàn tỉnh Yên Bái có 2.321 giáo viên mầm non, trong đó đạt chuẩn trở lên là 99,31%, bậc tiểu học có 4.086 cán bộ quản lý và giáo viên, đạt chuẩn trở lên là 99,66%, THCS có 3.370 giáo viên, đạt chuẩn trở lên là 98,43%...
Bộ môn Tin học đã đưa vào chương trình giảng dạy của nhiều trường trung học cơ sở trong tỉnh. (Ảnh Văn Tuấn)
|
Yên Bái có 9 huyện, thị xã, thành phố với 180 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 132 cơ sở thuộc vùng khó khăn, 65 xã đặc biệt khó khăn, 70 xã vùng cao và 2 huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu; kinh tế – xã hội chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần; trình độ dân trí không đồng đều, dân cư sống phân tán, địa hình đồi núi, khe suối chia cắt nên việc đi lại đến lớp, đến trường của học sinh gặp rất nhiều khó khăn…
Đây là những trở ngại lớn trong việc thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTH ĐĐT) và phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGD THCS) của tỉnh.
Ông Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở - chống mù chữ (PCGDTH-CMC, THCS) tỉnh cho biết: “Để thực mục tiêu PCGDTH ĐĐT và PCGD THCS trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ đạo PCGDTH - CMC, PCGD THCS tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và 180 xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo PCGDTH - CMC, PCGDTHCS để chỉ đạo thực hiện PCGDTH ĐĐT và PCGD THCS tại địa phương mình.
Các phòng giáo dục và đào tạo huyện bố trí 1 cán bộ chuyên trách công tác chống mù chữ PCGD THCS; các trường tiểu học, THCS bố trí 1 giáo viên kiêm nhiệm theo dõi công tác phổ cập, thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng thời, yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư kiên cố hoá trường, lớp học, đường giao thông liên xã, liên thôn và đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và những cán bộ tham gia làm công tác PCGD; tổ chức giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước dành cho giáo viên và học sinh ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa…
Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, kết hợp nguồn lực đầu tư của Nhà nước với đóng góp của nhân dân kiên cố hoá trường, lớp học; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội ở cơ sở để vận động con em ở xã, phường trong độ tuổi ra lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần, chống học sinh bỏ học...”.
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục - Đào tạo kiểm tra công tác PCGDTH ĐĐT tại Trường Tiểu học xã Bản Công (Trạm Tấu).
Trong quá trình thực hiện mục tiêu PCGDTH ĐĐT và PCGDTHCS Yên Bái gặp phải không ít khó khăn. Năm 1997 tỉnh Yên Bái được Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia PCGDTH - CMC. Nhưng đến năm 2000, huyện Trạm Tấu mới đạt chuẩn PCGD TH năm 2001, huyện Mù Cang Chải đạt chuẩn PCGDTH.
Từ năm học 2001 - 2002, tỉnh triển khai thực hiện đồng thời hai mục tiêu PCGD TH ĐĐT và PCGDTHCS, song trên địa bàn vẫn còn 30 xã mới chỉ có trường tiểu học chưa có trường, lớp THCS, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên còn thiếu về số lượng, chưa cân đối về cơ cấu; một bộ phận giáo viên trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu thay sách và đổi mới phương pháp dạy học...
Nhờ triển khai tốt các giải pháp thực hiện mục tiêu PCGDTH ĐĐT và PCGDTHCS nên mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ về quy mô và chất lượng đào tạo. Năm học 2001 - 2002, toàn tỉnh có 420 đơn vị trường, trong đó có 58 trường mầm non; 166 trường tiểu học, 72 trường phổ thông cơ sở; 86 trường THCS; 20 trường THPT… với trên 203.294 học sinh, học viên, trong đó có 23.179 cháu mầm non, 94.750 học sinh tiểu học và 2.677 học viên xóa mù chữ. Đến năm học 2009 - 2010, toàn tỉnh có 573 đơn vị trường học, trong đó có 173 trường mầm non và 170 trường tiểu học, 186 trường THCS, 25 THPT, 10 trung tâm giáo dục thường xuyên...
Với 185.577 học sinh, học viên, trong đó có 35.242 cháu mầm non; 64.566 học sinh tiểu học, 48.194 học sinh THCS, 20.614 học sinh THPT; 2.513 học sinh học nghề tại trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; 6.391 học viên trung tâm giáo dục thường xuyên; 8.057 học sinh, học viên cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Bình quân hơn 3 người dân Yên Bái có 1 người đi học...
Đến năm 2002, 100% số xã, phường, thị trấn, 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh được công nhận đạt chuẩn PCGDTH-CMC; 70/180 xã, phường, thị trấn được công nhận PCGDTH ĐĐT. Từ năm 2002- 2009, toàn tỉnh đã tổ chức được 2.174 lớp PCGDTHCS-CMC, với 42.569 học viên, trong đó có 14.764 học viên trong độ tuổi 15 đến 18. Năm 2007, tỉnh Yên Bái đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia PCGD THCS. Đến thời điểm 31/10/2009, Yên Bái có 166/180 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT đạt 92,22%; 7/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT. Đầu tháng 4 năm 2010, tỉnh Yên Bái được Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận tỉnh đạt chuẩn quốc gia PCGD THĐĐT.
Cùng với việc quy hoạch, xây dựng mạng lưới trường, lớp, ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái luôn chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục và giáo viên. Đến năm học 2009 - 2010, toàn tỉnh có 2.321 giáo viên mầm non, trong đó đạt chuẩn trở lên là 99,31%, bậc tiểu học có 4.086 cán bộ quản lý và giáo viên, đạt chuẩn trở lên là 99,66%, THCS có 3.370 giáo viên, đạt chuẩn trở lên là 98,43%... Tỉ lệ giáo viên/lớp: ngành học mầm non là 1,67, bậc tiểu học là 1,37, THCS là 2,17, cơ cấu giáo viên về cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy các môn học cấp THCS...
Để thực hiện tốt cả 2 mục tiêu PCGDTH ĐĐT và PCGDTHCS, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp huy động học sinh tới lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần, các trường tiểu học ở vùng thấp và vùng cao đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Sở Giáo dục - Đào tạo về các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Các trường tiểu học ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tập trung nâng cao chất lượng dạy và học 2 môn Toán và Tiếng Việt phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh trong vùng, các trường tiểu học vùng thấp đã tăng cường dạy học 2 buổi/ngày…
Đồng thời, các trường đã tăng cường kiểm tra, thanh tra thường xuyên đánh giá chất lượng giáo viên, bố trí chuyển công việc khác đối với những giáo viên trình độ năng lực giảng dạy, không đạt yêu cầu. Hàng năm, UBND tỉnh đều thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá công nhận kết quả thực hiện PCGDTH ĐĐT và PCGD THCS tại các huyện, thị xã, thành phố; Sở Giáo dục - Đào tạo thành lập tổ cốt cán thực hiện công tác PCGD, có nhiệm vụ kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật đối với các đơn vị cấp huyện, cấp xã làm công tác PCGDTH ĐĐT…
Bằng sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhất là sự cố gắng của cán bộ và giáo viên ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái, công tác PCGDTH-CMC, PCGDTH ĐĐT và PCGD THCS trên địa bàn tỉnh đã có bước tiến khá nhanh.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong những năm tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng PCGDTH ĐĐT đối với các đơn vị đã đạt chuẩn và xây dựng lộ trình đạt chuẩn mức độ 1 cho những đơn vị chưa được công nhận, phấn đấu đến năm 2013 có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THĐĐT, trong đó có 50% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2; đến cuối năm 2011, 180/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS; đến năm 2015, các đơn vị vùng thuận lợi có 80% đối tượng phổ cập hoàn thành chương trình THCS ở độ tuổi 15 tuổi và đến năm 2015, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái đạt chuẩn PCGD trung học phổ thông.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, tính đến tháng 12 năm 2010, phường Minh Tân đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Trời rét đậm, rét hại vẫn xâm chiếm các tỉnh Bắc Bộ trong ngày đầu tuần. Dự báo ngày 28/12, khối không khí lạnh sẽ suy yếu chậm.
Đây là một trong những nội dung quan trọng được nêu tại Thông tư Liên tịch số 197/2010/TTLT-BTC-BTNMT do Liên bộ Tài chính, Tài nguyên - Môi trường mới ban hành, hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT).