Tết và chuyện lương, thưởng ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/1/2011 | 9:07:08 AM

YBĐT - Ngày 11/1/2011, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái công bố mức lương bình quân của hàng vạn công nhân lao động trong năm 2010 và số tiền dự kiến chi cho người lao động dịp tết Nguyên đán tại các doanh nghiệp...

Lương, thưởng cuối năm luôn là
Lương, thưởng cuối năm luôn là "thời sự nóng".

Không giống như nhiều tỉnh, thành khác, chuyện lương, thưởng tết đã được bàn luận từ khá lâu và các phương tiện truyền thông đã "sốt " lên với "Thưởng tết, người cười kẻ khóc", "Mức thưởng tết đỉnh nhất gần 500 triệu đồng"...

Đến nay (tức còn khoảng gần 2 tuần nữa mới đến tết), người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị ở Yên Bái mới bắt đầu bàn chuyện lương, thưởng và thực tế thì đến ngày 11/1/2011, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mới công bố mức lương bình quân của hàng vạn công nhân lao động trong năm 2010 và số tiền dự kiến chi cho người lao động dịp tết Nguyên đán tại các doanh nghiệp.

Bản báo cáo khá ngắn gọn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tại các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước: lương thấp nhất là 1.556.000 đồng/tháng, bình quân là 2.500.000 đồng và cao nhất là 3.900.000 đồng; tại các công ty cổ phần, vốn góp Nhà nước: lương thấp nhất là 1.500.000 đồng, bình quân 2.500.000 đồng và cao nhất là 5.500.000 đồng; doanh nghiệp tư nhân mức lương thấp nhất là 1.560.000 đồng,  bình quân 2.080.000 đồng và cao nhất là 47.000.000 đồng; doanh nghiệp vốn FDI: lương thấp nhất 2.700.000 đồng, bình quân 4.500.000 đồng và cao nhất 27.000.000 đồng/tháng.

Những con số kể trên cho thấy, tuy mức lương giữa các doanh nghiệp có khác nhau nhưng nhìn chung đã có sự tăng trưởng so với năm 2009, đặc biệt nhiều doanh nghiệp đã trả lương cao cho người lao động. Có tiền lương, tiền công, người lao động đã có cuộc sống khá và có tích luỹ cho mai sau.

Tuy thế, trên địa bàn Yên Bái vẫn còn hàng loạt các doanh nghiệp để công nhân sống trong tình trạng “thắt lưng buộc bụng” từ đồng lương. Trong số ấy phải kể đến các lâm trường quốc doanh hay các công ty quản lý đường bộ (mức lương bình quân chỉ có 1.556 nghìn đồng/tháng).

Một số đơn vị sử dụng lực lượng lao động lớn như các doanh nghiệp trong ngành đường sắt, mức lương chỉ đủ trả theo cấp bậc, chức vụ, không có cải thiện so với trước nên đời sống của người lao động không được nâng lên, nếu không muốn nói là đi xuống bởi trượt giá. Một điểm rất đáng chú ý là hàng trăm doanh nghiệp tư nhân trong đó chủ yếu là các công ty chế biến gỗ, chè... hay các công ty xây dựng năm qua đã đảm bảo việc làm cho người lao động, lương được trả theo ngày với số tiền từ 80 đến 130 nghìn đồng/ người.

Mặc dù tính bình quân thu nhập của các đối tượng này chỉ khoảng từ 2.500.000 -3.000.000 đồng/tháng - chưa thể nói là cao, nhưng với nhiều người lao động, việc làm và thu nhập như vậy là hoàn toàn có thể chấp nhận được khi mà phần lớn trong số họ làm việc theo mùa vụ vẫn tranh thủ tăng gia chăn nuôi hay sản xuất nông, lâm nghiệp...

Cái yếu nhất của đa số các doanh nghiệp tư nhân hiện nay là chưa giúp và chưa vận động được người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như các chính sách an sinh xã hội khác. Có thể khẳng định, ngày càng nhiều doanh nghiệp đảm bảo mức lương cho người lao động 5 - 7 triệu đồng/tháng, có doanh nghiệp còn cao hơn là điều rất đáng mừng.

Qua đó càng cần biểu dương đội ngũ doanh nhân của chúng ta đã năng động, sáng tạo, vượt lên trong khó khăn của khủng hoảng kinh tế để doanh nghiệp đứng vững và phát triển cũng như có điều kiện chăm lo đến người lao động. Nhưng trong tình hình chung, mức sống của người lao động dù đã có cải thiện song chưa nâng lên được là bao, càng khó khăn ở những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, chưa có sự bứt phá.. Nguyên nhân chính là lạm phát cao, giá cả tăng nhanh, nhất là nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

Sau câu chuyện lương là câu chuyện thưởng tết. Cũng theo điều tra của ngành lao động- thương binh và xã hội tại một số doanh nghiệp thì dịp tết Dương lịch phần lớn các doanh nghiệp đều thưởng tết cho anh em với mức khiêm tốn, từ 100 đến 500 nghìn đồng; dịp tết Âm lịch mức dự kiến chi cho công nhân thấp nhất 100 nghìn đồng, cao nhất thuộc về Công ty Liên doanh YBB 20.000.000 đồng. Xin lưu ý rằng, đây chỉ là số liệu điều tra của ngành lao động - thương binh và xã hội tại một số các doanh nghiệp chứ không phải là tất cả.

Chắc chắn đó cũng không phải là số liệu chính xác nhất bởi thực tế không ít doanh nghiệp "ngại" không muốn công bố số tiền hoặc tìm cách "ẩn" tiền thưởng tết vào các loại chi phí khác như mua sắm quần áo bảo hộ, đồng phục, công tác phí...

Điều rất đáng quý là nhiều doanh nghiệp tư nhân đã biết lấy việc trả lương khá và lo tết cho công nhân là biện pháp quan trọng nhất để giữ chân người lao động. "Công ty quyết tâm kiếm đủ việc làm, lương công nhân đảm bảo trên 100 nghìn đồng /ngày, chăm lo bữa ăn trưa; tất niên phải liên hoan, khen thưởng. Anh em công nhân ở với mình, gắn bó với mình cả năm rồi, phải động viên họ" - tâm sự của Giám đốc Công ty Chè Bình Thuận (Văn Chấn). 

Còn chủ cơ sở chế biến gỗ rừng trồng Doanh Mùi cho biết: "Cho họ (tức công nhân) công việc với mức lương cao, thưởng lớn để họ làm việc tốt, họ tự tìm đến với mình và tự giữ chỗ làm. Đó mới là mục tiêu phấn đấu của chúng tôi".

Trong khi lao động ở các doanh nghiệp kẻ cười, người mếu trước khoản tiền tết thì hàng vạn cán bộ, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, đặc biệt là đội ngũ giáo viên và công chức xã khoản tiền tết phụ thuộc hoàn toàn khả năng tiết kiệm chi trong năm của đơn vị mình. Khi tìm hiểu thông tin để thực hiện bài viết này, chúng tôi được biết phần lớn các sở, ban, ngành trong tỉnh đều thưởng tiền tết Âm lịch cho cán bộ, viên chức từ 400 ngàn đến 1 triệu đồng.

Rất nhiều giáo viên ở Trấn Yên, Yên Bình cho biết: "Chưa bao giờ có tiền tết. Nghe nói năm nay nhà trường đã tách tài khoản, chủ động nguồn kinh phí theo Quyết định 39 nên hiệu trưởng cùng kế toán đang xem xét chi cho mỗi giáo viên 100 nghìn đồng gọi là có chút động viên". 100 nghìn chưa mua nổi một con gà hay vài cân gạo nếp trong thời “bão” giá nhưng chừng đó cũng đã rất vui bởi chưa bao giờ có hoặc nhiều nơi còn không có!

Lê Phiên

Các tin khác
Khu vực tồn dư Dioxin tại sân bay Đà Nẵng được đánh giá là cao nhất Việt Nam.

Việc xử lý Dioxin tồn dư trong đất tại sân bay Đà Nẵng - nơi được coi là có lượng dioxin tồn dư lớn nhất Việt Nam, sẽ thực hiện bằng công nghệ hấp tỏa nhiệt với kinh phí lên tới 34 triệu USD.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH đã trình Chủ tịch nước về mức quà tặng đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011.

Nhiều học sinh nghỉ học không đến lớp vì thời tiết lạnh

YBĐT - Hiện nay, một số các trường bậc học mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố Yên Bái đã cho học sinh nghỉ học để tránh rét nhằm đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh.

Nông dân vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ giống sản xuất.
Ảnh: Nông dân Lục Yên chăm sóc ngô.

YBĐT - Trong Chương trình 135 giai đoạn II (2006 – 2010), huyện Lục Yên có 7 xã và 29 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục