Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ở Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/1/2011 | 9:37:37 AM

YBĐT - Năm 2010, trên địa bàn 23 xã của huyện Lục Yên đã có 370 ngôi nhà được xây dựng xong cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

 Chương trình nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/QĐ - TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện cho người nghèo có nhà ở kiên cố, ổn định cuộc sống.

Trước đây, gia đình chị Hoàng Thị Oanh, thôn Làng Già, xã Yên Thắng sống trong ngôi nhà đất, mái lợp cọ cũ nát. Do cột, xà đã mục, mỗi khi mưa, bão gia đình chị lại nơm nớp lo sợ vì ngôi nhà có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Năm 2009, được bà con trong thôn và chính quyền địa phương xét đưa vào diện được hỗ trợ từ Chương trình 167, cùng với số tiền Nhà nước hỗ trợ và 8 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, vợ chồng chị Oanh đã mua cát, sỏi, xi măng tự đóng gạch để xây nhà, sau nửa năm, 2 vợ chồng chị đã xây được ngôi nhà cấp IV khá khang trang. Với nụ cười tươi rói, chị nói “Có nhà mới rồi, từ nay vợ chồng yên tâm và sẽ tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học nên người”.

Cũng như gia đình chị Oanh, năm 2010 vừa qua, huyện Lục Yên có thêm 370 ngôi nhà đã được xây cho các hộ nghèo tại 23 xã. Điển hình là xã Trúc Lâu, trong 2 năm triển khai chương trình có 18 hộ và xã Khai Trung có 3 hộ được hỗ trợ làm nhà. Có được kết quả trên là do Ban chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của huyện chỉ đạo sát sao các nghành liên quan và chính quyền các xã cùng nỗ lực vào cuộc giúp đỡ các hộ khó khăn.

Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ là chính sách giúp các hộ nghèo, đặc biệt là hộ dân tộc thiểu số có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Đồng chí An Hải Nam, Phó chủ tịch UBND - Trưởng ban chỉ đạo hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở huyện cho biết: “Trước khi triển khai, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiến hành rà soát, kiểm tra những đối tượng được hưởng lợi để tránh tình trạng bỏ sót”.

Từ đó, việc triển khai từ xã, thôn, bản được huyện và các thành viên Ban chỉ đạo, các cơ quan phụ trách xã vào cuộc tuyên truyền trực tiếp đến người dân. Ban Chỉ đạo phân công cho từng thành viên và cán bộ các cơ quan của huyện giúp đỡ xã trong suốt quá trình tổ chức làm nhà cho hộ nghèo, chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện của từng xã.

Đồng thời, làm tốt công tác vận động các ngành, các đoàn thể hỗ trợ các hộ nghèo làm nhà; đặc biệt quan tâm đến hộ có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn về nhân lực, hộ có người tàn tật. Các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngân sách hỗ trợ cho các hộ đã được phê duyệt danh sách để có kinh phí chuẩn bị vật liệu khởi công nhà theo đúng quy định. Công tác tổ chức, bình xét, đăng ký nhu cầu được tiến hành chặt chẽ theo hai bước: thống kê, đăng ký nhu cầu ban đầu lập đề án (điều tra, rà soát các hộ nghèo còn ở nhà tạm, xây dựng kế hoạch điều tra, thống kê danh sách và tổng hợp nhu cầu tiến hành từ thôn đến xã, đăng ký nhu cầu lên huyện tổng hợp số hộ đề nghị được hỗ trợ). Tiếp đó, việc rà soát, bình xét, báo cáo danh sách chính thức được tiến hành nghiêm túc với phương châm rà soát kỹ, đúng đối tượng.

Qua thực tiễn triển khai thực hiện từ năm 2009, huyện Lục Yên đã rút ra những kinh nghiệm là: huyện có 16 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán khác nhau, thời gian khởi công làm nhà phụ thuộc vào điều kiện cụ thể nên phải có biện pháp đôn đốc, chỉ đạo kịp thời, đảm bảo tiến độ. Hoàn cảnh của từng hộ khác nhau nên điều kiện tiến hành cũng khác nhau, như người cô đơn hoặc tàn tật, thiếu nhân lực thì cần phải huy động các tổ chức đoàn thể, cộng đồng tham gia vào cuộc. Thêm vào đó, vị trí địa lý ảnh hưởng đến tiến độ làm nhà: thôn, bản ở xa trung tâm xã, việc triển khai khó khăn hơn thôn ở gần... Từ những kinh nghiệm đó, Ban chỉ đạo của huyện đã kịp thời chỉ đạo các xã, các thành viên, các cơ quan được phân công giúp đỡ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình cơ sở để có hướng giải quyết kịp thời. Ban chỉ đạo xã lại phân công cụ thể các thành viên phụ trách từng thôn, bản.

Các tổ chức đoàn thể: Ủy ban MTTQ, Hội Phụ nữ, Huyện Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh huyện chỉ đạo cấp cơ sở cùng tham gia. Đặc biệt, do địa bàn huyện còn rất ít rừng tự nhiên và tỷ lệ độ che phủ rừng còn thấp, nên huyện không khuyến khích người dân khai thác gỗ rừng tự nhiên, mà chủ yếu dùng nguồn gỗ vườn rừng gia đình, họ hàng hỗ trợ, tận dụng khung nhà gỗ còn tốt để đưa vào thi công.

Từ những cách làm đó, huyện Lục Yên sớm hoàn thành 370 ngôi nhà cho các hộ nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ 6.919 triệu đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách hỗ trợ 3.700 triệu đồng, nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ "Vì người nghèo" của tỉnh và huyện 259 triệu đồng) các hộ gia đình đã vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội 2.960 triệu đồng.

Qua kiểm tra, có 243 hộ làm nhà sàn mái lợp cọ, 103 hộ làm nhà đất mái lợp Phi brô xi măng, tấm tôn,  24 hộ làm nhà xây cấp IV, các ngôi nhà này đều có diện tích rộng từ 35m2 trở lên và đảm bảo về chất lượng. 

Minh Tuấn

Các tin khác

YBĐT - Trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã được huyện Trấn Yên (Yên Bái) quan tâm và thực hiện có hiệu quả, góp phần giữ gìn đoàn kết nội bộ, phát huy tình cảm đạo lý tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa và hạn chế những vi phạm pháp luật.

YBĐT - Năm 2010, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) tổ chức 4 đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến địa bàn 11 xã khó khăn.

Trụ sở UBND xã Hồ Bốn (Mù Cáng Chải) được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135.

YBĐT - Tỉnh Yên Bái có huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bộ Tài chính cho biết đang tính đến việc sửa đổi một số quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục